Nhận diện hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định Pháp luật – Thực tiễn nghiên cứu tại tỉnh Phú Thọ

Nghị định số 23/2020/ ND-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông được thể hiện rất rõ tại Điều 8. Theo đó, nguyên tắc cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, phải bảo đảm các nguyên tắc khi cấp phép thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 40, khoản 1 Điều 53 Luật Khoáng sản và các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, hoạt động khai thác được thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trừ trường hợp thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Thứ hai, trường hợp khu vực đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông nằm giáp ranh từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, trước khi cấp phép, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép phải lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là địa phương giáp ranh.

Thứ ba, trước khi cấp phép, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về đường thủy nội địa, phòng chống thiên tai, thủy lợi và đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 15 Nghị định này.

Trên cơ sở các quy định của Luật Khoáng sản và Nghị định của Chính phủ, Tòa soạn Kinh doanh và Phát triển xây dựng chuyên đề “Điều kiện đăng ký kinh doanh, hoạt động khai thác khoáng sản", qua đó đã nghiên cứu chính sách và khảo sát thực tiễn tại một số địa phương để minh chứng cho Chuyên đề, trong đó có tỉnh Phú Thọ.

Tỉnh Phú Thọ là địa phương có tiềm năng, lợi thế về khoáng sản đặc biệt là cát, sỏi. Do vị trí địa lý, tỉnh Phú Thọ có nhiều dòng sông lớn chảy qua như Sông Lô, sông Đà, sông Hồng, sông Bứa, cùng với đó là nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nếu quản lý, khai thác tốt, đây sẽ là nguồn lực rất lớn đóng góp cho ngân sách Nhà nước và góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực tiễn nghiên cứu và khảo sát tại huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), Phóng viên tòa soạn Tạp chí Kinh doanh và Phát triển đã có mặt trong nhiều ngày để ghi nhận tại khu vực sông Bứa, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn. Nơi đây đang diễn ra hoạt động nạo vét lòng sông, với mục đích khơi thông dòng chảy. Mặc dù đã có văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cho phép, tuy nhiên, vẫn còn đó một số tồn tại, hạn chế.

Nhận diện hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định Pháp luật – Thực tiễn nghiên cứu tại tỉnh Phú Thọ
Trụ sở UBND huyện Thanh Sơn

Để có thêm những căn cứ minh chứng cho chuyên đề, nhiều ý kiến người dân nơi đây được phóng viên ghi nhận, và được biết, nhiều ngày nay, có khoảng 2-3 chiếc máy xúc cỡ lớn múc cát sỏi, các xe tải chở cát sỏi từ lòng sông Bứa.

Ngày 13/3/2023, UBND huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã có văn bản số 323 về việc thanh thải lòng sông Bứa thuộc Dự án khu dân cư Soi Cả, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn. Dự án nhằm đảm bảo khả năng tiêu, thoát lũ trong mùa mưa 2023 và các năm tiếp theo.

Văn bản số 323 của UBND huyện Thanh Sơn yêu cầu đơn vị thực hiện: Đào mở rộng lòng sông sâu trong bãi, tạo dòng chảy thông thoáng từ cọc C1 đến cọc C67 theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công hạng mục kè sông Bứa theo văn bản thẩm định của Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ. Đơn vị thực hiện có biện pháp thanh thải, gia cố bãi sông phía sau cầu 30/4 để tăng khả năng thoát lũ theo đúng quy định của pháp luật...

Theo khoản 1, Điều 9, Nghị định 23 năm 2020 của Chính phủ về “Nội dung Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông”, Ngoài nội dung quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Khoáng sản, Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông còn quy định rõ thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, không được khai thác ban đêm.

Tuy nhiên theo ý kiến của các hộ dân và hình ảnh phóng viên ghi nhận được tại địa điểm dự án, 2 máy xúc vẫn khai thác cát sỏi đến 20h đêm, việc khai thác quá thời gian này lại đang làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân địa phương.

Về nội dung này, ông Đặng Tiến Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Sơn cho biết, Công ty vận chuyển cát sỏi đi, cái này họ có giấy phép nạo vét lòng sông để khơi thông dòng chảy.

Việc nạo vét, khơi thông dòng chảy đảm bảo an ninh, an toàn sông, hồ đập mùa mưa lũ là việc làm cần thiết của các địa phương. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp hoạt động quá thời gian quy định là chưa đúng với quy định, đồng thời các cơ quan chức năng cần có sự giám sát, nhắc nhở đơn vị thi công chấp hành nghiêm quy định về thời gian nạo vét, thanh thải lòng sông đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân địa phương quanh khu vực dự án. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có giải pháp nghiên cứu chất thải khi thực hiện nạo vét, thanh thải lòng sông, nếu phát hiện khoáng sản là cát, sỏi, có thể khai thác sử dụng, cần có phương án tối ưu kinh tế, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Ngày 28 tháng 11 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 01 năm 2019.

Yêu cầu đối với công tác thi công, đổ chất nạo vét:

Chủ đầu tư, nhà đầu tư công trình nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa chịu trách nhiệm tổ chức giám sát công tác thi công, đổ chất nạo vét trong suốt thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hoạt động nạo vét, bao gồm và không giới hạn bởi các nội dung sau:

a) Tổ chức giám sát chặt chẽ phương tiện thi công nạo vét đảm bảo thi công đúng phạm vi, thiết kế công trình;

b) Tổ chức giám sát chặt chẽ phương tiện vận chuyển đổ chất nạo vét, hành trình của các phương tiện và nhận chìm chất nạo vét, đổ thải ở biển tại vị trí được cơ quan có thẩm quyền cấp phép phê duyệt;

c) Tổ chức kiểm tra, giám sát lắp đặt, duy trì hoạt động hệ thống giám sát nạo vét, tổ chức quản lý dữ liệu của hệ thống giám sát nạo vét và được kết nối với hệ thống giám sát của cơ quan có thẩm quyền để đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm tra giám sát, tra cứu dữ liệu khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

d) Tổ chức giám sát thi công nạo vét bảo đảm các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường và các yêu cầu khác theo quy định pháp luật...

Cùng rất nhiều yêu cầu quan trọng khác...

Theo Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (thay thế cho Nghị định 33/2017/NĐ-CP) có quy định cụ thể như sau:

Tại Điều 25 quy định: Hành vi khai thác cát, sỏi trên sông, hồ không đúng phương án thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; Hành vi không tạm dừng hoạt động khai thác cát, sỏi khi thấy có hiện tượng sạt, lở bờ tại khu vực trong quá trình hoạt động bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; Hành vi khai thác cát, sỏi trên sông, hồ không đúng phương án thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông hoặc gây ngập úng nặng vùng đất ven sông bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (Hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng).