ISSN-2815-5823

Định hướng phát triển cho các khu công nghiệp sinh thái Việt Nam

(KDPT) - Việc triển khai mạnh mẽ khu công nghiệp (KCN) sinh thái có ý nghĩa lan tỏa, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững cho nhiều địa phương.

KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí hàng đầu cho các doanh nghiệp

Theo Vụ Quản lý các Khu kinh tế (KKT), Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 KCN, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích khoảng 132,3 nghìn ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89,9 nghìn ha; trong đó có 301 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.

KCN sinh thái và KKT đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới (Samsung, LG, Canon, Foxconn, Lego, Gortek, Hyosung, Formosa…), đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

Hội thảo phát triển KCN sinh thái diễn ra mới đây, theo bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, việc triển khai mạnh mẽ KCN sinh thái thời gian qua có ý nghĩa lan tỏa, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững cho nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN) đầu tư hạ tầng KCN tại Việt Nam…

Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền - Hải Phòng. (Ảnh: Nam Cầu Kiền)
Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền - Hải Phòng. (Ảnh: Nam Cầu Kiền)

"Có thể nói, KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các doanh nghiệp FDI với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng KCN xác định việc phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. KCN sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững…", đại diện Vụ Quản lý các KKT nhận định.

7 định hướng phát triển KCN sinh thái

Theo bà Vương Thị Minh Hiếu, phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi của DN, giúp DN xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh. Đây cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các DN Việt Nam để phát triển bứt phá và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ nhất, mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN mới. Theo đó, tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN xanh, trong đó cần quy hoạch hình thành các khu Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng "Thung lũng Sillicon Việt Nam".

Thứ hai, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai. Trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các DN công nghệ, start-up được hình thành và phát triển. Dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng...

Thứ ba, thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các Tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên.

Thứ tư, phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định (đặc biệt là đất trồng lúa) và tại các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thứ năm, phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội; đảm bảo bền vững về môi trường; quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, KKT; hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đảm bảo cho việc phát triển bền vững các KCN, KKT.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tại Ban Quản lý KCN, KKT, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại các KCN, KKT.

Thứ bảy, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN, KKT các địa phương thông qua: Cải thiện cơ sở hạ tầng (giao thông, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistic); Tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Nhìn lại chặng đường phát triển của đất nước hơn 35 năm qua, có thể khẳng định mô hình KCN, KKT đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò, vị trí ngày càng quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là kênh thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững. Bà Hiếu khẳng định./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024