ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 08h55 27/07/2018

Đó là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau

(KDPT) – Cứ đến tháng 7 hằng năm – tháng Đền ơn đáp nghĩa, chúng ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, những người đã sẵn sàng “hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đồng bào vì lợi ích tổ quốc mà các đồng chí đã chịu ốm đau, què quặt” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh).

1. Ngược dòng lịch sử, ta thấy sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phần dành cho thương binh, gia đình liệt sĩ, những người từng chịu nhiều hi sinh, mất mát trong chiến tranh vẫn là mối quan tâm đặc biệt của Người.

Bác Hồ viếng nghĩa trang liệt sỹ. Ảnh tư liệu

Tháng 6 năm 1947, Người đề nghị Chính Phủ chọn một ngày trong năm là Ngày Thương binh, Liệt sĩ để đồng bào cả nước tỏ lòng biết ơn và tri ân đến họ. Trong thư gửi Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, Người viết: “Thương binh là những người đã hi sinh gia đình, hi sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
Thực hiện lời huấn thị của Người, tại Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành, khối ở Trung ương và các tỉnh họp ở Phú Minh (Đại Từ – Thái Nguyên) đã chính thức chọn Ngày 27/7 là “Ngày Thương binh” trong cả nước. Đến năm 1955, “Ngày Thương binh” được đổi thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” để toàn dân thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

2. Thực tế đã cho thấy trong nhiều năm qua phong trào Đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ, chăm sóc các thương binh bệnh binh, gia đình chính sách đã được diễn ra sâu rộng trong cả nước. Được sự hưởng ứng của toàn Đảng, toàn dân, ở khắp các ban, ngành, địa phương, phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng ngày càng phát triển, như những cây đại thụ tươi tốt, sâu rễ, bền gốc trong lòng người, trở thành truyền thống, nền nếp, nét đẹp văn hóa đáng ghi nhận trong cuộc sống hằng ngày, với những việc làm thiết thực như: Xây dựng Quỹ, tặng nhà, sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng… phát triển sâu rộng từ Trung ương đến địa phương.
Tính trong 10 năm (từ 2007 đến 2017), cán bộ, nhân dân cả nước đã góp hơn 3.481 tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”; xây dựng gần 90.000 căn nhà, sửa chữa gần 75.000 căn với tổng trị giá gần 12.200 tỷ đồng; tặng gần 159.000 sổ tiết kiệm trị giá gần 955.000 tỷ đồng cho gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, Chính phủ đã cấp cho các địa phương trên 2.450 tỷ đồng để hỗ trợ 80.000 hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ, đầu tư, nâng cấp các trung tâm giám định ADN, giúp cho việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được chú trọng, quan tâm.

Thủ tướng và doàn công tác dâng hương tướng nhớ 13 liệt sĩ TNXP tại Khu di tích Truông Bồn.

Hoạt động tình nghĩa của các cấp bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể và toàn dân đã giúp các gia đình chính sách phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu vươn lên trong cơ chế mới. 100% các Mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 98% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 97% xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, người có công. Nhiều thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ là tấm gương điển hình, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, đã trở thành nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt…trong đó có nhiều người đã được Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý, Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua, Thầy thuốc Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân.

3. Trong phong trào này, rất nhiều doanh nghiệp trong cả nước đã bằng những hành động thiết thực để chăm lo các gia đình thương binh liệt sỹ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh, đồng thời tổ chức các phong trào xây dựng các công trình tri ân với những người đã quên mình vì dân vì nước. Có thể kể ra đây một số các doanh nghiệp đã có những đóng góp thiết thực cho phong trào này như Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương, Vingroup, Tập đoàn Tuần Châu, Tổng Công ty 36 Bộ Quốc Phòng,… và rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có những đóng góp thầm lặng, chia sẻ với những nỗi mất mát đau đớn mà chiến tranh đã để lại cho thế hệ hôm nay phải có trách nhiệm đền đáp, tri ân bằng những hành động thiết thực. Bởi họ hiểu rằng để họ có được ngày hôm nay có sự đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh đã sẵn sàng “quên mình vì nền độc lập tự do của tổ quốc Việt Nam”.

Ảnh nguồn internet.

Bên cạnh đó, đã có rất nhiều tấm gương của các thương bệnh binh sau chiến tranh đã trở về hòa nhập với cộng đồng “tàn nhưng không phế” để trở thành những doanh nhân có những đóng góp hữu ích cho phát triển kinh tế đất nước ngày hôm nay và chính bản thân họ là một trong những tấm gương trong phong trào đền ơn đáp nghĩa.
Và nặng lòng với thương binh và gia đình liệt sĩ, trước lúc đi xa, trong bản Di chúc bất hủ, Người căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hi sinh một phần xương máu của mình” cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…”, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sĩ mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi nhận sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha, mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương…. phải giúp đỡ họ có công ăn, việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói, rét”.
Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến các đối tượng thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ. Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu và xã hội hóa cao. Các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc con liệt sĩ mồ côi, đi tìm hài cốt đồng đội, tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ… ngày càng thu hút sự tham gia của toàn xã hội.
Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2018), chúng ta càng thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và thực hiện tốt hơn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, góp phần tri ân đối với những người đã ngã xuống, những người đã gửi lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.

An Phong (tổng hợp)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/10/2024