ISSN-2815-5823

Doanh nghiệp chuyển đổi xanh để không bị loại khỏi cuộc chơi thương mại quốc tế

(KDPT) - Chuyển đổi xanh, xuất khẩu xanh đang tạo nên "luật chơi" mới trong thương mại và đầu tư, đặt ra yêu cầu đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam phải nhanh chóng chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu của thị trường để tồn tại và phát triển.
Chuyển dịch xanh - Trách nhiệm của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng Doanh nghiệp trong xu thế kinh tế xanh

Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế.

Trong bối cảnh thị trường thế giới đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững, vấn đề chuyển đổi xanh, xuất khẩu xanh đang tạo nên "luật chơi" mới trong thương mại và đầu tư, đặt ra yêu cầu đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam phải nhanh chóng chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu của thị trường để tồn tại và phát triển.

Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu năm 2023 với chủ đề "Xúc tiến xuất khẩu xanh", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, các cơ quan chính phủ, tổ chức công và khối tư nhân trên thế giới đã đặt sự quan tâm lớn tới vấn đề liên quan tới chủ đề thương mại xanh.

"Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới "tính xanh" của chuỗi cung ứng và trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Dựa trên thực tiễn xu hướng chuyển đổi xanh trong thương mại quốc tế, TS. Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên Hợp Quốc - UNFCCC cho rằng, doanh nghiệp Việt đang chịu nhiều tác động trực tiếp liên quan xuất khẩu trong bối cảnh thực thi Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

Doanh nghiệp chuyển đổi xanh để không bị loại khỏi cuộc chơi thương mại quốc tế. (Ảnh minh họa)

Theo đó, Việt Nam có 4 ngành hàng, hàng hóa lớn nằm dưới tác động của cơ chế CBAM, gồm phân bón, sắt và thép, xi-măng và nhôm.

"Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam hiện nay 13,8%. Việc này thể hiện tỷ trọng hàng hóa thương mại của Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu đối với hàng hóa CBAM và nó cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam rất nhiều nếu các doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ và các bên làm về xúc tiến thương mại nếu không để ý thì sẽ bị tác động khá là tiêu cực", TS. Nguyễn Phương Nam cho biết.

Việt Nam là một trong các quốc gia có những cam kết mạnh mẽ về môi trường tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26), trong đó có cam kết tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việc chuẩn bị cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn xanh mới phát sinh, là sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Để nắm cơ hội và thích ứng với những yêu cầu khắt khe với xuất khẩu xanh, TS. Nguyễn Phương Nam khuyến nghị: "Thứ nhất, cần phải đa dạng hóa đối tác thương mại, điều này rất quan trọng. Thứ hai, thực hiện đánh giá rủi ro, lập kế hoạch các kịch bản và xây dựng chiến lược giảm lượng carbon. Điều này tiến tới hướng lâu dài và bền vững".

Đối với cơ quan nhà nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang định hướng và hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm thải carbon, nghiên cứu, ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ triển khai các giải pháp công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức xúc tiến thương mại nhằm trao đổi thông tin, cập nhật thông tin mới nhất về quy định của quốc tế, chính sách pháp luật quốc gia nhập khẩu, đặc biệt các quy định về giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, các chính sách tiêu chuẩn sản phẩm xanh để các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, năng lực trong quá trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu và các nhà mua hàng quốc tế.

Trong khi đó, bà Mira Nagy, Trưởng Hợp phần, Dự án Hướng tới sự tuần hoàn (Go Circular), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) thông tin, quy định về thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) có thể được áp dụng cho hầu hết mọi mặt hàng trên thị trường EU. Quy định này xây dựng dựa trên các chỉ thị thiết kế sinh thái và dán nhãn năng lượng cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Vì vậy, bà Mira Nagy khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tham gia vào khóa đào tạo hành động khí hậu được thiết lập để giảm thiểu rủi ro môi trường tại công ty; liên hệ với bộ phận hỗ trợ kinh doanh có trách nhiệm (RBH) với tư cách là phòng "một cửa" về quy tắc ứng xử kinh doanh có trách nhiệm áp dụng các công ty trong nước./.

HƯƠNG LAN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024