Doanh nghiệp và bài toàn thúc đẩy ngành cơ khí phát triển
Ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành
Thống kê của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho thấy, hiện ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ và ô tô và phụ tùng ô tô. Trong đó, cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ô tô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85-95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Không chỉ có vậy, thời gian qua, ngành này cũng đã từng bước làm chủ công tác thiết lập, chế tạo kết cấu thép và nâng tỷ lệ nội địa hóa. Các sản phẩm trước đây phải nhập khẩu hoàn toàn thì nay đã từng bước được thay thế bằng sản phẩm do chính ngành cơ khí trong nước chế tạo. Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước đã thể hiện rõ năng lực tốt tại một số lĩnh vực như khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật...
Điển hình như: Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam, Công ty TNHH Cơ khí chính xác Ding Hong, Công ty cổ phần Khuôn mẫu TOMOCO Việt Nam… Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam (VAP) là chủ đầu tư Nhà máy Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD. Đây là một trong những mô hình hợp tác thành công đầu tiên giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy tại Việt Nam. VAP là doanh nghiệp cung cấp phụ tùng cho Tập đoàn Honda, đồng thời VAP cũng là doanh nghiệp cơ khí lớn nhất tại tỉnh Hưng Yên, giải quyết việc làm cho trên 1,5 nghìn lao động.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, với việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước những cơ hội lớn, có ưu thế hơn khi có thể xuất khẩu tới các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đối mặt với nhiều thách thức
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, ngành cơ khí trong nước cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức đặc biệt là về thị phần bởi cơ chế, chính sách chưa thật sự hoàn thiện. Bên cạnh đó, vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí của một số doanh nghiệp trong nước hiện vẫn còn thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh.
Nhìn nhận về thực tế đã nêu, chuyên gia Đào Phan Long - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) thẳng thắn, dù đã có nhiều bước tiến trong sản xuất các sản phẩm cơ khí, công nghiệp hỗ trợ; nhiều sản phẩm đã kết nối và vươn được ra nước ngoài, song nhìn chung toàn ngành,sản phẩm của đa số doanh nghiệp trong nước vẫn có chất lượng và độ chính xác thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Đặc biệt chúng ta thiếu những cánh chim đầu đàn cơ khí lớn, mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt.
Và để thúc đẩy phát triển ngành cơ khí, vị chuyên gia này cho rằng, có thể nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu theo hướng nâng cao tỉ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế. Điều này vừa tạo thị trường, vừa giúp nâng cao năng lực và sự liên kết của các doanh nghiệp cơ khí trong nước.
Đa phần doanh nghiệp trong nước có quy mô vừa và nhỏ nên rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài có quy mô lớn, cũng như khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Chỉ riêng về thuế, nếu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam sẽ được miễn, giảm thuế nhập khẩu công nghệ, dây chuyền sản xuất; lãi suất vay trung hạn dành cho sản xuất cũng ở mức thấp; được hưởng ưu đãi chi phí thuê đất, thậm chí là được hỗ trợ diện tích đất đầu tư; được giảm chi phí tiền điện; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm đầu… Còn với doanh nghiệp trong nước, nếu nhập khẩu công nghệ, dây chuyền đầu tư cho sản xuất cũng phải tìm kiếm đất xây dựng nhà xưởng...
Cộng đồng doanh nghiệp rất cần được quan tâm về chính sách, được hỗ trợ giải quyết một số vấn đề vướng mắc để phát triển. Trong đó, việc hỗ trợ vốn vay, kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn lớn quốc tế là hết sức quan trọng, nhằm thúc đẩy và “tạo lực kéo” để ngành cơ khí tham gia vào chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế, chính sách linh hoạt để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng tỉ lệ nội địa hóa...
Để giải quyết vấn đề của ngành cơ khí, cần có một số ưu tiên như: tạo dựng nguồn vốn vay dài hạn, lãi suất ổn theo đặc thù sản xuất cho các doanh nghiệp ngành cơ khí; ban hành các quy định thầu sao cho góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước; tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí trong nước; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất và khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cơ khí trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
"Ngành cơ khí cần được đưa vào các chương trình phát triển với những ưu đãi nhất định về thuế, vốn, thị trường… bởi đây là ngành sản xuất nền tảng, hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ", ông Long nhấn mạnh./.
- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực cơ khí
- Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về các biện pháp phòng vệ thương mại
- Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu thành lập sàn xăng dầu