ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 12h03 08/05/2020

Doanh nghiệp Việt Nam có tinh thần kinh doanh mạnh mẽ, giàu tính nhân văn

(KDPT) – Đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Song, đây cũng là thời điểm để bản lĩnh và tư duy của doanh nhân, doanh nghiệp Việt được thể hiện rõ nét.

Phóng viên Kinh doanh và Phát triển đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Thưa ông, dịch Covid-19 đã có những tác động đến các DNNVV tại Việt Nam như thế nào?

Dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đến doanh nghiệp (DN) nói chung và DNVV nói riêng. Toàn bộ các DN, trong đó có DNNVV đều bị ảnh hưởng. Từ cung, cầu, tác động đến từng con người, từng lao động cụ thể. Hệ thống các DN mất đi sự ổn định, cạn kiệt về nguồn lực. Một số doanh nghiệp cho biết họ chỉ cầm cự được từ 3-6 tháng nữa nếu tình hình không có chuyển biến khả quan hơn.

Với hệ thống các DNNVV, mỗi lĩnh vực lại có một khó khăn nhất định. Tuy nhiên nhìn chung khó khăn lớn nhất vẫn là thị trường. Đầu vào giảm, đầu ra cũng giảm theo. Thị hiếu, thói quen, sức mua của người tiêu dùng thay đổi theo chiều hướng giảm. Người tiêu dùng giờ đây đã có những xu hướng mua sắm khác so với trước khi dịch xảy ra. Chẳng hạn như cắt giảm chi tiêu cho những nhu cầu không hoặc chưa cần thiết, tăng lượng mua trong mỗi lần với các mặt hàng thiết yếu… Điều đó khiến DN phải tính toán lại khả năng kinh doanh của mình.

Nhưng so với các DN nước ngoài, các DN Việt Nam vẫn còn có sự thuận lợi hơn rất nhiều. Đó là sự kiểm soát dịch bệnh rất tốt từ Chính phủ đã tạo điều kiện cho DN có thể vực dậy sớm hơn. Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia sẽ vượt lên sau khi Covid-19 được khống chế.

Trong lúc khó khăn, chúng ta cũng nhận thấy được những điểm tích cực riêng có của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Sức kháng cự của DN Việt cũng lớn hơn trong những tình huống như thế này. Đó là nhờ sự dẻo dai, bất khuất của doanh nhân, doanh nghiệp.

DN Việt rất nhân văn, họ tìm mọi cách để giữ chân người lao động, không tính đến chuyện sa thải như ở một số nước. Các biện pháp linh hoạt được đưa ra như: làm luân phiên, giảm giờ làm, làm việc từ xa, bán hàng online… Điều này được bắt nguồn từ một tinh thần kinh doanh mạnh mẽ, một sự bình tĩnh, không bấn loạn bởi những khó khăn, thách thức chưa từng có, chưa từng được đề cập đến. Phải chăng đó chính là tố chất “dẻo dai, bền bỉ” và “bất khuất” để tạo nên bản lĩnh của doanh nhân Việt?

Vậy theo ông, DNNVV cần làm gì để vượt qua đợt khủng hoảng chưa từng có này?

Bản lĩnh của DN là tự làm ra của cải, vật chất. Trong đó khối kinh tế tư nhân là minh chứng rõ nét cho điều này. Trong và sau đại dịch Covid-19 này, doanh nghiệp cần ý thức rõ hơn khả năng của mìn. Cần bám sát vào cơ chế, chính sách để có thể khai thác, giúp DN vượt qua cửa ải khó khăn này.

Dịch Covid-19 cũng là một phép thử liều cao đối với các DN, doanh nhân. Bản lĩnh là ở đây. Lúc này, điều cần thiết là phải hết sức thực tế. Không nên mạo hiểm. Đối với thị trường trong nước, cần thiết củng cố, bám chắc hơn. Với thị trường quốc tế, DN nên chậm lại từ nửa tháng đến 1 tháng để xem xét rồi hãy đưa ra quyết định đầu tư, kinh doanh.

Cần coi trọng kinh tế chia sẻ, liên kết. Ví dụ như vừa rồi các doanh nghiệp, người dân đã chung tay “giải cứu” dưa hấu bị tồn đọng do không thể xuất khẩu. Bên cạnh đó cần thiết coi trọng đổi mới sáng tạo: Đổi mới về công nghệ, số hóa, chú trọng ứng dụng tin học, đầu tư cho thương mại điện tử… Coi trọng sự bình tĩnh, hành động thông minh và đúng mực với thị trường. Bên cạnh đó cần đặc biệt lưu ý đến các biện pháp, hướng dẫn về phòng, tránh dịch để sản xuất, kinh doanh an toàn.

Và cuối cùng, DN cần thích ứng với tình hình. Các DN phải cùng chung tay để tạo ra những nếp kinh doanh mới, năng động, cởi mở và sáng tạo hơn.

Doanh nghiệp cần bình tĩnh, chủ động đổi mới sáng tạo để vượt qua và hồi phục sau đại dịch.

Chính phủ đã có những động thái để hỗ trợ cho doanh nghiệp về tài chính, chính sách… Theo ông như vậy đã đủ để doanh nghiệp có thể vực dậy sau đại dịch?

Theo tôi, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp là hết sức đúng đắn, kịp thời. Tuy nhiên đây chỉ là sự hỗ trợ mang tính xã hội hơn là tính thị trường và có tính ngắn hạn. Mục tiêu của các gói hỗ trợ này nhằm giúp cho DN không bị đổ vỡ, kéo theo nền khủng hoảng nền kinh tế. Tuy nhiên với tình hình hiện nay cùng lúc có quá nhiều doanh nghiệp cần hỗ trợ đã dẫn tới việc có đôi chỗ chậm trễ.

Về lâu dài, việc vực dậy sản xuất, kinh doanh, nhà nước cần giúp cho DN tiếp cận các nguồn lực như: vốn, đất đai… Hơn nữa, trong việc triển khai, cũng còn nhiều vướng mắc, như việc các DN chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ do còn nhiều thủ tục, quy định. Tuy nhiên, nhìn chung cần ghi nhận nỗ lực trong quá trình ban hành chính sách của Chính phủ. Ví dụ như các văn bản được ban hành theo nguyên tắc hậu kiểm, không cần thông tư, hoặc các Chỉ thị 11, 19, Nghị định 41 là rất kịp thời. Đây là điểm sáng cần ghi nhận.

Với vai trò là tổ chức của các DNNVV, Hiệp hội đã có những biện pháp, đề xuất gì để giúp DN trong thời gian này?

Ngay từ ngày 11/2, Hiệp hội đã có những văn bản gửi các cơ quan liên quan nhằm phản ánh tình hình, lên ý tưởng và xây dựng chính sách cho DNNVV. Và trước khi hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra ngày 9/5, Hiệp hội đã có một số đề xuất, ý tưởng để hỗ trợ cho DN. Cụ thể, Hiệp hội đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các DNNVV từ nay đến hết năm 2020. Bên cạnh đó, Hiệp hội đề xuất thực hiện luật hỗ trợ DNNVV, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để cởi trói cho các DN, tạo điều kiện cho DN có thể hồi phục sau đại dịch này.

Xin cảm ơn ông!

DUY KHÁNH (thực hiện)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024