ISSN-2815-5823
Thứ hai, 03h27 04/02/2019

Đổi mới, sáng tạo từ thách thức thời đại mới

(KDPT) – “Mạng internet, trí tuệ nhân tạo, hay công nghệ càng phát triển thì yếu tố con người càng quan trọng. Không chỉ là bản lĩnh, trình độ chuyên môn mà quan trọng hơn là cả tấm lòng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại một chương trình mới đây của ngành Truyền hình. Song đó cũng là thông điệp chung đối với nền kinh tế đất nước trước một giai đoạn mới, vận hội mới.

2019 – ẩn số thách thức

Năm 2019 là năm tiếp nối 2018 về mặt thời gian. Tuy nhiên, điều đó chưa đảm bảo rằng 2019 sẽ tiếp nối 2018 về những thành công đã đạt được. Hiện nay, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng với việc ký kết hàng loạt FTA, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Và sự tác động, ảnh hưởng này – cũng giống như bản thân cuộc cách mạng – là điều chúng ta “khó có thể lường trước được” rằng sự tích cực hay tiêu cực nhiều hơn nếu chúng ta chưa sẵn sàng, chủ động. Một số thách thức mà “thời đại 4.0” có thể mang đến như: Yêu cầu tăng năng suất lao động mà không làm ảnh hưởng tới tỷ lệ thất nghiệp, chiến lược để thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo cung ứng năng lượng và cơ sở hạ tầng cho phát triển.

Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia kinh tế có cơ sở để lo ngại về tương lai kinh tế đất nước. Những căn cứ cho những lo lắng được chỉ ra gồm: độ mở rất lớn của nền kinh tế (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 193% GDP năm 2017); nền tảng và nguồn lực tăng trưởng trong nước có vấn đề. Những mâu thuẫn của nền kinh tế nằm ở sự chia tách giữa các khu vực như FDI và trong nước, kinh tế phụ thuộc nhiều vào FDI, hay dù hội nhập sâu rộng nhưng việc tận dụng, khai thác còn kém; sự chuyển dịch của dòng tiền từ thị trường sản xuất vào thị trường tài sản (đất đai, chứng khoán) dẫn đến bong bóng tài sản, và khi thị trường quá nóng, bong bóng đổ vỡ có thể kéo theo sự khủng hoảng của nền kinh tế.

Tuy các căn cứ trên đều khá chung chung và chưa có sự tính toán cụ thể song đó cũng là động lực để chúng ta nỗ lực đổi mới, sáng tạo nhằm chủ động đối diện với những thách thức của bối cảnh mới.

Chuẩn bị kĩ về hành lang pháp lý và hạ tầng

“Chính phủ Việt Nam đã và đang tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho phát triển khoa học công nghệ nói chung và cho cách mạng cộng nghiệp 4.0 nói riêng, trong đó có luật về chuyển giao công nghệ, công nghệ cao, sở hữu trí tuệ…” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại một diễn đàn cấp cao giữa năm 2018 và cho biết: “Đến giờ phút này, hệ thống pháp luật của Việt Nam tương đối hoàn thiện, phù hợp với cam kết quốc tế”. Đây chính là tiền đề quan trọng để Việt Nam tự tin bước vào “sân chơi” toàn cầu. Vì từ trước đến nay, bên cạnh năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, một điểm yếu lớn nhất của ta khi hội nhập chính là hệ thống pháp luật.

Thủ tướng cho biết thêm: Để chủ động khai thác những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại cũng như hạn chế những tác động không mong muốn, Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể. Bên cạnh sự nỗ lực của chính mình, Việt Nam mong muốn hợp tác với các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế trong bối cảnh khoa học, công nghệ tiến bộ vượt bậc, lan tỏa nhanh chóng khi mà tiến trình mở cửa hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, để “đón” và bắt kịp được những thách thức trong bối cảnh mới, từ các hiệp định thương mại tự do đến sự phát triển công nghệ, cần tạo được một hạ tầng tốt.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chia sẻ: “Việt Nam là một dân tộc rất nhạy bén với thời đại, thể hiện ở việc trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã tiếp cận rất sớm với những xu hướng phát triển mới trên thế giới. Tiêu biểu là việc sớm đề ra 2 quốc sách lớn gắn với trí tuệ con người là “Giáo dục đào tạo” và “Khoa học công nghệ”.

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, trên thực tế chúng ta đã lỡ nhịp nhiều lần, bị tụt hậu phát triển và đang tụt hậu xa hơn. Và tụt hậu phát triển đã được nhận định là nguy cơ lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam. Từ đó, theo ông Thiên, Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược số chuyển đổi phù hợp, có chính sách quản trị thông minh, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, tạo nguồn nhân lực số, xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Quan điểm của TS.Trần Đình Thiên tương đồng với nhận định của Sophia – công dân robot đầu tiên trên thế giới – khi được hỏi về cơ hội của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và khoa học công nghệ phát triển: “Tôi đại diện cho kỷ nguyên 4.0 và tôi nghĩ rằng Việt Nam cần đẩy mạnh sự sáng tạo về công nghệ để phát triển bền vững hơn. Việt Nam cũng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để công nghệ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”.

Hà Anh



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024