Đòn bẩy giúp thị trường văn phòng bất động sản tăng nhiệt
Sự hồi phục của nền kinh tế
Nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều tín hiệu tươi sáng trong những tháng đầu năm nay. Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng là 3 chân kiềng tăng trưởng quan trọng đã đều bật tăng mạnh mẽ. Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, có hơn 41.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. So với cùng kỳ, vốn đầu tư triển khai từ ngân sách tăng hơn 2%, vốn FDI thực hiện cao nhất cùng kỳ trong nửa thập kỷ qua. Ngoài ra, ước tính tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt gần 114 tỷ USD, tăng gần 19%.
Qua những thành tựu đầu năm nay, có thể thấy sự năng động và sức bền bỉ của Việt Nam, tạo cơ sở cho sự bứt phá của nền kinh tế trong cả năm nay. Kinh tế khởi sắc cũng là minh chứng cho sự hiệu quả của các giải pháp kích thích kinh tế của Chính phủ thời gian qua, nhất là những quyết sách về đầu tư công, chính sách mở rộng tài khóa, tiền tệ, tạo động lực để thu hút đầu tư, kích thích tiêu dùng…
Nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng được đưa ra trong năm nay, gồm thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động và dòng vốn của doanh nghiệp, ổn định các mảng thị trường, nhất là các thị trường có liên quan tới lĩnh vực địa ốc và phát triển nhân lực chất lượng cao cho các ngành chiến lược và lĩnh vực mới nổi…
Động lực cho thị trường văn phòng bất động sản
Bức tranh khởi sắc của nền kinh tế cũng tạo động lực cho thị trường địa ốc hồi phục, nhất là phân khúc văn phòng bất động sản tại các thành phố lớn. Đó cũng là phân khúc có nhiều điểm sáng thời gian qua với sự hồi phục tại các thị trường trọng điểm.
Theo báo cáo của CBRE, năm 2023 vừa qua là một năm bùng nổ về nguồn cung thị trường văn phòng tính từ năm 2019, với gần 170.000 m2 diện tích cho thuê mới được hoàn thành tại TP.HCM, và 132.000 m2 tại Hà Nội. Phần lớn trong đó là các dự án văn phòng bất động sản hạng A có vị trí đắc địa. Cả hai thành phố lớn đều có xu hướng ưa chuộng mặt bằng văn phòng có chất lượng cao từ khách thuê, nhất là các công ty đa quốc gia.
Trong khi, Avision Young cho rằng, trong khi phân khúc văn phòng ở các thị trường quốc tế lớn ghi nhận công suất thuê thực tế giảm thì đa số tòa nhà văn phòng hạng A tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng đều giữ tỷ lệ tiêu thụ cao, từ đầu năm 2023.
Đơn cử rõ ràng là các tòa nhà cao tầng mang tính biểu tượng tại các quận trung tâm của TP.HCM và Hà Nội có tính biểu tượng duy trì hấp lực với doanh nghiệp đa quốc gia, những tập đoàn danh tiếng hàng đầu trên thế giới.
Chẳng hạn như, tòa nhà văn phòng Vincom Center Đồng Khởi (68-70-72 Lê Thánh Tôn, quận 1) tại TP.HCM ghi nhận tỷ lệ lấp đầy lên tới 85%. Tòa nhà có vị trí đắc địa độc tôn với 3 mặt tiền hướng ra 3 tuyến đường sầm uất và sôi động nhất là đường Lê Thánh Tôn, đường Đồng Khởi và đường Lý Tự Trọng. Sau khi trải qua 13 năm vận hành từ năm 2010, Vincom Center Đồng Khởi vẫn là điểm thu hút những doanh nghiệp tỷ USD, doanh nghiệp đa quốc gia hàng đầu thế giới, dù có những diễn biến khó lường của tình hình kinh tế.
Cushman & Wakefield dự báo rằng tỷ lệ hấp thụ của phân khúc văn phòng cho thuê sẽ tăng dần từ năm 2024 nhờ nguồn cung mới chất lượng cao hơn và điều kiện kinh tế được cải thiện.
Triển vọng bứt phá
Theo đánh giá từ các chuyên gia, phân khúc văn phòng bất động sản cho thuê ở những đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội có nhiều tiềm năng bứt phá, trong khi các doanh nghiệp quốc tế vẫn đặt kỳ vọng cao vào việc tham gia thị trường Việt.
Báo cáo Chỉ số Niềm tin kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp Châu Âu trong quý IV/2023 tại Việt Nam đạt 46,3 điểm. Triển vọng cho quý I/2024 cũng rất khả quan với 29% doanh nghiệp nhận xét triển vọng của họ tốt hay xuất sắc.
Mặt khác, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức BB lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Điều đáng chú ý là chỉ có 2 trên tổng 62 nước được nâng hạng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng được kỳ vọng đạt 6-6,5% trong năm 2024.
Nền kinh tế dần có những dấu hiệu hồi phục rõ nét và tiếp tục thu hút nhiều doanh nghiệp ngoại, mở ra triển vọng phát triển dài hạn cho phân khúc văn phòng bất động sản. Theo các chuyên gia, đó vẫn là loại tài sản tạo nên dòng tiền tốt về dài hạn, nhất là tại Việt Nam, nơi có môi trường văn hóa làm việc trực tiếp còn phổ biến và môi trường kinh doanh năng động.
Theo ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam nhìn nhận, văn hóa làm việc tại đây rất khác biệt. Người Việt thích cộng tác trực tiếp, đào tạo tại chỗ và môi trường làm việc gắn kết. Đó là nguyên nhân khiến nhu cầu mặt bằng văn phòng vật lý chiếm ưu thế, không chỉ hiện tại mà còn nhiều năm nữa.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng cần một luồng gió mới cho loại hình bất động sản thương mại, gồm phân khúc văn phòng để Việt Nam phát huy được lợi thế và “chen chân” vào cuộc đua thu hút vốn nước ngoài chất lượng cao./.
- Bất động sản Long An có thêm dự án khu công nghiệp hơn 1.400 tỷ đồng
- “Sức khỏe” doanh nghiệp bất động sản tiếp tục giảm sút
- Thị trường bất động sản ấm dần, nghề môi giới “nóng” trở lại