ISSN-2815-5823
Thứ ba, 02h55 06/10/2020

Đồng bằng sông Cửu Long: Giải quyết vấn đề thiếu lao động cho ngành chế biến thủy sản

(KDPT) – Khi mùa thu hoạch tôm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào vụ chính, thường xảy ra tình trạng thiếu lao động trầm trọng trong các nhà máy chế biến thủy sản, dẫn đến giá tôm nguyên liệu bị rớt giá thấp và lượng hàng nhiều dồn về nhà máy chế biến không kịp.

Công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam(Sóc Trăng).

Ông Võ Quốc Phục – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam tại Sóc Trăng cho biết, thị trường tôm nguyên liệu biến động theo cung – cầu. Nếu ở vùng nuôi tôm khống chế được mức thiệt hại do dịch bệnh, nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ tăng cao. Mặt khác, các hoạt động từ vùng nuôi tôm đến chế biến xuất khẩu mang tính thời vụ rất cao. Mỗi khi vào vụ thu hoạch tôm, lượng tôm nguyên liệu đổ về các nhà máy nhiều. Trong khi một số nhà máy không đủ nhân lực lao động chế biến nên các nhà máy buộc phải giảm giá, giảm áp lực thu mua nguyên liệu. Dù nhà máy có hợp đồng xuất khẩu vẫn không tận dụng được cơ hội để gia tăng sản xuất, nâng cao sản lượng.

Theo ông Võ Quốc Phục, tình hình thực tế thiếu nhân công khi vào mùa thu mua tôm tăng cao, tái diễn trong nhiều năm qua. Các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu đề xuất với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị đến các cơ quan chuyên trách nhưng đến nay chưa được giải quyết.

VASEP cũng đã ghi nhận khó khăn của các DN xuất khẩu thủy sản và kiến nghị các cơ quan hữu quan. Ðoàn công tác Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) đã đến thực tế nhà máy ghi nhận kiến nghị khó khăn của DN. Vừa qua, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đến các tỉnh ÐBSCL kiểm tra các vùng chăn nuôi phục hồi sau dịch bệnh tả heo châu Phi, vùng nuôi thủy sản tôm nước lợ và nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, đã tiếp nhận kiến nghị của một số DN nêu ra những khó khăn trên.

Hằng năm, vào mùa hè thường trùng với mùa thu hoạch tôm. Sau kỳ thi cuối năm học, học sinh bước vào độ tuổi lao động (17-18 tuổi) nghỉ hè, thường mong vào làm tại các nhà máy để có thêm thu nhập cho gia đình. Vào thời điểm này các nhà máy cũng rất cần thu nhận nhân công. Tuy nhiên, thực tại lao động làm việc tại các nhà máy chế biến thủy sản đang bị ràng buộc bởi nhiều quy định trong Bộ luật Lao động. Các DN băn khoăn về các quy định về sử dụng lao động được xem là vị thành niên (tuổi học sinh THPT cuối cấp 17 tuổi sắp bước qua 18 tuổi) tại DN chế biến thủy sản.

Tại Khoản 1 Ðiều 163 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: ”Nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên”, “Không sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ theo danh mục do Bộ LÐ-TB&XH chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành”.

Cùng với đó theo Bộ LÐ-TB&XH ban hành Quyết định số 190/1999/QÐ-BLÐTB&XH ngày 3/3/1999 danh mục “nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”, đối với lĩnh vực thủy sản lao động “làm việc thường xuyên trong hầm, kho đông lạnh” được xếp vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm loại V với mô tả “công việc nặng nhọc, tư thế lao động gò bó, nơi làm việc chật hẹp, rất lạnh”.

Do điều khoản quy định trên, trong thời gian qua các đánh giá viên của khách hàng nước ngoài kiểm tra đột xuất, đến nhà máy kiểm tra không thông báo trước, nếu DN thực hiện hợp đồng không tuân thủ các yêu cầu về trách nhiệm xã hội do vi phạm Bộ luật Lao động họ sẽ không mua hàng.

Ông Võ Quốc Phục cho rằng: Hiện nay so với các nước cùng phát triển ngành kinh tế thủy sản xuất khẩu, Việt Nam được xem đã đi trước về mặt kỹ thuật công nghệ, kể cả kỹ thuật chế biến sản phẩm và vùng nuôi tôm. Theo quyết định của Bộ LÐ-TB&XH ban hành trước đây là không sai, nhưng hiện nay, điều kiện sản xuất ngành sản xuất chế biến tôm đã công nghiệp hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới hơn rất nhiều so với trước đây. Do đó công việc của người lao động trở nên nhẹ nhàng hơn, không nặng nhọc. Hơn nữa thực tế điều kiện lao động làm việc tại nhà máy không tăng ca, chiều tan tầm về, điều kiện làm việc của công nhân không độc hại.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến yêu cầu các DN cần có văn bản kiến nghị, đề xuất cụ thể cùng với kiến nghị từ VASEP, Hiệp hội Nuôi tôm Việt Nam để từ đó Bộ phối hợp cùng các Bộ có liên quan để đối chiếu với Quyết định 190/1999/QÐ-BLÐTB&XH, xem xét để tháo gỡ vướng mắc, trở ngại về nhu cầu lao động của DN chế biến thủy sản.

LÂM KHANH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024