ISSN-2815-5823

Dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập WB8” tại Hà Tĩnh: Gấp rút hoàn thành giai đoạn 1, đề xuất gia hạn triển khai giai đoạn 2

(KDPT) – Danh mục Dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” (Sau đây gọi tắt là “Dự án WB8”) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1858/QĐ-TTg ngày 02/11/2015. Dự án nhằm hỗ trợ thực hiện chương trình bảo đảm an toàn các hồ chứa nước thông qua sửa chữa, nâng cấp các đập ưu tiên, tăng cường năng lực quản lý và vận hành an toàn đập nhằm bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng, kinh tế – xã hội vùng hạ du.

Tổng mức đầu tư cho dự án là 443 triệu USD, trong đó 415 triệu USD được tài trợ bởi Hiệp hội Phát triển Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và 28 triệu vốn đối ứng trong nước (phân bổ tại quyết định số 4638/QĐ-BNN-HTQT ngày 09/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)

Khoản tín dụng được cấp theo Hiệp định số Cr.5749-VN cho dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) ký ngày 08 tháng 4 năm 2016, có hiệu lực có hiệu lực từ 07/7/2016 đến 30/6/2022. Tổng thời gian thực hiện dự án: 72 tháng.

Dự án gồm 03 hợp phần, tổng đầu tư 443 triệu USD. Trong đó 415 triệu USD vay vốn IDA từ Ngân hàng Thế giới (WB), 28 triệu USD là vốn đối ứng. Dự án gồm có ba Hợp phần: Hợp phần 1: Khôi phục an toàn đập (412 triệu USD); Hợp phần 2: Quản lý an toàn đập (20 triệu USD); Hợp phần 3: Quản lý dự án (11 triệu USD).

Các tỉnh thực hiện dự án là các tỉnh tham gia Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa, 34 tỉnh bao gồm: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lào Cai, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Tây Ninh.

Tại quyết định 4638 của Bộ NNPTNN ngày 9/11/2015, Hà Tĩnh được bố trí tổng cộng 21,53 triệu USD (Tương đương 484,34 tỷ đồng) trong đó 20,40 triệu là vốn vay; 1,13 triệu USD là vốn đối ứng. Tiểu dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập, tỉnh Hà Tĩnh” được thực hiện tại 25 hồ, đập tiềm năng thuộc địa bàn 08 huyện thị (Thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, huyện Thạch Hà, Thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân, huyện Hương Sơn, huyện Vũ Quang, huyện Hương Khê). Sau nhiều lần thay đổi đơn vị quản lý, hiện tại Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh đại diện chủ đầu tư và quản lý.

Hà Tĩnh chia Dự án này thành hai Tiểu dự án. Tiểu dự án 01 sửa chữa, nâng cấp 08 hồ đập tại thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, huyện Thạch Hà, huyện Vũ Quang và huyện Hương Sơn. Tiểu dự án 02 sẽ sửa chữa, nâng cấp 17 hồ đập còn lại.

Ông Hà Văn Trà – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Tiểu dự án 01 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước 30/6/2022 còn Tiểu dự án 02, hiện đang triển khai các công việc như: Khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và lập dự toán; Lập kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp; Thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và lập dự toán…Vì thời hạn Hiệp định gần hết, khối lượng công việc còn nhiều, nên đối với Tiểu dự án 02, sẽ tiếp tục được triển khai sau khi Hiệp định được gia hạn”.

Tiểu dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập, tỉnh Hà Tĩnh” được thực hiện tại 25 hồ, đập tiềm năng thuộc địa bàn 08 huyện thị.

Theo ghi nhận tại hiện trường, hầu hết các hồ thuộc Tiểu dự án 01 đã được triển khai và đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước ngày 30/6/2022. Tuy nhiên, có một số hạng mục có khả năng không thể hoàn thành trước tiến độ vì nhiều lý do khác nhau, điển hình như: Đập Khe Dẻ ở xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, hiện đang thi công tràn, cống, còn mái đập và mặt đập chưa thi công…; Đập Nước Xanh ở xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh chưa đổ bê tông mặt đập, chưa thi công mái và mặt đập ở khu vực cống với chiều dài hàng chục mét; Đập Khe Nhảy ở xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn còn 40m bê tông mặt đập chưa hoàn thiện….

Ông Lê Quang Thông – Giám đốc Quản lý Dự án WB8 cho biết: “Mặc dù triển khai thi công công trình với nhiều vấn đề khó khăn như: Hồ vừa thi công vừa tích nước phục vụ sản xuất, thời tiết bất lợi, vướng mặt bằng, năng lực của nhà thầu…. Chủ đầu tư, Ban QLDA đã quyết liệt đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành các hạng mục còn lại của trước 30/6/2022 như chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 8249/QĐ-UBND ngày 08/12/2021. Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị công tác nghiệm thu các hồ đã hoàn thành thuộc Tiểu dự án 01 và đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt Tiểu dự án 02, chờ kết quả gia hạn khoản vay theo Hiệp định Cr.5749-VN để triển khai. Hy vọng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục ủng hộ và chấp thuận đề xuất của UBND tỉnh Hà Tĩnh để Dự án WB8 được hoàn thành, nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ cơ sở hạ tầng và cư dân vùng hạ du”.

Đối với việc gia hạn Hiệp định, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Báo cáo số 2004/UBND-NL1 ngày 26/4/2022 với những đề xuất cụ thể: Giảm vốn vay, tăng vốn đối ứng; Gia hạn Hiệp định tín dụng số số Cr.5749-VN đến tháng 12/2023. Báo cáo cũng nêu rõ kế hoạch giải ngân đến ngày 30/6/2022, dự kiến đạt 148.518 triệu VNĐ; Trường hợp Hiệp định kéo dài đến tháng 12/2023, dự kiến giải ngân đến 30/12/2023 đạt 484.425 triệu VNĐ (Trong đó: Vốn WB 417.983 triệu VNĐ; Vốn đối ứng 66.532 VNĐ).

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 160/351 công trình hồ chứa bị xuống cấp, trong đó có 78 công trình xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết các hồ chứa có hiện trạng mặt cắt đập nhỏ, thấp, sạt trượt mái thượng lưu, không đáp ứng Quy chuẩn do Bộ NN và PTNT ban hành, tràn xả lũ hẹp, cống bị xói lở…Vì vậy việc sửa chữa các hồ đập này là nhiệm vụ cấp bách để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du, cấp nước sinh hoạt, cấp nước tưới phục vụ sản xuất. Nhân dân và chính quyền Hà Tĩnh kỳ vọng khoản vay sẽ được gia hạn, Dự án WB8 được tiếp tục triển khai và hoàn thành trước tháng 12/2023.

QUỲNH TRANG

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine