Từ rất lâu, đi chợ hoa ngày tết đã trở thành thói quen của nhiều người. Những ngày này không khó để bắt gặp những phố hoa nhộn nhịp với đủ màu sắc rực rỡ trên mọi miền Tổ quốc. Rực rỡ đào Tết miền Bắc Như nét văn hóa của vùng đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến, chợ hoa Quảng Bá làm bừng sáng một góc Hà Nội, chúng ta được chứng kiến một Thủ đô nhộn nhịp với muôn sắc hoa. Những ngày giáp Tết, hoa ở khắp mọi nơi tụ họp về làm mê đắm lòng người… và hơn tất cả, đó là màu hoa đào ngợp lối nổi bật dưới mây trời. Đào là loài hoa mang màu sắc nồng nàn, ấm cúng, cành có nhiều nhánh vươn mình khoe sức sống. Tục lệ chơi hoa đào ngày Tết ở xứ Bắc đã có từ lâu. Hoa đào e ấp mùa đông, bung nở mỗi độ xuân sang, hứa hẹn một năm tươi thắm, rực rỡ, phát triển sinh sôi. Từ trong nhà, ngoài vườn và cả trên đường phố, người ta đều bắt gặp sắc hồng của loài hoa này. Thế nhưng không phải ai cũng biết về sự tích và ý nghĩa của nó. Tích xưa kể rằng, ở phía Đông núi Độ Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), có một cây đào khổng lồ, mọc đã lâu đời, cành lá to lớn khác thường, bóng cây che phủ cả một vùng đất rộng. Đây là nơi trú ngự của hai vị thần diệt trừ ma quái, giúp người dân trong vùng có cuộc sống yên bình, hạnh phúc, tên là Trà và Uất Lũy. Tuy nhiên, đến ngày cuối năm, cũng như các vị thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Chính vì thế, lũ yêu tinh được dịp hoành hành, tác oai tác quái. Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã nghĩ ra cách bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ, nếu ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần linh rồi dán ở cột trước nhà để trừ ma quỷ. Lâu dần, cứ mỗi độ Tết đến, người Việt vẫn lưu giữ phong tục chơi đào, vừa tránh tà vừa giống như một cách trang hoàng nhà cửa mỗi dịp năm mới tới, cầu mong một năm sinh sôi phát triển, thuận lợi hanh thông, ăn nên làm ra, gia đình vui vẻ. Hoa đào ngày Tết như gieo vào lòng người hy vọng, niềm tin về những điều tốt đẹp trong tương lai. Mai vàng đua sắc Tết miền Nam Người miền Nam đón cái Tết trong thời tiết ấm áp, khác với cái lạnh giá của miền Bắc. Thời tiết và văn hóa ở hai miền Nam - Bắc có nhiều khác biệt, nên Tết cổ truyền cũng có những đặc trưng nhất định. Sắc hoa tết cũng được đặc trưng bởi sức sống rực rỡ giữa trời nắng của những bông mai vàng. Mai vàng là đại diện cho sự sum vầy, đoàn tụ sau những ngày tháng làm ăn, sinh sống xa quê, là màu của ánh sáng, phú quý và may mắn. Vì thế hoa mai là điềm tốt cho những ngày đầu năm thêm an lành, cả năm suôn sẻ. Chơi mai ngày Tết không chỉ thể hiện chủ nhân là người phóng khoáng thành đạt, tao nhã mà còn hàm chứa ẩn ý của gia chủ mong muốn một năm tiền tài tấn tới, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Quất - Loài cây mang lại sự cát tường, bình an, sung túc Bên cạnh chơi đào, từ xa xưa, người dân cũng chơi quất trong dịp Tết. Nhiều gia đình thường đánh quất trồng ngoài vườn vào chậu đem vào trong nhà chơi Tết. Theo quan niệm của người Việt thì quất có quả vàng, lá xanh, hoa trắng được biểu tượng cho sự phát triển sinh sôi, ra hoa kết quả, hứa hẹn một năm ấm no, sung túc. Một cây quất chơi Tết lý tưởng là cây quất có lá to màu xanh đậm và bóng mượt, quả quất đều, căng mọng, bên cạnh đó, có nhiều nụ, lộc non. Khi trưng quất trong nhà ngày Tết không chỉ tô điểm vẻ đẹp mà còn mang hy vọng về một năm nhiều niềm vui, may mắn cho gia đình. Với những gia chủ kinh doanh, đặt quất ở cửa hàng, văn phòng cầu mong cát khí thuận lợi, đầu tư sáng suốt và thu được nhiều tài lộc. Đón Tết là cả một sự chuẩn bị công phu, thành kính. Tuy nhiên chưa có Đào – Mai - Quất là chưa thấy Tết, vì vậy nhà nhà đều chọn cho mình một cành đào, cây mai, chậu quất ưng ý để trang trí nhà cửa trước thời khắc chuyển giao năm mới. Dù trải qua bao thời gian, Tết xưa vẫn còn nguyên vẹn đặc trưng bản sắc dân tộc, là cội nguồn văn hóa vẫn sáng mãi trong dòng máu Việt, để ai đó đi xa đến mấy cũng luôn cố gắng trở về cố hương…