ISSN-2815-5823
Thứ tư, 02h41 27/06/2018

EU vẫn chưa gỡ “thẻ vàng” với hải sản Việt Nam

(KDPT) – Thay vì rút cảnh báo thẻ vàng với hải sản xuất khẩu từ Việt Nam trong tháng 6 này như hy vọng của phía Việt Nam, EU vừa chính thức thông báo sẽ kéo dài cảnh báo này đến tháng 1-2019 và sẽ đánh giá lại sau đó để quyết định rút hay tiếp tục cảnh báo.

Hiện nay, Việt Nam có gần 110.000 tàu cá đánh bắt hải sản, trong đó khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ. Ảnh minh họa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau thời gian kiểm tra tại Việt Nam từ ngày 15-5 đến 24-5, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã ghi nhận những tiến bộ từ Việt Nam trong việc khắc phục “thẻ vàng” với hải sản xuất khẩu do việc đánh bắt bất hợp pháp.

Qua làm việc, hai bên đã thống nhất rằng đoàn công tác của EC sẽ quay lại Việt Nam để xem xét vấn đề “thẻ vàng” hải sản vào tháng 1-2019. Với Việt Nam, vấn đề cơ bản là hai bên đã thực sự vào cuộc và không tạo ra những rào cản, gây ách tắc cho hải sản Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Oai cho hay EU đã có thông báo chính thức về việc tiếp tục kéo dài cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, thay vì rút thẻ vàng từ tháng 6 như hi vọng của phía Việt Nam.

Theo ông Oai, có bốn lý do dẫn đến việc EU tiếp tục cảnh báo thẻ vàng với hải sản Việt Nam. Đó là việc truy xuất nguồn gốc hải sản xuất khẩu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; Tái diễn tình trạng tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép tại vùng biển các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia); Hệ thống giám sát tàu cá chưa đầy đủ; Cần tăng nặng chế tài xử lý vi phạm khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật thủy sản.

Hiện nay, Việt Nam có gần 110.000 tàu cá đánh bắt hải sản, trong đó khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên), nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh Movimar. Như vậy, lượng tàu cần lắp các thiết bị định vị vệ tinh còn rất lớn nhưng còn thiếu kinh phí thực hiện. Phía Việt Nam đã công bố thông tin thể hiện sự minh bạch, không giấu giếm với đoàn công tác của EC.

Về các khuyến nghị của EC liên quan đến hệ thống pháp luật kiểm soát khai thác trái phép, Việt Nam đã đưa vào luật Luật Thủy sản 2017, các nghị định, văn bản hướng dẫn… nhưng cần đẩy mạnh việc thực thi ở các địa phương trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 23-10-2017, EC thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), vấn đề truy xuất nguồn gốc và đánh bắt bền vững phần lớn nằm ở khâu kiểm soát, quản lý của nhà nước. Những vấn đề này đã được Chính phủ và các Hiệp hội nhận diện từ 20 năm trước khi EU cấp mã số xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam nhưng chưa được thực hiện đến nơi đến chốn.

Theo bà Thu Sắc, ở giai đoạn thẻ vàng, doanh nghiệp rất khó khăn trong việc xuất khẩu hàng đi EU nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định với thế giới về quyết tâm cải thiện hệ thống quản lý để gỡ bỏ thẻ vàng.

Hải sản khai thác biển trước giờ luôn chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản sang EU với kim ngạch xuất khẩu bình quân luôn đạt từ 300-400 triệu USD.

Minh Khôi



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024