ISSN-2815-5823
Thứ tư, 10h19 22/07/2020

EVFTA có mở rộng cửa cho thủy sản Việt Nam?

(KDPT) – Liên minh châu Âu (EU) luôn là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam về xuất khẩu thủy sản. Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8, thủy sản được kỳ vọng sẽ là một trong những sản phẩm được hưởng lợi nhiều nhất…

Thủy sản là một trong những sản phẩm được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA.

Hưởng lợi từ cam kết cắt giảm thuế quan

Từ lâu, EU là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trên thế giới, trung bình mỗi năm thị trường này chi từ 23-25 triệu EUR để nhập khẩu hơn 9 triệu tấn các sản phẩm thủy sản. Trong đó, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Italy và Anh là những thị trường nhập khẩu chính, giá trị nhập khẩu thủy sản hàng năm hơn 1 tỷ USD.

Nhiều năm qua, EU chiếm trên 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam. Được biết, 50% số dòng thuế ở ngành thủy sản sẽ được xóa bỏ ngay, 50% còn lại sẽ được xóa bỏ theo lộ trình 3 đến 7 năm là 99,2% số dòng thuế, tương đương với 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU.

Đối với một số mặt hàng thủy sản đang chịu thuế cao sẽ được về 0% thuế như: Tôm hùm, thanh cua, cá tuyết, tôm hồng. Những mặt hàng này hiện nay đang áp thuế nhập khẩu ở mức 8 – 20%. Ở chiều hướng ngược lại, các mặt hàng như sò điệp, hàu, mực, hải sâm, cá bơn,… đang có mức thuế nhập khẩu 8 – 11% cũng sẽ được đưa về mức 0%. Đây được xem là bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở nước ta.

Các sản phẩm được chế biến từ cá tra cũng là mặt hàng được đưa vào EU nhiều nhất và có lộ trình giảm thuế trong vòng 3 năm; riêng mặt hàng cá hun khói có lộ trình 7 năm. Còn các sản phẩm làm từ cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0%, trừ thăn cá ngừ đông lạnh có lộ trình lên đến 7 năm. Riêng sản phẩm cá ngừ đóng hộp, mỗi năm chúng ta chỉ xuất vào thị trường EU khoảng 3.000 – 4.000 tấn, nay với cam kết EVFTA, hạn ngạch thuế quan vào thị trường khó tính như EU lên đến 11.500 tấn/năm. Tương tự, sản phẩm chả cá viên chỉ xuất được vài chục tấn/năm, nay hạn ngạch này được cấp lên đến 500 tấn/năm.

Vừa vui mừng vừa lo lắng

Tổng Thư ký VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam), ông Trương Đình Hòe, phân tích: Mặc dù trước kia, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU không thể nào cạnh tranh lại các sản phẩm từ những nước “đối thủ”, nguyên nhân là do thuế suất cao và giá thành sản xuất cao. Nhờ EVFTA mà nay đã có lợi thế về thuế xuất khẩu, nhưng cũng cần lưu ý, vì đây cũng là thị trường trong quá trình công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… một cách rất nghiêm ngặt đối với mặt hàng thủy sản. Do đó, các doanh nghiệp của chúng ta cần phải chủ động tăng cường trong việc giám sát chất lượng hàng hóa, bám sát thị trường để có được hợp đồng phù hợp.

Về vấn đề lâu dài, ông Trương Đình Hòe khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm, tăng cường hợp tác theo chuỗi liên kết để nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nguyên liệu thủy sản, nhưng đồng thời cũng phải kiểm soát được an toàn thực phẩm.

Còn ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, không chỉ chú trọng vào EVFTA mà quan trọng hơn hết là sản xuất nâng cao chất lượng để đảm bảo hàng rào kỹ thuật, đáp ứng tất cả các thị trường khó tính trên thế giới.

VASEP cũng tin tưởng vào một kịch bản tích cực khi EVFTA được thi hành, bức tranh tươi sáng của xuất khẩu thủy sản sẽ nhiều màu sắc hơn bởi trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản nước ta chỉ đạt 3,5 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

PHÚC HẬU



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024