ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 14h23 23/05/2020

EVFTA “gỡ khó” cho doanh nghiệp dệt may

(KDPT) – Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).

EVFTA đi vào thực thi sẽ giúp doanh nghiệp dệt may thoát ra khỏi những khó khăn do Covid-19 gây nên. Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo, nhu cầu dệt may sẽ có phục hồi từ quý III/2020, bắt đầu bằng việc phục hồi các sản phẩm cơ bản, giá trung bình thấp và thấp. Các doanh nghiệp có vị trí tốt hơn trong chuỗi cung ứng sẽ có đơn hàng trước. Dù vậy, ông Trường dự báo, khả năng tổng cầu thế giới 2020 của dệt may vẫn giảm 20-25%.

Dự báo nhu cầu dệt may sẽ có phục hồi từ quý III/2020

Các chuyên gia nhận định, sự trở lại của nhu cầu hàng hóa dệt may sẽ phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố hoàn cảnh kinh tế. Tiếp đến là nhận thức, niềm tin sẽ có vai trò dẫn dắt quá trình phục hồi nhu cầu.

Hoàn cảnh kinh tế sẽ có vai trò quan trọng nhất với nhóm khách hàng đang gặp khó khăn về việc làm, kể cả khi còn đang được nhận trợ cấp xã hội thì họ cũng không có khả năng đáp ứng các nhu cầu như khi có việc làm. Chính vì vậy, nhu cầu trang phục với họ là tối thiểu. Các mặt hàng cơ bản, giá rẻ sẽ phục hồi trước và chiếm tỷ lệ bán chính trong quý III, quý IV/2020. Khả năng phục hồi các mặt hàng cao cấp phụ thuộc vào tiến trình tạo việc làm mới tại EU và Mỹ, nếu phục hồi tốt có thể hy vọng sự phục hồi mặt hàng cấp trung trở lên vào lễ Giáng sinh 2020.

Cùng với đó, các chuyên gia nhận định, sau bài học về chuỗi cung ứng gián đoạn ở Trung Quốc do đại dịch Covid-19, ngày một nhiều hơn các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ muốn đa dạng hóa và tìm kiếm chuỗi cung ứng thay thế. Cũng như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia và nhiều nước Đông Nam Á khác, Việt Nam nên tận dụng cơ hội này thể hiện mình là một đối tác đáng tin cậy để gia tăng thị phần xuất khẩu trong thị trường thế giới.

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp dệt may kiến nghị, Nhà nước chỉ nên thu hút FDI đầu tư vào khâu dệt nhuộm, còn khâu may mặc doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương. Về thị trường xuất khẩu, Việt Nam nên mở rộng tìm kiếm những thị trường mới ngoài Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Canada và các nước trong khu vực Asean, CPTPP.

Hà Thu

Bạn đang đọc bài EVFTA “gỡ khó” cho doanh nghiệp dệt may tại chuyên mục Nhịp thị trường
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
03694529040977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/07/2024