ISSN-2815-5823
Thứ hai, 07h31 18/06/2018

Giải pháp nào cho căn hộ Condotel?

(KDPT) – Condotel hay còn gọi là Condo Hotel (khách sạn chung cư) được hiểu là sự kết hợp giữa chung cư và khách sạn. Trước tình trạng các căn hộ khách sạn Condotel đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư thì các quy định pháp luật liên quan đến đối tượng này còn chưa thực sự đầy đủ, cần phải bổ sung nhanh chóng để thúc đẩy quá trình đầu tư và phát triển phân khúc này.

Hiện tại pháp luật chưa có quy định rõ ràng về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ đỏ) đối với loại căn hộ này, nên hiện tại cả cơ quan Nhà nước, chủ đầu tư, cũng như người mua nhà đang loay hoay với việc làm sao để hợp pháp hóa quyền sở hữu. Do vậy, trước mắt, các doanh nghiệp xây dựng những dự án kiểu này phải tự mày mò vận dụng theo Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch, Luật Nhà ở, thậm chí là Luật Quy hoạch đô thị 2009 và các văn bản hướng dẫn.

Bên cạnh vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ Condotel vẫn còn những điểm cần tháo gỡ về pháp lý khi đầu tư Condotel như sau: Thứ nhất, về quy chuẩn kỹ thuật. Do Concotel hiện đang được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn nên việc áp dụng hoàn toàn quy chuẩn kỹ thuật xây dựng khách sạn cho Condotel sẽ có nhiều bất cập khi khách hàng mua chủ yếu vì mục đích sinh hoạt gia đình. Thứ hai, về thời hạn sở hữu Condotel. Bởi những người mua Condotel ngoài mục đích kinh doanh khai thác thì họ cũng coi đây là một tài sản để ở lâu dài hay để lại cho con cháu. Do đó việc giới hạn thời gian sở hữu loại căn hộ này sẽ là một trong những lý do làm giảm phần lớn lượng khách hàng đầu tư mua Condotel. Thứ ba, về vấn đề cá nhân nước ngoài sở hữu Condotel. Khoản 2 Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định cá nhân nước ngoài không thuộc nhóm đối tượng được mua Condotel đã trở thành rào cản lớn khi muốn thu hút dòng tiền đầu tư từ nước ngoài. Thứ tư, về việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán Condotel. Hiện tại, pháp luật kinh doanh bất động sản mới chỉ quy định chi tiết đối với hợp đồng mua bán, thuê mua nhà mà chưa có quy định về việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán công trình xây dựng (không phải là nhà ở). Việc làm này tạo ra sự thỏa thuận tự do không cần thiết ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tranh chấp phát sinh sau này.

Trước các thực trạng trên, cuối tháng 4 năm 2017, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có kiến nghị với Bộ xây dựng về loại hình bất động sản Condotel ven biển. Trong văn bản kiến nghị, VNREA cho rằng Bộ xây dựng cần điều chỉnh, đề xuất sửa đổi luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề quy hoạch Condotel. Trong đó, có đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn hộ khách sạn (giấy chứng nhận) cho khách hàng mua Condotel ven biển theo hướng cá nhân, tổ chức có thể mua Condotel (không phải dưới dạng chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án) và được cấp giấy chứng nhận, dù dự án Condotel ven biển đó được xây dựng trên đất thương mại dịch vụ hay đất ở không hình thành đơn vị ở.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu về pháp luật đất đai, cần sửa đổi, bổ sung quy định về việc phân loại và cơ chế sử dụng đất hỗn hợp (vừa sử dụng làm đất ở, vừa sử dụng là đất thương mại dịch vụ) và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất đối với loại hình bất động sản này. Đồng thời kết hợp với Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu về tài chính đất đai, bổ sung quy định về thu tiền sử dụng đất đối với đất hỗn hợp.

Việc các cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, giải quyết, tháo gỡ các khúc mắc liên quan đến loại hình căn hộ hỗn hợp Condotel sẽ tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng để chủ đầu tư, người mua nhà có cơ sở hợp pháp hóa quyền sở hữu, sử dụng căn hộ đồng thời tạo cơ hội thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn trọng điểm hiện tại và tương lai nói riêng.

Hãng luật Anh Bằng



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024