ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 00h00 25/07/2020

Giải pháp nào cho ngành mía đường Đồng bằng sông Cửu Long?

(KDPT) – Hiện nay, ngành mía đường đang phải đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Cây mía và nhiều nhà máy đường (NMĐ) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nguy cơ bị “xóa sổ”. Với diện tích lên đến gần 90.000 ha đất trồng mía, nay đã giảm xuống ở mức báo động chỉ còn khoảng 15.000 ha, niên vụ mía của giai đoạn 2019 – 2020 chỉ còn 3/10 NMĐ hoạt động. Vậy đâu là giải pháp cho ngành mía đường ĐBSCL?

Trước những khó khăn, thua lỗ của ngành mía đường, hiện nay, nhiều nhà nông ở ĐBSCL ào ạt phá bỏ ruộng mía để chuyển sang trồng cây khác hoặc đào ao nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, nhiều NMĐ cũng nằm trong tình trạng thua lỗ phá sản, một số trang thiết bị đã xuống cấp, bắt buộc phải ngừng hoạt động.

Tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) nơi được xem là “thủ phủ” của cây mía đường ở khu vực ĐBSCL, thời huy hoàng nơi đây có đến 15.000 ha đất trồng mía, nhưng đến nay chỉ còn 6.000 ha. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ với phóng viên: “Nhiều năm liên tiếp thua lỗ, nông dân cũng từ từ bỏ ruộng mía. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh cũng đã xác định cây mía không còn là cây nông nghiệp chính của địa phương. Tỉnh cũng giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nông dân chuyển sang canh tác, trồng cây ăn trái có giá trị cao hơn như: chanh không hạt, khóm MD2,…”.

Từng được xem là cây trồng chủ lực ở một số địa phương ĐBSCL, nhưng hiện nay cây mía đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”. Ảnh: Internet.

Còn ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) là vùng chuyên canh cây mía lớn nhất của tỉnh và thuộc dạng nhất, nhì của ĐBSCL, vào thời điểm “vàng”, diện tích trồng mía lên đến 8.000 ha, nhưng hiện nay chỉ còn trên 3.000 ha. Vụ mía vừa qua đã làm cho người nông dân xứ Cù Lao Dung khó khăn chồng chất khó khăn, khi đợt nắng hạn kéo dài, xâm nhập mặn đã khiến ruộng mía đổ ngã, khô gốc, cháy lá và chết dần, ước tính diện tích bị ảnh hưởng là 30%.

Trong khi đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, tổng diện tích mía nguyên liệu đã giảm từ 30 – 60% so với những năm trước. Việc thiếu mía nguyên liệu phải buộc các nhà máy duy trì sản xuất ở công suất thấp. Chi phí đầu tư mỗi 1.000m2 mía là khoảng 7 triệu đồng nhưng chỉ thu về con số 3 – 4 triệu đồng khiến nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, một số vùng canh tác mía phải chịu thua lỗ nặng, nông dân phải từ bỏ ruộng mía vì theo họ càng đầu tư sẽ càng lỗ.

Cũng giống như Hậu Giang và Sóc Trăng, tại Trà Vinh, Long An… nhiều nhà nông trồng mía cũng rơi vào tình cảnh lao đao vì giá mía xuống thấp và khó bán. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú (Trà Vinh), toàn huyện có hơn 4.000 ha đất trồng mía, dù đã có nhiều ruộng mía vượt quá ngày thu hoạch khá lâu nhưng các hộ nông dân chỉ mới tiêu thụ được khoảng 50% diện tích. Theo nhiều nông dân tính toán, vụ mía năm nay bà con đã phải bỏ ra khoảng chi phí khá lớn 50 – 60 triệu đồng/ha, nhưng do giá mía thấp, trữ lượng đường giảm, tiêu thụ chậm khiến cho nông dân trồng mía bị lỗ bình quân từ 10-20 triệu đồng/ha.

Nhìn lại chặng đường hoạt động của ngành mía ở khu vực “đất chín rồng”, từ năm 1995, ĐBSCL đã xây dựng khoảng 10 nhà máy đường với công suất lớn (1.000 – 1.200 tấn mía/ngày) giữa diện tích trồng mía bao quanh. Đến giai đoạn 1999 – 2000 bắt đầu sản xuất và có sản phẩm đường cát trắng, chủ yếu là đường RS. Đây được xem là một giải pháp cổ phần hóa đã vực dậy nhiều nhà máy đường. Một số đơn vị lúc này bắt đầu có lãi, tái đầu tư nâng công suất ép mía, lắp đặt thêm nhiều thiết bị chế biến đường tinh luyện (RE). Ở thời hoàng kim, diện tích mía đường của ĐBSCL lên tới trên 90.000 ha. Một số giống mía cũ dần được thay thế bởi những giống mía cho năng suất cao, 120 tấn/ha; cá biệt là ở Hậu Giang có câu lạc bộ đạt 200 tấn/ha. Lúc này giá mía cạnh tranh giữa các nhà máy có lúc tăng lên 950 – 1.000 đ/kg, nông dân bắt đầu có lãi.

Ở thập kỷ trước, bên cạnh cây lúa, mía đường còn được xem là “vàng ngọt” của vùng Tây Nam Bộ. Ảnh: Internet.

Lãnh đạo của các tỉnh trồng mía ở ĐBSCL cho biết, cái khó của người nông dân là trên diện tích trồng mía có đến 30% là mương, gắn với liếp mía nên gây ra cản trở, khó khăn trong việc áp dụng cơ giới hóa như các tỉnh miền Trung đã làm. Còn theo nhiều nông dân vẫn đang bám trụ với nghề trồng mía ở Phụng Hiệp cho biết, hiện nay, nguồn thu nhập từ cây mía thấp hơn với việc trồng lúa. Muốn bỏ cây mía nhưng không biết chuyển sang trồng cây gì, làm những liếp trồng lúa thì chi phí bỏ ra rất lớn.

Theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ 1/1/2020, mặt hàng đường từ các nước trong khu vực ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu 5%. Việc đưa vào thi hành Hiệp định ATIGA sẽ càng tạo ra những áp lực, khó khăn rất lớn với ngành mía đường cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Theo một lãnh đạo của một doanh nghiệp mía đường ở ĐBSCL cho biết: “Mặt hàng đường đã hội nhập, doanh nghiệp cũng hội nhập, vấn đề cốt lõi hiện nay là nông dân cũng phải hội nhập. Cụ thể ở đây là phải hạ giá thành sản xuất mía nguyên liệu. Cách tốt nhất là doanh nghiệp liên kết chặt với nông dân đầu tư chiều sâu: sử dụng giống mía mới có năng suất, trữ lượng đường cao, giảm giá thành khâu thu hoạch mía. Chính quyền cần đầu tư cơ sở hạ tầng vào vùng mía nguyên liệu như xây dựng đường giao thông thuận lợi để vận chuyển với giá thành thấp”.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg về việc triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Theo đó, quan điểm của Thủ tướng là chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập bình đẳng với tinh thần độc lập, tự cường; chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém; hình thành vùng nguyên liệu mía gắn với nhà máy sản xuất đường hoạt động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Ngành mía đường cần phải tận dụng triệt để các lợi thế để phát huy năng lực.

Trong bối cảnh ATIGA được đưa vào thực thi, các chuyên gia cho rằng, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các công ty, nhà máy sản xuất và người nông dân cần đưa vào canh tác các loại giống có sản phẩm chất lượng tốt, cho năng suất cao, chuyên canh. Bên cạnh đó, không ngừng đầu tư, nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật khoa học, nâng cao chất lượng sản phẩm, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để ngăn chặn hành vi buôn lậu đường, vừa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng; vừa cạnh tranh với thị trường quốc tế.

PHÚC HẬU



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024