ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 02h08 19/07/2019

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy Bài 2: Trách nhiệm chung chung thì rất khó…

>>> Bài 1: Phòng cháy từ những chi tiết nhỏ

(KDPT) – Cháy nổ phần nhiều do điện. Nhưng, trách nhiệm của ngành điện ở đâu thì chưa được chỉ rõ. Bản thân người dùng điện không thể tự tìm ra nguyên nhân cháy, nổ, mà ngành điện phải chỉ ra. Hay, ngành điện không có trách nhiệm gì, chỉ bán điện là xong, hậu quả thì không cần biết? Đây là vấn đề được Phó Chủ tịch QH, Trưởng đoàn giám sát Đỗ Bá Tỵ đặt ra tại cuộc làm việc với Chính phủ về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018 đầu tuần qua.

Trăn trở vì làm nhiều rồi mà… vẫn cháy

Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội là sự gia tăng về số lượng hàng hóa, vật tư, năng lượng, nhiên liệu, hóa chất, máy móc, dây chuyền sản xuất… cộng với các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của con người ngày càng nhiều, kéo theo các nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy.

Báo cáo với Đoàn giám sát của QH, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, thống kê trong 4 năm (từ tháng 7.2014 đến tháng 7.2018), cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản trên 6.000 tỷ đồng và gần 6.462ha rừng. Như vậy, trung bình mỗi năm nước ta xảy ra 3.287 vụ cháy, mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương một người. Cháy xảy ra ở thành thị cao gấp 1,5 lần so với khu vực nông thôn. Cháy ở cơ sở kinh tế tư nhân và nhà dân chiếm tỷ lệ cao nhất, nhất là loại hình nhà ở có kết hợp sản xuất kinh doanh. Số vụ cháy ở các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhà kho, chợ, trung tâm thương mại, nhà chung cư tuy chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng tỷ lệ thiệt hại về tài sản lại lớn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy
Ảnh: Lê Sơn

Điều đáng lưu ý, qua giám sát cho thấy, nguyên nhân cháy, nổ được xác định chủ yếu là do sử dụng điện, chiếm đến 57%, nhưng thực tế có địa phương con số này lên tới 70%. Dẫn ra ví dụ này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó trưởng đoàn giám sát của QH đề nghị, Bộ Công thương cần xác định trách nhiệm của ngành điện trong quản lý, nhất là điện ở các khu chung cư cũ, nhà cũ, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh như thế nào?

Giải trình về vấn đề này, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công thương Trần Văn Lượng cho biết, ở đây có trách nhiệm của cả 3 Bộ là Bộ Công an, Bộ Xây dựng và Bộ Công thương. Trong đó, Bộ Công thương là đơn vị trực tiếp quản lý việc cấp điện, Bộ Công an quản lý nhà nước về PCCC và Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trong xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn chỉ đạo về an toàn điện dân dụng. Tuy nhiên, hiện quy chế phối hợp giữa 3 Bộ “còn nhiều vấn đề cần ngồi lại với nhau để điều chỉnh cho phù hợp”.

Riêng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Trần Văn Lượng cho rằng, đây là đơn vị kinh doanh, họ chỉ mua – bán điện, chứ không thể giao trách nhiệm cho Tập đoàn này về công tác PCCC… Quan trọng là 3 Bộ phải cùng tham mưu cho Chính phủ, tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát sử dụng điện ở các nhà dân như thế nào. “Chúng tôi cũng rất trăn trở, vì làm nhiều rồi mà… vẫn cháy”, ông Trần Văn Lượng nói.

Chỉ bán điện?

Đương nhiên, giải trình của ông Trần Văn Lượng chưa thể thuyết phục được Đoàn giám sát.

Phần lớn nguyên nhân cháy do điện, thì ngành điện phải rà soát xem còn lỗ hổng nào không? Việc mua bán điện như thế nào? Kiểm tra, đôn đốc ra sao? Phải chăng ngành điện không có khuyết điểm, mà chỉ do người sử dụng điện? Hay, ngành điện cứ bán điện xong là hết trách nhiệm, hậu quả không cần biết?

Nêu hàng loạt câu hỏi như vậy, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ thẳng thắn: Trách nhiệm phối hợp của 3 Bộ là đúng, nhưng chính yếu phải xem tồn tại của ngành điện ở đâu? Bản thân người sử dụng điện không thể tự tìm ra nguyên nhân cháy, nổ, thì ngành điện phải chỉ ra, chứ lại câu chuyện trách nhiệm phối hợp của bộ nọ, bộ kia thì không giải quyết được vấn đề. Cho rằng “cứ chung chung thì rất khó”, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ yêu cầu Bộ Công thương phải có báo cáo bổ sung làm rõ vấn đề này, thậm chí đề xuất sửa luật nếu có vướng mắc.

Từ góc độ cơ quan quản lý PCCC, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng nêu thực tế, quản lý điện không chỉ là trách nhiệm của mỗi ngành điện, nhưng rõ ràng nước ta có thực trạng dùng điện khá tràn lan, dẫn đến quá tải, từ đó mới cháy. Dẫn ví dụ về công tác quản lý điện ở Vương quốc Anh, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, họ quản lý từ bóng điện, người dân đăng ký dùng 5 bóng điện, thì phải dùng đúng 5 bóng điện, nếu phát sinh thêm bóng điện thứ 6 phải báo cáo với cơ quan quản lý. “Đề nghị nên siết chặt việc quản lý điện bằng cách đăng ký cấp phép sử dụng điện, số lượng đăng ký thế nào, số công tơ, aptomat ra sao…”, Thứ trưởng Lê Quý Vương nói.

Với trách nhiệm tổng thể, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, thay mặt Chính phủ, khẳng định, trong bối cảnh “một nhà có 3 Bộ quản lý”, thì khi xảy ra cháy, trách nhiệm của Bộ nào là chính nên được chỉ rõ; và, quan trọng nhất là người dân cũng cần có ý thức sử dụng điện an toàn. Đối với việc quản lý, sử dụng điện, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, sẽ nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các nước, xem họ quản lý điện trong doanh nghiệp, nhà xưởng, bệnh viện, trường học, cơ quan, khu chung cư, nhà dân, khu thương mại điện tử… như thế nào cho tốt. “Nói đúng ra là phải quản lý từ công tơ đi vào nhà, từ đường dây điện đi đến các thiết bị sử dụng điện”. Nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ rõ, quản lý gắn với trách nhiệm, và phải xử lý, xử phạt thật nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe cao trong công tác PCCC.

Ý Nhi
Theo daibieunhandan.vn



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024