Mạng xã hội lại "dậy sóng" khi hãng TCL sử dụng bản đồ không có Hoàng Sa, Trường Sa Hãng thời trang Yody xin lỗi vì dùng bản đồ sai lệch về chủ quyền biển đảo: Bài học lớn cho các thương hiệu Ứng dụng Grab không hiển thị quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Giao diện bản đồ có sử dụng đường lưỡi bò của Mixue.

Cụ thể, theo tìm hiểu của PV, khi truy cập trang web chính thức của Mixue là mxbc.com, người dùng vào phần "Cửa hàng", sau đó chọn "Tìm một cửa hàng", trang web sẽ hiển thị bản đồ. Trong đó, khi kéo thả bản đồ, sẽ thấy xuất hiện đường lưỡi bò trên khu vực biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được chú thích bằng tiếng Trung Quốc. Đáng chú ý, không chỉ phiên bản tiếng Trung mà cả phiên bản tiếng Anh của website này cũng có hình đường lưỡi bò.

Giao diện bản đồ có hình lưỡi bò của Mixue.
Có thể thấy khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam được chú thích là "Tam Sa".

Sau khi phát hiện điều này, cộng đồng mạng đã bày tỏ sự phản đối. Trên các hội, nhóm về ẩm thực và giới trẻ, người dùng đều thể hiện sự không ủng hộ đối với bản đồ có chứa hình ảnh đường lưỡi bò sai trái.

Một vài bình luận trên mạng xã hội bày tỏ sự phản đối với việc Mixue sử dụng bản đồ có đường lưỡi bò.
Một số bình luận trên mạng xã hội bày tỏ sự phản đối với việc Mixue sử dụng bản đồ có đường lưỡi bò.
Hãng Mixue sử dụng bản đồ đường lưỡi bò, cư dân mạng kêu gọi tẩy chay

Mixue là một trào lưu nhượng quyền trong thời gian vừa qua và được giới trẻ quan tâm.

Ở Hà Nội, các cửa hàng Mixue đã len lỏi vào từng khu dân cư, trường học, văn phòng, trung tâm thương mại... Với thế mạnh sản phẩm bình dân, giá rẻ, người người, nhà nhà thi nhau mua thương hiệu Mixue, với giá 800 triệu - 1 tỷ đồng/điểm bán. Đến đầu tháng 4/2023, thương hiệu này cán mốc 1.000 cửa hàng trên cả nước, con số tăng chóng mặt trong thời gian ngắn.

Hãng Mixue sử dụng bản đồ đường lưỡi bò, cư dân mạng kêu gọi tẩy chay
Một cửa hàng Mixue tại Hà Nội.

"Đường lưỡi bò" hay còn gọi "đường 9 đoạn" là một đoạn đường đứt khúc ban đầu có 11 đoạn bao quanh các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa, bãi ngầm Trung Sa và có điểm giới hạn phía Nam là vĩ tuyến 40. Tuy nhiên vào năm 1953, "đường 11 đoạn" này được Trung Quốc điều chỉnh thành "đường 9 đoạn" (bỏ 2 đoạn nằm trong khu vực Vịnh Bắc Bộ).

"Đường 9 đoạn" này xuất phát từ biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ, chạy xuống phía Nam tương tự như hình dáng của bờ biển Đông và Đông Nam Việt Nam và sau đó chạy ngược lên phía Bắc theo hướng song song với bờ biển phía Tây Sabah của Malaysia và Palawan, quần đảo Luzon của Philippines, kết thúc tại khoảng giữa eo biển Bashi (Ba Sĩ) nằm giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines.

Bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò", Bắc Kinh vẫn ngang nhiên theo đuổi yêu sách sai trái này.

Chủ quyền biển đảo, biên giới là vấn đề rất được quan tâm. Cách đây không lâu, hãng TCL cũng đã phải lên tiếng xin lỗi khi bản đồ không hiển thị hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Còn trước đó, Grab, Yody là những thương hiệu lớn cũng đã phải xin lỗi, gỡ bỏ hình ảnh vi phạm và bị xử phạt vì sử dụng bản đồ có thông tin sai lệch về chủ quyền quốc gia.

Với việc Mixue sử dụng bản đồ có đường lưỡi bò, không phải quá mới, bởi trong khi các quốc gia khác sử dụng Google để định vị địa điểm các cửa hàng, các thương hiệu hoạt động ở Trung Quốc dùng bản đồ do công ty Baidu cung cấp để định vị. Baidu là hãng công nghệ lớn của Trung Quốc, cung cấp các nền tảng công nghệ cơ bản cho các công ty phát triển trong nước (trong đó có nền tảng bản đồ chỉ dẫn địa lý - tương tự Google Maps của gã khổng lồ Google). Xa hơn, vào năm 2021, người dân đã phản ứng quyết liệt trước việc hàng loạt hãng thời trang đăng tải bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp trên trang web tiếng Trung, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khi đó đã khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập với UNCLOS 1982”.

“Mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá các nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như thực tế về vấn đề Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Cần phải khẳng định rằng những doanh nghiệp sử dụng xuất bản phẩm, bản đồ... thể hiện sai lệch về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Các sản phẩm có thể bị tẩy chay, uy tín, hình ảnh... của doanh nghiệp chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý sẽ vào cuộc và có biện pháp xử lý phù hợp. Doanh nghiệp sẽ "thiệt đơn thiệt kép" khi lơ là trong quản lý hình ảnh, sản phẩm dẫn tới vi phạm pháp luật về chủ quyền quốc gia.

Một số lĩnh vực mà doanh nghiệp cần lưu ý để tránh phạm phải sai lầm như Grab, Yody, TCL trước đây và Mixue, có thể kể tới như: in ấn bao bì, quảng cáo bằng video, hình ảnh, băng rôn hay tờ rơi (các xuất bản phẩm)... Ngoài ra, khi phối hợp với các đơn vị bên ngoài để quảng bá sản phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo... doanh nghiệp cũng cần đặc biệt lưu ý kiểm tra các bảng, biển... tại khu vực diễn ra sự kiện cũng như các bản đồ được sử dụng trong dịch vụ, xuất bản phẩm của mình.

Chiến lược của Mixue là bán sản phẩm giá rẻ, mô hình kinh doanh chi phí thấp, tập trung vào các tỉnh nhỏ, vùng ngoại ô và khu nhiều sinh viên.

Theo thông tin từ trang The World of Chinese, Mixue đã thu về mức lợi nhuận ròng là 1,91 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021 và có rất nhiều cửa hàng ở nhiều quốc gia, chủ yếu là ở Đông Nam Á.
Tính đến tháng 3/2022, Mixue có 21.619 cửa hàng trên toàn thế giới. Riêng Việt Nam đã có khoảng 600 cửa hàng Mixue, trải khắp 43 tỉnh thành. Tính đến tháng 12/2022, khoảng 137 cửa hàng Mixue đang có mặt tại Hà Nội.