Hà Nội công nhận điểm du lịch Bát Tràng
Theo đó, UBND xã Bát Tràng có trách nhiệm quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định pháp luật, nhằm đảm bảo giữ gìn, phát triển tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, an toàn cho du khách; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan; bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch.
Các Sở, ngành: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an TP, UBND huyện Gia Lâm có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện công tác quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch Bát Tràng theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Hiện xã Bát Tràng có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương. Tổng giá trị sản xuất, thương mại gốm sứ năm 2018 ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm. Xã có 140 nghệ nhân và nhiều thợ giỏi, tiêu biểu là nghệ nhân nhân dân Trần Ðộ, nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn…
Những năm gần đây, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán ước khoảng 200.000 lượt/năm, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 10%, học sinh, sinh viên và thanh niên chiếm khoảng 40%. Đặc biệt, vào mùa cao điểm có ngày Bát Tràng đón gần 10.000 lượt khách đến tham quan… Hiện, xã Bát Tràng là một trong hai địa phương được thành phố lựa chọn thực hiện đề án điểm về phát triển làng nghề gắn với du lịch, quy hoạch đầu tư một cách đồng bộ.
Việc công nhận điểm du lịch này sẽ góp phần đẩy mạnh sự quan tâm, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp vào hoạt động du lịch của Bát Tràng, đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong vấn đề phát triển du lịch địa phương.
Theo Pháp luật và xã hội