Cổ phiếu ngân hàng bước vào quãng nghỉ, những mã nào sẽ nắm bắt cơ hội này?
Thời gian qua, điểm sáng trên thị trường chứng khoán thuộc về các cổ phiếu ngân hàng, nhóm chiếm tới 40% vốn hóa toàn sàn. Vì vậy, loại cổ phiếu này được xem là “vua” ở giai đoạn này bởi đà tăng chủ yếu được dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng. Song, cổ phiếu ngân hàng sẽ bước vào quãng nghỉ cần thiết, thị trường theo đó sẽ được điều chỉnh.
Gần 3 tháng qua là giai đoạn đi lên bền bỉ của nhóm ngân hàng, với các nhịp điều chỉnh diễn ra khá ngắn và biên độ không quá lớn. Dòng tiền luân chuyển trong nhóm ngành ngân hàng giúp thị trường sớm trở lại đà tăng sau các quãng nghỉ. Các mã cổ phiếu này thay phiên dẫn sóng thị trường, khi nhóm tăng nóng gặp áp lực chốt lời sẽ là cơ hội để nhóm tăng ít, thậm chí chưa tăng nắm bắt cơ hội hút tiền.
Liên tục thay phiên nhau, nhiều “cổ phiếu vua” đã tăng 2 chữ số kể từ đầu năm nay. Tuy nhiên, vẫn có nhiều mã thuộc nhóm này chưa “nóng máy” như SSB, VPB, EIB. Thời gian tới, dòng tiền vẫn sẽ dồi dào và luân chuyển nhịp nhàng, các cổ phiếu chưa nóng được kỳ vọng sẽ hút tiền để vươn lên dẫn dắt nhóm ngành ngân hàng và giúp thị trường chung sớm lấy lại đà tăng.
Quan sát nhóm chưa nóng, cái tên sáng giá nhất để vươn lên dẫn sóng có lẽ là VPB với lợi nhuận quý IV/2023 tăng trưởng 96% so với cùng kỳ, thuộc nhóm cao nhất ngành. Trước đó, các mã từng vượt đỉnh như VCB, BID, ACB, HDB, MBB hay tiệm cận đỉnh như CTG, LPB đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khả quan so với mặt bằng chung của ngành.
Báo cáo phân tích của MBS mới công bố, dự báo VPBank có thể đạt lợi nhuận sau thuế là 16.422 tỷ đồng, tăng 90,1% so với năm 2023. VPB là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trong nhóm tăng dưới 10% kể từ đầu năm. Ngoài ra, đây cũng là một trong những mã đang giao dịch sôi động nhất hiện nay. Vốn hóa khủng và khả năng tạo hiệu ứng lan tỏa trở thành lợi thế của mã cổ phiếu ngân hàng này trong việc thu hút dòng tiền thông minh quy mô lớn.
Bên cạnh đó, cuối năm 2023 ghi nhận lượng lớn nguồn vốn đổ vào sau khi hoàn thành chốt deal với SMBC, cùng với đó là bổ sung kinh nghiệm quốc tế, khả năng phục hồi nhóm khách hàng siêu lớn là những yếu tố thúc đẩy kết quả kinh doanh của VPBank về dài hạn.
Chưa kể, FE Credit đã hoàn thành tái cơ cấu, thu về 208 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2023. Đây là quý thứ 2 liên tiếp công ty này đạt lợi nhuận trước thuế dương sau giai đoạn thua lỗ liên tục. Sự chuyển biến này sẽ hỗ trợ lợi nhuận của VPBank và tạo tiền đề để ngân hàng này triển khai chính sách cổ tức tiền mặt 10% trong 5 năm tới.
Đưa về mức định giá hợp lý
Mức định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn được đánh giá “khá mềm” dù vừa trải qua nhịp tăng kéo dài. Theo đó, P/B (giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) của nhóm này hiện vào khoảng 1,6 lần, nhỉnh hơn một chút so với trung bình 5 năm, chủ yếu nhờ vào đội đôi VCB và BID. Trong khi hầu hết các mã cùng ngành đều có P/B dưới 1,5 lần.
Định giá thấp chính là “bộ đệm” giúp “cổ phiếu vua” giảm bớt mức độ khốc liệt trong các nhịp điều chỉnh. Đồng thời, yếu tố này cũng góp phần giúp thu hút thêm nguồn tiền mới nhập cuộc. Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, tốc độ tăng trưởng cao của lợi nhuận và vốn chủ sở hữu tại một số nhà băng sẽ giúp P/B dự phòng giữ được mức hấp dẫn.
Còn theo đánh giá của SSI Research, nếu giả định tỷ lệ LGD (tổn thất ước tính) với những khoản nợ có vấn đề là 50%, và sau khi sử dụng nguồn sự phòng đã trích lập, mức độ ảnh hưởng với vốn chủ sở hữu sẽ là 11%. Vì vậy, SSI Research cho rằng mức định giá hiện nay phần lớn đã phản rủi ro tín dụng tới từ nợ quá hạn cùng khoản vay tái cơ cấu theo Thông tư 02.
Nhóm phân tích của SSI Research nhận định, gần như định giá sẽ không thay đổi trong quá trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên sẽ được định giá lại trong vòng 6-12 tháng trước khi giải quyết xong nợ xấu. Với các ngân hàng có khả năng tăng vốn sớm hơn trong quá trình này, sẽ có điều kiện tốt hơn để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, chiếm thêm thị phần, đạt kết quả tốt hơn so với mặt bằng chung.
Kỳ vọng về lợi nhuận
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được dự kiến sẽ cải thiện vào năm 2024, SSI Research kỳ vọng tăng trưởng tín dụng phục hồi dần lên mức 14%, được hỗ trợ một phần bởi lãi suất cho vay giảm. Bên cạnh đó, dư địa tăng trưởng sẽ đến từ khối doanh nghiệp như sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, và các ngành nghề được ưu tiên (công nghệ cao, công nghiệp bổ trợ, SME, nông nghiệp, xuất khẩu).
Theo một nghiên cứu của SSI Research, ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các nhà băng dự kiến đạt 15,4% - mức tăng trưởng tốt hơn so với năm 2023 (4,6%). Dự báo NIM sẽ phục hồi 9 điểm cơ bản, lên 3,75% đối với các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu.
Lãi suất huy động bình quân trong năm nay có thể không chênh lệch nhiều so với mức hiện tại. Dự kiến chi phí vốn sẽ thấp hơn (giảm 113 điểm cơ bản svck), CASA được cải thiện, các khoản vay mới có thời hạn dài hơn sẽ làm giảm áp lực về NIM cho các tổ chức tín dụng năm nay.
VCBS lại thận trọng hơn khi nhận định lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 tiếp tục có sự phân hóa mạnh, với mức tăng trưởng khoảng 10%. Lưu ý tới trường hợp Thông tư 02 về cơ cấu nợ không được gia hạn, nhiều khả năng nhóm ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ phải đối mặt với rủi ro và áp lực trích lập tăng cao trong 2 năm tới. Nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát của các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt sẽ được kiểm soát ở mức vừa phải./.
- Lãi suất giảm, dòng tiền nhàn rỗi "trú ẩn" tại ngân hàng có chuyển kênh?
- Sự “trỗi dậy” của Fintech và cú “bắt tay” kinh điển với ngành ngân hàng