ISSN-2815-5823

Hệ thống chính sách xã hội năm 2030 hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện

(KDPT) - Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 của Việt Nam có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2020).

Tọa đàm về “Chính sách xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức với sự đồng chủ trì của các cơ quan Liên hợp quốc, Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đã được tổ chức sáng 8/12.

Tọa đàm do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì, với sự tham gia của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các Bộ, ban ngành, đại diện các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam và đại diện các tổ chức quốc tế/phi chính phủ tại Việt Nam.

Đây là sự kiện quan trọng lần đầu tiên được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan Liên hợp quốc trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, tập trung thảo luận và chia sẻ định hướng chiến lược quản lý và phát triển xã hội đối với Việt Nam nhằm góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045. Tọa đàm là dịp để Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan Liên hợp quốc cũng như các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trao đổi về các ưu tiên hợp tác trong bối cảnh mới, tháo gỡ những khó khăn và thách thức trong quan hệ hợp tác hai bên.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Tọa đàm.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ về định hướng của Việt Nam trong thời gian sắp tới với việc đặt con người là trung tâm của quá trình phát triển, đảm bảo chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Hệ thống chính sách xã hội năm 2030 hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau; tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; đáp ứng mục tiêu của nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Bộ trưởng đánh giá cao những chia sẻ, đóng góp của các đại biểu tại Tọa đàm giúp đánh giá một cách khách quan, khoa học, chính xác và toàn diện những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và thực hiện chinh sách xã hội giai đoạn 2012-2022 và trao đổi, thảo luận về một số định hướng lớn cho giai đoạn 2030- 2045. Bộ trưởng cảm ơn sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của cộng đồng quốc tế nói chung và của các cơ quan Liên hợp quốc nói riêng trong việc xây dựng và triển khai các chính sách xã hội của Việt Nam.

Tại Tọa đàm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, ngày 01 tháng 6 năm 2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, tập trung vào 2 nhóm chính sách cơ bản, quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội. Mục tiêu Nghị quyết 15 đặt ra là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân. Đây là mốc quan trọng tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng trong thực hiện chính sách xã hội nhằm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững

Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI đã đạt được nhiều thành tựu, quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về chính sách xã hội có chuyển biến rõ rệt. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội, trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn và 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2020). Các thành tựu nổi bật đã đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được quan tâm đặc biệt là chính sách tốt nhất trong các chính sách xã hội; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng. Chính sách an sinh xã hội khẳng định vai trò là trụ cột của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống. Quyền an sinh xã hội của người dân cơ bản được đảm bảo tốt hơn. Sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của người dân và doanh nghiệp ngày càng tích cực và hiệu quả. Hợp tác quốc tế được tăng cường mở rộng đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra việc thực hiện một số chính sách xã hội còn có những hạn chế, bất cập. Chính sách xã hội còn thiếu tính bao trùm, liên kết trong hỗ trợ đối tượng và chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện; chênh lệnh mức sống giữa vùng miền, nhóm đối tượng còn lớn. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội chưa đồng bộ, thiếu đồng đều giữa các địa phương. Chất lượng dịch vụ xã hội còn hạn chế. Hệ thống quản trị còn bất cập, chưa hiện đại. Nguồn lực còn hạn chế và thiếu chủ động. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã đặt ra những định hướng như sau cho thời gian sắp tới, trong đó xác định, “Con người là trung tâm của quá trình phát triển, đảm bảo chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Hệ thống chính sách xã hội năm 2030 hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau; tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; đáp ứng mục tiêu của nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Việt Nam có kế hoạch sẽ ban hành một văn kiện mới về chính sách xã hội cho giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhâp trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Dự thảo văn kiện mới sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thảo luận, thông qua tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XIII (nửa đầu năm 2023).

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, chúc mừng thành tựu đã đạt được của Việt Nam về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong 10 năm qua.

Bà Pauline Tamesis cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào những vấn đề như bảo hiểm xã hội toàn dân, tăng cường bảo hiểm xã hội bắt buộc, các chính sách mang tính lồng ghép giới nhiều hơn để ứng phó với những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải.

Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, điều này cần phải được thể hiện ngay trong quá trình lập chính sách để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

"Chúng tôi sẽ luôn luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam để xây dựng và thực hiện bất kỳ chính sách xã hội nào mang tính bao trùm, để tất cả các đối tượng khác nhau trong xã hội được bao phủ.

Đây là cơ hội để tăng cường hơn nữa hệ thống an sinh xã hội không chỉ nhằm đảm bảo công bằng xã hội, phát triển con người mà còn là phát triển đất nước", bà Pauline Tamesis nói.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024