“Ông lớn” bất động sản than khó về lãi vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Lãi suất cho vay nhà ở xã hội còn cao
Theo các doanh nghiệp, việc tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư xây dựng, mua, thuê nhà ở xã hội, vẫn chưa thuận lợi.
Ông Nguyễn Việt Quang - Phó chủ tịch Tập đoàn VinGroup cho hay, mức lãi suất cho vay đầu tư xây dựng, thuê, mua nhà ở xã hội dù ưu đãi nhưng hiện vẫn còn cao. Đối với chủ đầu tư, mức lãi suất 8%/năm, khách hàng mua nhà ở xã hội 7,5%/năm.
Ông Quang đề nghị, cần điều chỉnh lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này, đồng thời trên cơ sở ngân sách, xem xét cấp bù chênh lệch lãi suất nếu khách hàng vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư xây dựng và thuê, mua nhà ở xã hội.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh Huy - Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex cho rằng, lãi vay cho người lao động vẫn còn cao và thời gian vay cho người lao động còn ngắn.
“Nếu kéo dài thời gian vay cho người lao động thì sẽ tạo điều kiện lớn cho họ được sở hữu nhà ở xã hội”, ông Huy nói.
Ông Đỗ Thanh Sơn - Phó tổng Giám đốc Vietinbank cũng nhận thấy, quy định cho vay nhà ở xã hội bị hạn chế lãi suất sinh lời do bị khống chế ở mức 10% nên chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Về nguồn vốn, ông Sơn phân tích, bản chất gói 120.000 tỷ đồng là của ngân hàng, không có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Mặc dù các ngân hàng dành nguồn lực ưu tiên nhưng mức lãi suất vẫn chưa đủ hấp dẫn so với các chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Theo đó, ông Sơn đề xuất, Chính phủ nên xem xét thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Trên cơ sở nguồn ưu đãi này, lãi suất cho vay có thể thấp hơn. Đồng thời, giao việc lựa chọn xác định người mua nhà cho chủ đầu tư dự án để tăng chủ động trong khâu bán hàng; mở rộng đối tượng, nới lỏng điều kiện đối với người được mua nhà ở xã hội.
Gói 120.000 tỷ đồng nên áp dụng cho người mua nhà tại dự án đã hoàn thành
Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân đánh giá, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là chương trình rất tốt, rất nhân văn. Tuy nhiên, ông băn khoăn là tại sao gói này không áp dụng cho những khách hàng đã mua nhà tại dự án đã hoàn thành.
“Trước đây, chúng ta có gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng nhưng sau đó đã dừng, nên nhiều khách hàng là người dân, công nhân, lực lượng vũ trang khi mua nhà không được hưởng ưu đãi từ gói này. Chúng tôi kiến nghị gói 120.000 tỷ đồng này dành cho cả khách hàng đã mua những dự án đã hoàn thành nhưng chưa được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi”, ông Tuấn nói.
Với chương trình 120.000 tỷ đồng, ông Tuấn cho biết, chưa có sự đồng bộ thời gian vay giữa chủ đầu tư và khách hàng.
“Khách hàng được vay gói tín dụng này với thời hạn 5 năm, tuy nhiên chủ đầu tư chỉ được vay trong 3 năm. Ngoài ra, phía ngân hàng còn đề nghị chủ đầu tư phải bảo lãnh cho khách vay mua nhà ở xã hội. Như vậy, nếu khách hàng được vay trong 5 năm thì chủ đầu tư cũng phải được vay trong thời hạn 5 năm. Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu thêm vấn đề này”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng kiến nghị, Chính phủ có thể nghiên cứu dành ra một khoản từ 1-2% bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại. Như vậy nếu 1% thì mỗi năm là 1.200 tỷ đồng, nếu bù 2% là mỗi năm 2.400 tỷ đồng. Như vậy khi có việc bù lãi suất 1-2% của Chính phủ, chương trình này chắc chắn sẽ thành công và nó mạnh hơn gói 120.000 tỷ đồng như hiện nay.
Thủ tục nhà ở xã hội phức tạp hơn nhà ở thương mại
Ông Nguyễn Việt Quang đánh giá, hiện nay thủ tục đầu tư triển khai nhà ở xã hội hiện còn nhiều hơn nhà ở thương mại. Cụ thể, ngoài các thủ tục như phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu thầu, giao đất, cho thuê đất... thì dự án nhà ở xã hội còn thêm các thủ tục về xác nhận đối tượng thuộc diện được mua nhà, thẩm định giá bán..., khiến thời gian thực hiện kéo dài.
“Tổng thời gian hoàn thành thủ tục dự án nhà ở xã hội từ lúc bắt đầu triển khai đến khi khởi công thường khoảng 2 năm”, ông Quang nói.
Ông Quang cũng cho rằng, để dự án nhà ở xã hội trở thành là các khu đô thị hiện đại, văn minh, tiện ích đầy đủ... việc xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ người dân là rất cần thiết. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ xây dựng các hạng mục này chưa rõ ràng. Do đó, nếu chủ đầu tư thực hiện các hạng mục này dễ dẫn đến tăng chi phí, giá bán nhà ở xã hội vì vậy cũng tăng thêm.
Để thu hút nhà đầu tư tham gia vào các dự án nhà ở xã hội và giảm giá bán căn hộ, ông Quang đề nghị xem xét cắt giảm tối đa các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng. Đồng thời, cần ban hành danh mục hạ tầng kỹ thuật, xã hội được hỗ trợ kinh phí đầu tư; miễn giảm tiền thuê đất với diện tích công trình dịch vụ thương mại trong phạm vi dự án; xem xét điều chỉnh lại suất vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội cho phù hợp với thực tế.
Ông Trần Ngọc Anh - Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Viglacera chia sẻ rằng, doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn do các quy định còn hạn chế về đối tượng cũng như điều kiện thuê mua.
“Vì vậy, xin kiến nghị với Thủ tướng sớm cho áp dụng Luật Nhà ở (sửa đổi) và ban hành Nghị định về nhà ở xã hội theo hướng mở rộng đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội với điều kiện đơn giản, để người thu nhập thấp sớm tiếp cận được nhà ở”, ông Trần Ngọc Anh nói.
Ông Trương Anh Tuấn cũng kiến nghị, riêng chương về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở nên áp dụng từ 1/7/2024. Như vậy sẽ tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc và thúc đẩy mạnh hơn cho chương trình 1.000.000 căn nhà ở xã hội này./.
- Chính sách và pháp lý bất động sản hỗ trợ nhà ở xã hội cần quyết liệt hơn
- Thị trường bất động sản Hải Phòng khởi sắc khi tháo gỡ vướng mắc nhà ở xã hội
- "Nới" điều kiện thu nhập khi mua nhà ở xã hội: Nên có mức riêng với các thành phố lớn