ISSN-2815-5823
Thứ năm, 02h04 21/06/2018

Hoàng Tùng – Nhà báo để thế hệ hậu sinh mãi mãi tôn quý

(KDPT) – Ngày báo chí cách mạng 21/6 hàng năm không chỉ là thời điểm để mỗi người làm báo tự hào về công việc đầy ý nghĩa của mình, đây còn là dịp đặc biệt để họ “ôn cố tri tân”, tìm về những tấm gương các bậc tiền bối trong ngành, lấy đó làm động lực cho con đường nghề nghiệp phía trước. Nhà báo Hoàng Tùng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam là một niềm ngưỡng vọng của các nhà báo Việt Nam như thế.

Cố nhà báo Hoàng Tùng.

Nhà báo sắc sảo, sâu sát

Nhà báo Hoàng Tùng, tên thật là Trần Khánh Thọ (1920 – 2010), quê tại xã Nhân Hòa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 17 tuổi. Ông từng bị bắt giam vào nhà tù Sơn La, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Xứ ủy viên Bắc Kỳ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng… Nhưng quãng thời gian dài nhất, ghi nhiều dấu ấn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Tùng là 30 năm làm Tổng Biên tập Báo Nhân dân và gần 30 năm làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Những năm tháng đất nước đánh giặc ngoại xâm, tên tuổi ông như đồng nghĩa với tên của tờ báo Nhân Dân. Nghĩ như thế bởi danh tiếng của ông tạo nên từ sự sắc sảo trong chỉ đạo định hướng sự lãnh đạo của Đảng qua tờ báo sát thực với thời cuộc và thời đại. Nghĩ như thế còn vì những bài xã luận của ông được phát trên Chương trình Thời sự Đài tiếng nói Việt Nam thời chúng ta đánh giặc ngoại xâm, hừng hực khí phách, như lời hịch, thôi thúc giục giã chúng ta xung trận.

Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương nhận xét: “Rất đúng khi nói Hoàng Tùng là nhà chính luận bậc thầy. Những bài chính luận của anh trực tiếp đề cập những vấn đề chính trị, xã hội rộng lớn nhất, nóng bỏng nhất… Phong cách của anh rất riêng, đến nỗi không chỉ những người làm Báo Nhân Dân mà cả giới báo chí, qua những bài viết ký tên hay không ký tên đều nhận ra rằng đó là bài của Hoàng Tùng”.

Vào những thời điểm có tính bước ngoặt, nhà báo Hoàng Tùng đã đi thẳng vào những vấn đề đang còn nhiều tranh cãi, chưa ngã ngũ. Điển hình là vào năm 1979, khi nhân dân tìm cách bung ra sản xuất, trong Đảng đang le lói những ánh nắng đổi mới đầu tiên, cũng là lúc diễn ra tranh cãi gay gắt về phương thức đổi mới trong thời kỳ quá độ. Nhà báo Hoàng Tùng đã viết liền hai bài xã luận đăng trên báo Nhân Dân “Nhiệt tình cách mạng và quy luật khách quan” và “Động lực tinh thần và lợi ích vật chất” gây chấn động dư luận.

GS.TS.Tạ Ngọc Tấn – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Khi viết báo, Hoàng Tùng là một cây bút sắc sảo với lối tư duy rất riêng, không chấp nhận lối mòn, luôn hướng tới sự mới mẻ, độc đáo. Đó cũng chính là những đặc điểm làm nên phong cách chính luận Hoàng Tùng, không thể lẫn với những cây bút nổi tiếng đương thời”.

Minh mẫn, cẩn trọng tới tận cuối đời!

Cốt cách nhà báo – nhà chính trị của ông thể hiện rất rõ ngay cả khi ông đã nghỉ hưu. Sinh thời, nhà báo Trần Công Mân, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân kể: “Khi Ban Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam soạn thảo Dự thảo “Quy chế” tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí (1991), cho các nhà báo lâu năm có cống hiến vào sự nghiệp báo chí cách mạng. Sau nữa, là Dự thảo “Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam”; Hội nhà báo Việt Nam đến xin ý kiến cựu Chủ tịch Hoàng Tùng. Ông đọc rất kỹ càng rồi nói: Thời gian 25 năm… dài quá. Nên rút xuống 20 năm thôi… Các Điều nên ngắn gọn để người ta nhớ!… Vẫn chất giọng hóm hỉnh, ông nói: Ý kiến của mình là tham khảo. Quyết định là tập thể Ban Chấp hành, là Đại Hội!… Ấy là việc chung”.

Trong việc riêng, ông cũng khiến đồng nghiệp vô cùng khâm phục ông. Nhà báo Nguyễn Uyển kể lại: Năm 2003, ông được đặt bài về chân dung cố Trưởng ban Giao thông Liên lạc Trung ương – Tổng Cục trưởng Bưu điện Việt Nam đầu tiên, ông Trần Quang Bình (Nguyễn Văn Dĩ). Sau khi tìm hiểu, ông được biết ông Trần Quang Bình và nhà báo Hoàng Tùng từng là bạn tù ở Sơn La. Nhà báo Nguyễn Uyển vội vàng đến diện kiến tiền bối. Tiếp hậu bối, ông Hoàng Tùng vui vẻ: “Tốt lắm. Nguyễn Văn Dĩ là một người tù, một quan chức cao cấp, trước sau như một – một con người cộng sản, một nhân cách cao quý, trong sáng, một lối sống đạo đức”! Ấy là những lời quy nạp và rồi ông tỷ mẩn kể theo lối diễn giải, chứng minh: “Dĩ nói ít, làm nhiều; đối với công việc và đồng chí thì chu đáo từng li từng tí. Ngoài công việc của người tù thì Dĩ sửa chữa cơ khí cùng với anh em biết nghề. Dĩ để nhiều công sức dùng sắt tây làm bát, gamen cho tập thể những người tù… Anh được tập thể anh em cử làm người đứng đầu “giữ trật tự”. Tại nơi tù, anh em cử anh làm người cứu tế, chăm sóc người ốm đau… Và ông Hoàng Tùng gói lại theo cách quy nạp: Đây là trường hợp dùng người rất đúng, vì Dĩ có đầy đủ đức tính cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ lớn được giao phó…”.

Hậu thế tri ân nhà báo Hoàng Tùng.
(Ảnh nguồn internet)

“Ngày ấy, tôi thầm reo lên: Trời ơi, một nhà báo lão thành tuổi cận kề 90 mà minh mẫn đến lạ lùng. Phải chăng đức tính đẹp, phong cách đẹp “Bút sắc, lòng trong” như chữ nghĩa của nhà báo Hữu Thọ, nên quý nhân phù trợ sự minh tuệ cho đến ngày biền biệt ra đi!.. Để chúng tôi, thế hệ hậu sinh mãi mãi tôn quý, tiếc thương”, nhà báo Nguyễn Uyển thốt lên xúc động!

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024