Hoạt động xuất khẩu tìm đường vượt khó
(KDPT) – Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi thế giới đã và đang có những tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta, Việt Nam cũng vẫn đang nỗ lực chắt chiu từng cơ hội để tạo đà cho hoạt động xuất khẩu kịp thời tăng tốc trở lại.
Theo đó, Bộ Công thương đã phối hợp Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính liên tục tổ chức các buổi làm việc với các địa phương khu vực cửa khẩu để đẩy mạnh thông quan hàng hóa, giảm ùn ứ tại khu vực này. Đồng thời, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã tích cực cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động giao thương nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Theo Bộ Công thương, trong tháng 4-2020, kim ngạch xuất khẩu của khối DN trong nước ước đạt 6,35 tỷ USD, giảm 16,7% so với tháng 3-2020 và giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI cũng giảm 19,1% so với tháng 3-2020 và giảm 4,5% so với cùng kỳ, đạt 13,35 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Cao Quốc Hưng nhìn nhận, sau khi đạt mức tăng trưởng khá tích cực trong quý I năm 2020, hoạt động thương mại của Việt Nam trong tháng 4-2020 đã bắt đầu chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19.
Những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 được dự báo sẽ tác động rõ nét hơn tới hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý II năm 2020 bởi từ giữa tháng 3-2020 đến nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các thị trường đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản. Mặc dù vậy, nếu dịch bệnh được khống chế, dự kiến xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trở lại cộng với những lợi thế cạnh tranh khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.
Tháng 4 vừa qua, tin vui đến với hoạt động xuất khẩu giữa những ngày cả nước đang gồng mình chống dịch khi container sữa đặc đầu tiên của Vinamilk với thương hiệu Ông Thọ đã xuất khẩu thành công sang thị trường Trung Quốc. Đáng ghi nhận là toàn bộ quá trình trên được triển khai trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc và diễn biến phức tạp tại Việt Nam với các biện pháp mạnh mẽ về giãn cách xã hội và kiểm tra nghiêm ngặt hàng hóa xuất nhập khẩu của cả hai nước.
Theo các chuyên gia, ở một góc độ khác, dịch bệnh là cơ hội để tái cơ cấu, tìm ra các cách làm mới, hiệu quả hơn để duy trì hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, thế mạnh của nước ta là nông thủy sản, mặt hàng được nhận định là vẫn có nhu cầu trong dịch bệnh và thậm chí, nhu cầu sẽ tăng cao khi dịch bệnh được khống chế.
Do đó, trong 3 tháng đầu năm 2020, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm 4,3%, song mức giảm này không quá lớn nếu so với nhiều ngành hàng khác. Chưa kể, theo nhận định của Bộ Công thương, trong thời gian vừa qua, các DN và người nông dân đã kịp thời thay đổi mô hình sản xuất, kịp thời thích ứng với kinh doanh trong tình hình mới.
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, ông Cao Quốc Hưng cho rằng, cần tập trung bám sát diễn biến, tình hình, tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra.
Theo đó, Bộ Công thương thúc đẩy sản xuất công nghiệp. Khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày. Tăng cường sản xuất, kết nối với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa. Bên cạnh đó, thu hút các dự án dệt nhuộm lớn để sản xuất sợi, vải đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất nhập khẩu đối với thị trường Trung Quốc và khẩn trương cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý. Tận dụng triệt để các FTA đã ký kết và có hiệu lực, trong đó có CPTPP đã được đưa vào thực thi và EVFTA sắp được phê chuẩn và có hiệu lực để thúc đẩy xuất khẩu.
Đặc biệt, chuẩn bị các kịch bản và phương án để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu sang thị trường EU ngay khi kết thúc dịch bệnh, có tính đến việc tận dụng Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu và khôi phục thị trường. Đẩy mạnh đơn giản hóa và điện tử hóa các thủ tục hành chính, thủ tục hải quan để tạo thuận lợi cho DN; áp dụng thương mại điện tử, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa trên môi trường mạng…
Theo Nguyễn Đăng/phapluatxahoi.vn
Bạn đang đọc bài viết Hoạt động xuất khẩu tìm đường vượt khó tại chuyên mục Nhịp Thị trường
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
0369452904 – 0977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]