Hội nhập kinh tế ASEAN nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Những kết quả đạt được từ Hội nghị
Kết quả quan trọng nhất đạt được tại Hội nghị AEM 52 lần này đối với Việt Nam là việc các Bộ trưởng thống nhất tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến, ưu tiên kinh tế do Việt Nam đưa ra cho năm Chủ tịch, mặc dù các nước ASEAN đang phải đối mặt với các thách thức to lớn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Cụ thể, 02 sáng kiến đã được hoàn tất, gồm sáng kiến về “Chỉ số Hội nhập số ASEAN” và “Tài liệu tham chiếu về Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN”. 11 sáng kiến còn lại vẫn đang được ASEAN nỗ lực triển khai theo đúng lộ trình, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Các nước ASEAN đã thống nhất hướng xử lý vấn đề thông qua biểu thuế nhập khẩu thực hiện Hiệp định ATIGA chuyển đổi từ Danh mục hàng hóa ASEAN (AHTN) bản 2012 sang bản 2017 của Việt Nam; hoàn thành thủ tục chuẩn bị ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đối với chứng nhận kiểu loại cho sản phẩm xe cơ giới trong ASEAN (APMRA); thống nhất thực thi cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN (AWSC) từ ngày 20/9/2020. Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam và các nước ASEAN trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại nội khối.
ASEAN tiếp tục thảo luận và tìm ra các giải pháp nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đặc biệt là việc đánh giá giữa kỳ để có thể điều chỉnh Kế hoạch tổng thể năm 2025 phù hợp với bối cảnh mới trong khu vực cũng như giúp ASEAN vượt qua các thách thức trên quy mô toàn cầu. Mục tiêu của việc thảo luận là đưa ra các giải pháp tổng thể, giúp ASEAN trở thành một không gian kinh tế rộng lớn hơn, quy mô hơn, mang tính gắn kết chặt chẽ và đủ vững mạnh làm điểm tựa cho các nước ASEAN sở hữu vị thế cạnh tranh thuận lợi so với các nền kinh tế trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt là việc tận dụng một cách hiệu quả các ưu thế của các thành viên ASEAN, tận dụng các cơ hội thời cơ trong quá trình hội nhập với các khu vực khác trên thế giới.
Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng cũng thảo luận định hướng xây dựng Kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế ASEAN cho giai đoạn sau đại dịch.
Về các chính sách đối ngoại, ASEAN thống nhất định hướng ưu tiên cho việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vưc (Hiệp định RCEP) vào cuối năm nay, mặt khác có những trao đổi sơ bộ để rà soát, tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác khác như Úc, New Zeland, Canada, hoặc với cả những đối tác tiềm năng trong tương lai như Vương quốc Anh. Ngoài ra, tại Hội nghị này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các nước đối tác đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch Covid-19 và Sáng kiến chung giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.
Các Bộ trưởng ASEAN nhất trí việc cần duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trưởng trong thương mại và đầu tư, kiềm chế áp dụng các biện pháp gây hạn chế không cần thiết đối với thương mại, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm ổn định sản xuất, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, xây dựng kế hoạch hồi phục sau đại dịch.
Vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN và quốc tế
Tại buổi họp báo công bố về những kết quả đạt được của Hội nghị lần này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Quá trình Việt Nam tham gia hội nhập vào nền kinh tế ASEAN là một bước đi vô cùng thiết yếu và là một trong những bước đi đầu tiên trong hội nhập. Thực tế đã chứng minh rằng chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực từ những bước đi đầu tiên này. Trong giai đoạn đầu tính từ thời điểm năm 1995 khi chúng ta lần đầu tham gia vào khối kinh tế ASEAN, quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước trong nền kinh tế ASEAN vẫn còn ở con số khiêm tốn là 5,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, tính đến năm 2019, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội và có thể nói là “thần kỳ” khi kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khối ASEAN đã đạt hơn 57 tỷ USD. Đây có thể nói là một cuộc hội nhập thành công, góp phần nâng cao vị thế của Việt nam so với các nước trong khu vực. Quan trọng hơn nó góp phần cải thiện về cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Thông qua kết quả này, đã giúp cho hệ thống chính trị, các doanh nghiệp cũng như người dân nâng cao được nhận thức về bản chất của quá trình hội nhập, những cơ hội cũng như những thách thức khi tham gia hội nhập. Một ví dụ cụ thể là thông qua quá trình này hệ thống tổ chức hành chính, thể chế pháp lý của chúng ta đã có những thay đổi đáng kể theo hướng hiện đại, văn mình và phù hợp với hệ thống chuẩn mực quốc tế, góp phần thu hút các nhà đầu tư, thu hút các ứng dụng khoa học công nghệ mới và hình thành nên những nền tảng cơ bản ban đầu của nền kinh tế thị trường.
Đây cũng là cơ sở quan trọng để chúng ta tiếp cận và ký kết thêm các hiệp định thương mại mới như EVFTA, CPTPP.. và tăng cường thêm mối quan hệ đối tác với các quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zeland,…
Trả lời câu hỏi của phóng viên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) về triển vọng hợp tác giữa các nước ASEAN nói chung và hợp tác giữa Việt Nam nói riêng đối với nền kinh tế Trung Quốc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: mối quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc là một mối quan hệ nền tảng rất quan trọng đối với cả hai bên. Tổng kim ngạch thương mại năm 2019 giữa khối ASEAN và Trung Quốc đạt 507,9 tỷ USD chiếm 18% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào thị trường ASEAN 9,1 ngàn tỷ USD chiếm 5,7% tổng giá trị FDI vào ASEAN.
Tuy nhiên điều quan trọng không chỉ nằn ở các con số mà hơn thế nữa nó tạo ra một nền tẳng vững chắc trên mọi phương diện, từ các kênh chính trị, thương mại cho đến các lĩnh vực khác liên quan trên nhiều cấp độ. Thông qua cơ chế đối thoại và hợp tác song phương, hai bên đã có những kế hoạch mang tính chất dài hạn để tiếp tục thúc đẩy giao thương và hợp tác trong khu vực. ASEAN đánh giá rất cao vai trò quan trọng của Trung Quốc đối với nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, đồng thời cho rằng hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc là điều rất cần thiết không chỉ cho ASEAN mà còn cho toàn cầu. Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục những nỗ lực chung để thực thi những cam kết mà hai bên đã đề ra.
Có thể nói, từ những bước đi đầu tiên khi tham gia quá trình hội nhập nền kinh tế ASEAN do yêu cầu thúc bách, cho đến nay Việt Nam đã trở thành một quốc gia tham gia một cách chủ động và trở thành một trong những quốc gia đóng vai trò dẫn dắt quá trình hội nhập nền kinh tế quốc tế cho các nước ASEAN, đóng góp đáng kể cho hệ thống thương mại đa phương theo luật lệ toàn cầu. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi nó trở thành công cụ bảo vệ lợi ích cho các nước đang phát triển và cho các quốc gia đang ở trình độ thấp trong quá trình hội nhập.
Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại gay gắt với sự tham dự của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, với những kết quả đạt được trong thời gian qua, Việt Nam có cơ sở để tự tin rằng quá trình hội nhập với nền kinh tế ASEAN đã thành công và giúp cho chúng ta có thêm được tiền đề hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Hội nhập với nền kinh tế ASEAN không chỉ giúp chúng ta mang lại lợi thế thương mại mà nó còn giúp Việt Nam nâng cao vị thế và sự ảnh hưởng của mình đối với các nước trong khu vực và trên thế giới.
TRƯỜNG MINH