Khẩu vị của các quỹ đầu tư với AI và Blockchain đang thay đổi ra sao?
Mùa đông gọi vốn chưa chấm dứt
“Mùa đông gọi vốn” vẫn chưa chấm dứt và Việt Nam cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng. Theo báo cáo do Enterprise Singapore và DealStreetAsia thực hiện mới đây, số vốn các startup tại Việt Nam gọi được đang có xu hướng giảm trong năm qua.
Năm 2023, các startup chỉ nhận được 510 triệu USD vốn đầu tư, thấp hơn so với mức 700 triệu USD hồi 2022. Thị trường có 54 thương vụ rót vốn, giảm hơn 34%.
Đối với lĩnh vực Fintech, nguồn vốn tài trợ cũng sụt giảm mạnh. Nền tảng dữ liệu Tracxn cho biết thêm nguồn tài trợ của quý I/2024 giảm 44% so với mức 939 triệu USD huy động được trong quý trước đó.
Ngoài ra, khoản đầu tư ở giai đoạn hạt giống trong quý đầu tiên của năm 2024 cũng chỉ đạt 19,4 triệu USD, giảm 27% so với 26,5 triệu USD huy động được trong quý trước.
Báo cáo của Tracxn cho biết, thị trường fintech Đông Nam Á không ghi nhận thêm bất kỳ kỳ lân nào trong quý I/2024. Hệ sinh thái khởi nghiệp fintech Đông Nam Á không có đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) nào trong 3 tháng đầu năm 2024. Tuy vậy, số thương vụ mua lại đã tăng lên 10 thương vụ trong quý đầu tiên năm 2024.
Dù mức đầu tư ở giai đoạn hạt giống ít ỏi nhưng một thông tin tích cực là các khoản đầu tư giai đoạn đầu đã tăng trong quý I/2024, tăng 114% lên 240 triệu USD, so với 112 triệu USD huy động được trong quý đầu tiên năm 2023.
Các lĩnh vực được tài trợ nhiều nhất trong quý I/2024 là công nghệ ngân hàng, tiền điện tử và cho vay thay thế. Các công ty công nghệ ngân hàng đã thu về khoản tài trợ 180 triệu USD trong quý đầu tiên năm 2024; tiền điện tử đã thu hút các khoản đầu tư trị giá 91,9 triệu USD trong quý đầu tiên năm 2024, tăng đột biến 138% và 246% so với quý I/2023 và quý IV/2023.
Khẩu vị của các nhà đầu tư đang thay đổi
Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Xúc tiến Đầu tư Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, ông là người “cầm tiền đi đầu tư lẫn người đi xin tiền” nên tiếp xúc với các quỹ đầu tư khá nhiều. Thời gian vừa qua các quỹ đầu tư đã giải ngân hết và thậm chí họ cũng đang cần gọi thêm vốn mới. Trong khi đó, thị trường vẫn đang còn khá khó khăn.
“Người đi xin tiền thì nhiều chứ người có tiền rất ít. Tuy nhiên, vào tháng 1/2024 vừa rồi thị trường ấm lên, các quỹ đầu tư có tiền nhưng họ vẫn đang có sự dè dặt”, ông Hưng nêu.
Theo ông Hưng, điều này khác với thời kỳ 2021 khi gọi vốn khá dễ dàng từ 3-5 triệu USD, chỉ cần ý tưởng, nhất là với làn sóng gamefi (trò chơi kết hợp yếu tố tài chính), nhưng thời điểm hiện nay, nhà đầu tư quan tâm đến rất nhiều vấn đề như đã có sản phẩm chưa, có người dùng thế nào, định giá ra sao… Thời điểm này họ hiểu rằng chưa có gì phải vội, không đầu tư bây giờ thì tháng sau dự án vẫn ở đó, chứ không mất đi đâu cả.
Ông Hưng cho biết các nhà đầu tư đang kỹ tính hơn và họ muốn sản phẩm phải viral, dùng ít tiền marketing nhưng người dùng phải tự đến. Ví dụ như Yahoo thời kỳ trước hoặc Zoom ở thời điểm hiện nay chẳng hạn.
“Nhiều startup có ý tưởng, nhưng vì quá tập trung vào ý tưởng của mình thì không đủ. Mình có cái búa thì nghĩ cái búa đóng được đinh, đập được đá…, nhưng không đặt câu hỏi ai là người cần đóng đinh, ai cần đập đá. Tư duy như vậy là… hơi ngược, mà cần phải giải quyết vấn đề của thị trường, có ai chịu trả tiền cho mình hay không”, ông Hưng nêu.
Theo ông Hưng, Blockchain và AI đang có sự kết hợp khá thú vị. "Không còn gì nghi ngờ, đây là kỷ nguyên của AI, đặc biệt sau khi ChatGPT ra đời thì thế giới đang ngày càng phải choáng ngợp với AI. Thậm chí có dự án đã gọi vốn được tới 120 triệu USD - một con số rất lớn ở bối cảnh thị trường hiện nay".
Tóm lại, ông Hưng cho rằng, “startup phải cho nhà đầu tư thấy sản phẩm của tôi đang kiếm ra tiền đây, mô hình kinh doanh đã được chứng minh rồi và nếu được đầu tư thì nó sẽ kiếm ra nhiều tiền hơn nữa”, ông Hưng nói.
Ông Cris D.Trần - Giám đốc phát triển The Sandbox cũng đồng tình với góc nhìn của ông Hưng. Về xu hướng đầu tư, ông cho rằng khoảng 6 tháng trở lại đây, các quỹ đầu tư của Mỹ họ quan tâm nhiều đến các dự án AI - tương tự như sự tập trung cho gamefi vào 2021.
“Các nền kinh tế lớn cũng đang “te tua” nên việc có thể đầu tư rót số vốn vài trăm triệu USD ở thời điểm hiện nay là không đơn giản”, ông nói.
Ở góc nhìn chung của quỹ đầu tư, bà Hoàng Thị Kim Dung - Giám đốc quốc gia Genesia Ventures Việt Nam cho hay, có hai kênh huy động dòng tiền cho doanh nghiệp, đó là vốn góp và nợ vay.
Trong đó, vốn góp có được từ việc huy động vốn của các nhà đầu tư. Dòng tiền này cần được chi tiêu cho các hoạt động mang tính chiến lược, đem lại kết quả kinh doanh, tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp. Còn nợ vay sẽ chi cho các hoạt động cố định như mua hàng, thuê văn phòng, lương nhân viên...
“Nếu nhầm lẫn trong sử dụng 2 dòng tiền này có thể startup sẽ gặp khủng hoảng, mất thanh khoản và dẫn tới phá sản. Doanh nghiệp khởi nghiệp cần nhạy bén để tìm được kênh nợ vay với chi phí rẻ nhất có thể”, bà Dung nói.
Với tư cách đi tìm startup tiềm năng để đầu tư, bà Dung cho biết, với startup ở giai đoạn sớm, điều quan trọng là năng lực của nhà sáng lập có thể đưa startup đi xa tới đâu. Tiếp theo là quy mô tiềm năng của startup đó trong thị trường mục tiêu.
"Tôi muốn được nhìn thấy một bản kế hoạch tài chính có chiều sâu, thể hiện được tư duy kinh doanh nhạy bén, có tầm nhìn của nhà sáng lập cũng như quá trình phát triển của startup theo thời gian thực tế", bà Dung nói./.
- Yếu tố nào giúp startup Việt đón nguồn vốn hàng tỷ USD từ các “ông lớn” công nghệ?
- Áp lực tài chính đè nặng lên các startup AI
- Startup Châu Á - Thái Bình Dương “lạc quan” việc giảm nguồn vốn đầu tư mạo hiểm