Trên thực tế tình trạng chậm thanh toán lãi và gốc trái phiếu đã diễn ra phổ biến trong nửa năm qua. Vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố tới 54 doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi trái phiếu trong giai đoạn từ 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023. Sau đó, tiếp tục ghi nhận thông tin nhiều doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trái phiếu đã phát hành như Công ty Nice Star, Lavida Invest, Fuji Nutri Food hay Công ty BĐS Phú Gia.

Có thể thấy, làn sóng doanh nghiệp bất động sản mất thanh khoản, không còn khả năng trả nợ đang lan rộng. Trong khi đây là nhóm phát hành trái phiếu doanh nghiệp tích cực nhất trong những năm trước và các ngân hàng đang nắm giữ hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản bên cạnh các khoản vay kinh doanh bất động sản thông thường.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Khối phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, ngay từ đầu năm 2023, nhóm phân tích nhận thấy ngày càng gia tăng doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong nghĩa vụ thanh toán nợ và đối diện nguy cơ mất khả năng thanh khoản, trong bối cảnh hoạt động tái cơ cấu nợ, tiếp cận nguồn vốn khó khăn và bán hàng ảm đạm.

“Chúng tôi ước tính khoảng 37.642 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn trong quý II/2023 và 65.905 tỷ đồng trong nửa cuối 2023”, bà Tú nói.

Tại hội nghị về tín dụng bất động sản với Ngân hàng Nhà nước giữa tháng 2 vừa qua, nhiều doanh nghiệp cảnh báo về nguy cơ nhảy nhóm nợ, nợ xấu gia tăng, nếu không được ngành ngân hàng cơ cấu nợ, giãn nợ.

“Dù chưa bị nhảy nhóm nợ, nhưng nếu tình hình không có gì chuyển biến, thì khả năng nhảy nhóm nợ rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu nợ, tránh tình trạng nhảy nhóm nợ”, ông Lê Trọng Khương, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land chia sẻ.

Đây cũng chính là kiến nghị của Novaland. Thậm chí, Novaland còn xin giãn nợ, cơ cấu nợ lên tới 36 tháng bởi biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến niềm tin của nhà đầu tư bị khủng hoảng nặng nề.

Trong khi đó, theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, giai đoạn năm 2011 - 2013, khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, nợ xấu đã trở thành “cục máu đông” của hệ thống ngân hàng cũng như toàn nền kinh tế. Ở giai đoạn hiện tại, nhiều doanh nghiệp bị hụt hẫng trong huy động vốn bởi khó tiếp cận tín dụng ngân hàng và khó phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Khi nợ xấu bất động sản kéo dài đương nhiên cũng sẽ ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng, ngành nghề khác. Thực tế là hiện nhiều doanh nghiệp phát hành kẹt vốn trong các dự án bất động sản dang dở, không có vốn để tiếp tục triển khai, sản phẩm chưa có để bán, thu hồi vốn trả nợ.

Chính vì vậy, sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu theo hướng cho phép giãn thời gian 1 năm đối với việc xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp; giãn thời gian 1 năm đối với việc xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây được kéo dài kỳ hạn thanh toán sẽ giúp doanh nghiệp phát hành có thêm thời gian xoay xở dòng tiền.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể xem xét để giảm bớt tỷ lệ an toàn khi cho vay bất động sản và dành ưu đãi cho những doanh nghiệp có dự án, pháp lý đầy đủ nhằm hỗ trợ một phần cho các doanh nghiệp này. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có vốn tín dụng để triển khai tiếp chứ không thể nào cào bằng tất cả doanh nghiệp. Ở góc độ khác, Ngân hàng Nhà nước cũng không có thẩm quyền để đáp ứng giải pháp do các doanh nghiệp bất động sản đưa ra như cơ cấu nợ, giãn nợ trong nhiều tháng hay giảm lãi suất cho khoản vay bất động sản…