Khoa học với mùa xuân
Thay đổi để bứt phá
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước. Có Đất và có Nước thì dân giàu nước mạnh. Nước có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại. Nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì khô hạn. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho Đất – Nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp cấp thoát nước đã rất chú trọng đến việc phát triển và ứng dụng KH&CN vào thực tế sản xuất. Tuy nhiên, từ mô hình đến thực thi vẫn song hành thách thức và cơ hội.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ liên tục được đổi mới, nhận thức của các cấp, các ngành đối với KH&CN có chuyển biến rõ rệt, phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN từ bao cấp, “xin – cho” sang một cơ chế mới “tuyển chọn” minh bạch, công khai, dân chủ do vậy đã tạo được không khí đổi mới và môi trường cạnh tranh lành mạnh đối với các chủ thể tham gia hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, cũng phải nói các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vẫn còn có nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Một trong những nguyên nhân cơ chế chính sách liên quan đến việc thực hiện cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm, nhất là cơ chế tự chủ về tài chính, còn thiếu động bộ, chưa tạo được động lực thúc đẩy hoạt động các tổ chức KH&CN. Vì vậy, thời gian tới cần đồng bộ chính sách liên quan đến việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Do vậy, để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch an toàn, liên tục cho người dân và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; chủ động ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu, cần tập trung nghiên cứu, đổi mới mô hình đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong quản lý, vận hành, giám sát hệ thống sản xuất, truyền tải, cung cấp nước sạch. Đồng thời, bảo đảm chất lượng, an toàn, giảm tỷ lệ thất thoát nước và đáp ứng các yêu cầu về xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị trong xu hướng phát triển đô thị thông minh, đô thị sinh thái và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Có thể nhận định, KH&CN là con đường ngắn nhất để thay đổi, cải thiện tình hình, thậm chí để bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp cấp, thoát nước. Các hoạt động KH&CN này đã thực sự mang lại hiệu quả sản xuất và kinh doanh, cho doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng cả trước mắt cũng như lâu dài.
Để khoa học được “chắp cánh”
Luật KH&CN xác định rõ cơ chế đặt hàng và trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành, tổ chức khi đặt ra nhiệm vụ KH&CN cũng như trách nhiệm của nhà khoa học khi nhận đặt hàng sẽ góp phần giải quyết không ít vướng mắc hiện nay. Theo cơ chế này, bên đặt hàng phải bảo đảm mọi cam kết của mình với bên nhận đặt hàng như cung cấp phương tiện, kinh phí đầy đủ kịp thời để bên nhận đặt hàng thực hiện. Bên nhận đặt hàng phải bàn giao kết quả đúng quy định. Nếu đáp ứng được những yêu cầu này thì các tổ chức nghiên cứu KH&CN mới tồn tại, phát triển và ngược lại nếu không đáp ứng sẽ bị đào thải.
Thực tế cho thấy, để những công trình, nghiên cứu khoa học được ứng dụng đúng, sớm và đạt hiệu quả cao, các tổ chức KH&CN cần chuyển đổi sang thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, từ đó góp phần tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của tổ chức cũng như của thủ trưởng các tổ chức đó, tạo điều kiện gắn nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và đào tạo nhân lực, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa các hoạt động KH&CN.
Trước thềm Xuân mới 2022, tôi hy vọng rằng, vượt qua những thăng trầm, khó khăn, thử thách, các nhà khoa học, các chuyên gia sẽ có những thành công mới, để nhiều công trình ứng dụng vào thực tiễn, đồng hành cùng với sự phát triển và lớn mạnh, cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
GS.TS Trần Đức Hạ là giảng viên cao cấp, tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường. Hơn 45 năm công tác, GS.TS Trần Đức Hạ đã thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, tham gia viết 27 đầu sách liên quan đến công tác đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học, tư vấn thiết kế và lập dự án các công trình cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải và bảo vệ môi trường.
GS.TS Trần Đức Hạ
Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường