Khoan thư sức dân
Ngẫm chuyện xưa…
Tư tưởng khoan thư sức dân được biết đến rộng rãi nhất qua Thánh tướng Trần Hưng Đạo.
Nhân dân lập đền tôn thờ ông khắp cả nước vì ngưỡng mộ Trần Hưng Đạo một tấm lòng tận tụy suốt đời đối với đất nước; sáng ngời tinh thần yêu nước, thương dân. Cho đến trước khi mất, ông vẫn còn dặn vua Trần Anh Tông: “Phải nới sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc!”. Một vị tướng lẫy lừng, đã chiến thắng quân Nguyên – Mông, đã từng “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”. Vậy mà khi hòa bình trở lại, vị tướng đó vẫn nghĩ tới phương cách sao cho đất nước được hưng thịnh, nhân dân được ấm no.
Cách đây hơn nửa thiên niên kỷ, Trần Hưng Đạo đã có tư tưởng như vậy. Đến thời đại ngày nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nâng tầm hai chữ “nhân dân” lên một nấc cao mới. Người viết trong báo cáo trước Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa II: “Bảo vệ và phát triển việc sản xuất, thực hành tiết kiệm phải nhằm vào giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân và cải thiện đời sống của nhân dân”. Trong bản Di chúc được sửa vào tháng 5-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý đề nghị Đảng và Chính phủ “… miễn thuế nông nghiệp 01 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn suy nghĩ, trăn trở về cái ngày mà Người “sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin” và mong muốn làm sao đừng gây phiền hà, tốn kém cho Nhân dân: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên phúng điếu linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của dân”.
Người lại nói “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu cũng mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống nhân dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới… hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”.
… Tới chuyện nay
Vậy, sự kết nối của tư tưởng Trần Hưng Đạo tới tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Không có gì khác ngoài hai chữ “nhân dân”. Dân làm chủ, dân là gốc, là “nước đẩy thuyền”. Suy cho cùng, ở bất kỳ chế độ nào, thời đại nào, mọi hành động của nhà nước đều phải hướng tới lợi ích thực tế của người dân.
Ngày hôm qua, UBND Tp Hồ Chí Minh đã có góp ý cho “Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước”. Đáng chú ý, trong bản góp ý này, Tp Hồ Chí Minh cho rằng cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng điện thoại di động. Theo lý giải của địa phương này, việc đưa điện thoại di động vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý. Bên cạnh đó, điện thoại di động là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.
Ngay lập tức, hầu hết người dân và chuyên gia đều tỏ ra… bất ngờ và phản đối. Thậm chí một chuyên gia kinh tế còn bức xúc cho rằng góp ý này là “không chấp nhận được”. Trên thực tế, thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu, thu trực tiếp vào hành vi sản xuất, nhập khẩu các loại hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và hành vi kinh doanh các dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là những hàng hóa, dịch vụ không thật sự cần thiết cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của con người và có những tác hại nhất định đến người sử dụng, môi trường, xã hội.
Rõ ràng đã có sự mâu thuẫn rất lớn giữa khái niệm thuế tiêu thụ đặc biệt với góp ý của Tp Hồ Chí Minh. Điện thoại di động là phương tiện liên lạc thiết yếu đối với người dân trong thời buổi hiện nay. Vậy mà thành phố lại cho rằng áp thuế với loại sản phẩm này “để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên”. Một sự vô lý, thậm chí là vô cảm đối với người dân. Bởi theo thống kê, hiện GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ ở mốc 2.500 USD. Nghĩa là còn thua kém xa so với một số nước trong khu vực và ở mức “chưa thấm vào đâu” so với các nước phát triển như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói hồi đầu năm.
Khi người dân mới bắt đầu “khấm khá” hơn một chút thì cơ quan quản lý lại “nhăm nhe” tận thu. Đó là việc trái ngược hoàn toàn với tư tưởng khoan thư sức dân mà tiền nhân đã làm. Nó cũng trái với mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời, là “hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”. Rõ ràng việc sở hữu một chiếc điện thoại di động cũng đã nằm trong cụm từ “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần”. Hãy tưởng tượng một ngày chiếc điện thoại mơ ước được đánh thuế tiêu thụ đặc biệt gấp đôi, đồng nghĩa là giá của nó cũng tăng tương xứng, chắc chắn ước mơ vẫn mãi là ước mơ.
Nhưng đó vẫn chưa hết, còn nhiều điều khiến cho “thêm nặng sức dân” hơn nữa. Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm nay, giá xăng, dầu đã có 4 lần tăng. Với xăng RON 95, mức giá sau khi điều chỉnh tăng vào ngày 2/5 so với ngày 1/1/2109 đã cao thêm 4.590 đồng. Xăng RON 92 có mức tăng 4.410 đồng. Xăng tăng đã vậy, “ông điện” cũng không hề kém cạnh khi được nâng mức bán lên 8,3%. Như vậy hai mặt hàng thiết yếu là xăng và điện đã “song kiếm hợp bích” làm điêu đứng túi tiền của người dân và doanh nghiệp. Lạ mà không lạ khi bị “truy” lý do cho việc tăng giá, cả hai đều có những lý do “rất hợp lý”. Hợp lý là bởi, với xăng, Bộ Công thương cho rằng các doanh nghiệp đang lỗ, rồi giá xăng dầu thế giới tăng cao… Với điện thì còn “hợp lý” hơn khi lãnh đạo EVN cho rằng nếu không tăng giá điện thì cơ quan này sẽ phá sản! Tuy nhiên trên thực tế, lâu nay, điều hành giá điện luôn gây tranh cãi, bất bình khi mà mọi thứ thua lỗ, yếu kém của ngành điện khi đầu tư ngoài ngành, các khoản chi phí vô lý khác…đều được tính vào giá bán điện cho dân.
Thực tế cho thấy, khi xăng dầu, điện tăng giá sẽ tác động trực tiếp lên hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh, theo đó giá sản phẩm, dịch vụ cũng đồng loạt tăng theo. Và, gánh nặng chí phí rồi sẽ đè lên vai người dân và doanh nghiệp.
Khi gánh nặng đè lên vai người dân, doanh nghiệp ngày càng lớn, rõ ràng không thể phát huy hết các nguồn lực của xã hội để đưa kinh tế phát triển theo đúng trình tự. Có lẽ, thay vì chỉ tìm cách tăng và tăng giá, tăng thuế, nhà nước cần nhìn nhận lại một cách thấu đáo cách điều hành của mình. Thay vì đè nặng, hãy khoan thư sức dân. Có như thế mới tạo được “kế sâu rễ, bền gốc”.
Duy Khánh