ISSN-2815-5823

Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến dịp Tết Nguyên đán

(KDPT) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cấp có thẩm quyền các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc họp cuối năm của Ban Chỉ đạo, tổ chức ngày 28/12.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng nhu cầu đi lại của bà con tăng cao để tăng giá vé bất hợp lý, sai quy định của pháp luật. Ảnh VGP/Quang Thương
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận cặn kẽ, rút ra các bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho công tác quản lý điều hành giá năm 2023.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, năm 2022 tình hình thế giới diễn biến rất nhanh và phức tạp, tác động rất lớn tới các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã làm giá xăng dầu tăng cao, đứt gẫy nguồn cung một số mặt hàng chiến lược, nguyên vật liệu cho sản xuất, ảnh hưởng tới lạm phát, giá cả các mặt hàng thiết yếu,...

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá, sự vào cuộc nghiêm túc, đồng bộ của các bộ ngành, địa phương, đến thời điểm hiện tại cơ bản chúng ta đã kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra, qua đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn,… đó thành công lớn!

Trên cơ sở báo cáo trung tâm của Bộ Tài chính – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận cặn kẽ, rút ra các bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho công tác quản lý điều hành giá năm 2023.

Từ thực tiễn, kết quả công tác điều hành giá, báo cáo đã nêu 4 bài học kinh nghiệm chính cho việc đề ra những định hướng về quản lý, điều hành giá trong thời gian tới.

Thứ nhất, công tác quản lý, điều hành giá vẫn có vai trò vô cùng quan trọng trong điều tiết kinh tế vĩ mô của nước ta và cần phải tiếp tục được củng cố, hoàn thiện. Việc triển khai cần tiếp tục thực hiện nhất quán nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần luôn chú trọng đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như điện, xăng dầu… là các mặt hàng có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Thứ hai, công tác quản lý, điều hành giá cần đặt ra mục tiêu tiên quyết là hoàn thiện thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật về giá nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước, đảm bảo tính thực thi, đầy đủ công cụ pháp lý trong các trường hợp cần thiết.

Thứ ba, để công tác quản lý, điều hành giá có tính hiệu lực, hiệu quả cao, cần tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò, chức năng nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo điều hành giá; đồng thời đề cao tính chủ động trong phối hợp giữa các bộ ngành nhằm thực hiện tốt các phương hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Thứ tư, công tác thống kê, tổng hợp, phân tích, dự báo là công cụ quan trọng, đắc lực nhất cho việc hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô trong đó có chính sách về quản lý, điều hành giá.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả công tác điều hành giá đã đạt được trong năm 2022. Nhấn mạnh đây là kết quả của một loạt giải pháp đồng bộ, tổng thể cả về chính sách tài khóa, tiền tệ, cân đối cung cầu,… sự vào cuộc quyết liệt, chủ động, linh hoạt, kịp thời của cả hệ thống.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý điều hành giá năm 2022 vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục như: Còn xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ tại một số địa phương; một số nội dung vẫn "còn nợ" do cơ quan chủ quản chưa thực sự chủ động; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành có lúc, có nơi còn chuệch choạc; một số thời điểm, một số vấn đề phát sinh nhưng thông tin, truyền thông chưa kịp thời…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc điều hành giá phải theo sát thị trường, nắm bắt nhanh nhạy, sát thực tiễn, đo được phản ứng của dư luận,… để đưa ra các giải pháp chính xác, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của đất nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp; tổ chức thông tin, truyền thông chính xác, trung thực, kịp thời.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Sang năm 2023, một số sắc thuế sẽ hết hiệu lực; giữa năm tăng lương cơ sở; chúng ta cũng sẽ khởi công một loạt dự án lớn; việc Trung Quốc nới lỏng chính sách chống dịch COVID-19,… giá cả một số mặt hàng có thể sẽ tăng lên, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu… sẽ tác động đến trong nước, trong đó có công tác điều hành giá…

Trên cơ sở dự báo tình hình quốc tế, trong nước, Quốc hội đã xác định chỉ tiêu lạm phát năm 2023 khoảng 4,5%, theo đó áp lực đối với Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ không đơn giản. Vì vậy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được cũng như những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành giá để thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra.

Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về việc Tổ chức Tết Quý Mão 2023 và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tế Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Trong đó, cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cấp có thẩm quyền các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng nhu cầu đi lại của bà con tăng cao để tăng giá vé bất hợp lý, sai quy định của pháp luật. Ảnh VGP/Quang Thương
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng nhu cầu đi lại của bà con tăng cao để tăng giá vé bất hợp lý, sai quy định của pháp luật. Ảnh VGP/Quang Thương

Lưu ý Bộ Giao thông vận tải về công tác quản lý dịch vụ vận tải hành khách dịp Tết Nguyên đán, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, nhất là người lao động xa nhà về quê ăn tết, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc kê khai niêm yết giá và bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng nhu cầu đi lại của bà con tăng cao trong dịp tết để tăng giá vé bất hợp lý, sai quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính kịp thời đề xuất việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt tại các địa bàn xảy ra thiên tai, bão lũ… không để nhân dân thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.

Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính rà soát lại các sắc thuế sắp hết hiệu lực để tham mưu giải pháp phù hợp cho cấp có thẩm quyền quyết định sớm.

Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đối với những mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, các bộ ngành, địa phương theo dõi sát thực tế, chủ động tính toán, đánh giá tác động cặn kẽ, chuẩn bị các phương án để đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định vào thời điểm phù hợp, bảo đảm hiệu quả, lâu dài, bền vững.

Đối với các mặt hàng cụ thể, các bộ ngành, địa phương tổ chức, theo dõi sát tình hình cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Chủ động dự báo và có phương án đảm bảo cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như: Xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải,…

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá, nhất là khi có các biến động bất thường về giá cả những mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống của người dân.

Cơ quan thường trực và thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, sát sao với công việc, tiếp tục tham mưu, đề xuất cho Ban Chỉ đạo tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các giải pháp quản lý, điều hành giá hiệu quả, sát với tình hình góp phần thực hiện thành công các mục tiêu KTXH đã đề ra trong năm 2023.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/12/2024