ISSN-2815-5823
Thứ năm, 03h58 09/08/2018

Không phải cứ “lớn” là… “khôn”

(KDPT) – Câu chuyện Ba Huân phải cầu cứu lãnh đạo Chính phủ để được “thoát” ra khỏi VinaCaptital cho thấy có những mối quan hệ giữa các công ty trong nước với các công ty nước ngoài, tưởng chừng như sẽ có một “cái kết đẹp” nhưng cuối cùng lại nhận về đắng cay. Đó cũng là bài học cho những doanh nghiệp Việt trong tiến trình hội nhập hiện nay.

Đứt gánh giữa đường

Để bắt đầu, hãy điểm qua thương vụ của VinaCapital và Công ty Ba Huân. Hồi cuối tháng 2/2018, Vietnam Opportunity Fund, đơn vị chủ quản của VinaCapital thông báo trên Sở Giao dịch Chứng khoán London về việc hoàn tất thương vụ đầu tư 32,5 triệu USD vào Công ty cổ phần Ba Huân. VOF dự kiến đầu tư một khoản vốn bổ sung trong vòng 12 tháng tới nếu doanh nghiệp này hoàn thành những mốc quan trọng mà hai bên thoả thuận.

Tưởng chừng mọi chuyện êm trôi, VinaCapital và Ba Huân sẽ có màn “song kiếm hợp bích” đẹp mắt, nhưng chỉ trong vòng 6 tháng, đôi bên đã “đường ai nấy đi.

Mới đây Quỹ đầu tư VinaCapital đã phát đi thông báo về hướng xử lý của doanh nghiệp sau khi Công ty cổ phần Ba Huân gửi đơn lên Thủ tướng tố cáo bị VinaCapital chiếm đoạt thương hiệu, chiếm quyền quản lý và điều hành công ty.

Thông báo của quỹ đầu tư này nêu rõ, khi quyết định đầu tư vào Công ty Cổ phần Ba Huân, VinaCapital tin doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt với tiềm năng phát triển mạnh. Đó là lý do VinaCapital mong muốn được hợp tác để cùng đưa công ty bước sang một giai đoạn phát triển cao hơn.

Tuy nhiên, do một số hiểu lầm giữa đôi bên, quỹ đầu tư này quyết định dừng tham gia đầu tư vào Ba Huân và đang tiến hành thảo luận cùng doanh nghiệp để kết thúc thương vụ này trên tinh thần tuân thủ pháp luật và hài hòa lợi ích các bên.

Bà Phạm Thị Huân – Giám đốc công ty cho biết, một trong những lý do khiến doanh nghiệp đưa ra quyết định này vì nhận thấy thỏa thuận hợp tác giữa bản tiếng Anh và tiếng Việt có nội dung không đúng hoặc không như trao đổi ban đầu. Cụ thể, VinaCapital “tự động” đưa vào tỷ suất hoàn vốn đầu tư 22% một năm – gấp ba lần lãi suất vay vốn ngân hàng.

VinaCapital cũng hạn chế hoạt động công ty bằng việc loại bỏ các ngành nghề kinh doanh trước đó, chỉ giữ lại sản xuất, kinh doanh gà thịt và trứng gà. VinaCapital cũng ra điều kiện Ba Huân chịu phạt trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22% hoặc chuyển giao tối thiểu 51% cổ phần nếu không hoàn thành kế hoạch kinh doanh sau ba năm từ khi nhận vốn đầu tư. Bà Huân còn khẳng định hai bên chỉ mới ký bản tiếng Anh.

Mối “lương duyên” giữa Công ty cổ phần Ba Huân và VinaCapital đã “đứt gánh giữa đường” do không tìm hiểu kĩ về nhau.

Một case study cho doanh nghiệp Việt

Vụ việc đến nay đã phần nào được giải quyết, khi phía VinaCapital phát đi thông báo dừng tham gia đầu tư vào công ty Ba Huân. Nghĩa là chưa có sự can thiệp của Chính phủ, doanh nghiệp đã tự thoả thuận được với nhau.

Từ vụ việc của Công ty Ba Huân có thể thấy sự thiếu chuyên nghiệp của một doanh nghiệp như Ba Huân.

Sự thiếu chuyên nghiệp được thể hiện ở việc một công ty cổ phần, trong mối quan hệ dân sự, thuần kinh tế của mình với một quỹ đầu tư khi không “xuôi chèo mát mái” lại đi cầu cứu Thủ tướng. Đó không phải cách hành xử hay, thể hiện rõ bản chất “con hổ giấy” của một công ty có tiếng tăm như Ba Huân. Đồng thời nó cũng tạo một tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp, bởi nếu họ học theo Ba Huân, có lẽ Thủ tướng phải lập một tổ chuyên giải quyết các quan hệ kinh tế của những doanh nghiệp như Ba Huân và VinaCapital. Và chắc chắn Thủ tướng sẽ không can thiệp vào câu chuyện này, bởi như thế sẽ làm mất đi tính thị trường của nền kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tương lai của các mối quan hệ đầu tư.

Một sự thiếu chuyên nghiệp mà những doanh nghiệp Việt cần nhìn rõ trong vụ việc này, đó là “bút sa gà chết”. Với một hợp đồng kinh tế, nếu một bên đơn phương hủy hợp đồng, chắc chắn sẽ có những án phạt. Và trong vụ việc này, án phạt sẽ dành cho Ba Huân, chỉ là chúng ta không biết cái giá của nó như thế nào khi cả hai bên đều không công bố chi tiết bản hợp đồng.

Việc Ba Huân cho rằng “Thay vì thực hiện ký đầy đủ hai bản thỏa thuận cả tiếng Anh và tiếng Việt thì chúng tôi chỉ ký kết trên bản tiếng Anh. 20 ngày sau, bản Tiếng Việt mới được đối tác chuyển qua. Chúng tôi đối chiếu thấy nhiều điều khoản không phù hợp, nên vẫn chưa ký bản thỏa thuận này”. Và “không nắm rõ trong bản tiếng Anh đã ký VinaCapital đưa ra tỷ suất hoàn vốn đầu tư của mình lên mức 22%” là hết sức mơ hồ. Một doanh nghiệp có thể không đủ năng lực để thẩm định hết các khả năng và sự ràng buộc trong hợp đồng, nhưng họ hoàn toàn có thể thuê các chuyên gia kinh tế và tư vấn tài chính để làm rõ những điều này. Có vẻ Ba Huân đã không làm như thế, nên mới ra cơ sự này.

Cổ nhân có câu “Bút sa gà chết” để chỉ một sự việc đã “đóng đinh” sẽ rất khó có cơ hội thay đổi và thậm chí dẫn tới hậu quả xấu nếu không cân nhắc kĩ. Thương vụ giữa VinaCapital và Công ty cổ phần Ba Huân là một minh chứng điển hình cho câu thành ngữ đó. Đây cũng là một “case study” (nghiên cứu điển hình) cho doanh nghiệp Việt trong mối quan hệ đầu tư, hợp tác với các đối tác, kể cả trong nước lẫn nước ngoài để không tự đẩy mình vào thế bí.

Duy Khánh

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024