ISSN-2815-5823
Chủ nhật, 08h54 26/07/2020

Kiên Giang: Người dân chuyển hướng nuôi sò huyết, làm giàu từ kinh tế biển

(KDPT) – Khu vực vùng ven của góc biển phía Tây, thuộc địa phận xã Nam Thái, (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang), có đường bờ biển dài 21km. Dọc theo đó là tuyến đê quốc phòng và vành đai rừng phòng hộ ven biển khoảng 1.000 ha và trên 7.000 ha mặt nước đất bãi bồi ven biển. Nơi đây được đánh giá là khu vực có vị trí chiến lược và tiềm năng cho việc phát triển kinh tế biển.

Thu hoạch sò huyết dưới biển tại Kiên Giang.

Vài năm về trước, khi việc trồng lúa nước trở nên không hiệu quả, người dân Nam Thái – An Biên đã chuyển hướng ra biển nuôi sò huyết. Đến nay, khu vực này đã phát triển được hơn 200 hộ nuôi sò huyết. Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái, toàn xã hiện có 876 ha mặt nước bãi bồi ven biển được nông dân thuê nuôi sò huyết. So với vụ sò huyết năm trước, năm nay bà con nuôi sò huyết có nhiều thuận lợi hơn (lượng mưa ít, nước ngọt đổ về ít, độ măn thích hợp, sâu bệnh xuất hiện không nhiều) nên tỷ lệ sống của sò trên 70%, ước năng suất bình quân 1,5 tấn/ha, sản lượng đạt 1.314 tấn.

Hiện giá sò huyết ở mức cao (loại 80 con/kg giá bán 75.000 đồng/kg, loại 90 – 100 con/kg giá 56.000 đồng/kg), tăng gần 10.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước. Gia đình ông Trương Văn Chal – ngụ ấp Sáu Biển, xã Nam Thái năm nay “trúng đậm” với 20 ha nuôi sò huyết, sản lượng đạt trên 40 tấn, lãi trên 1 tỷ đồng. Hộ ông Huỳnh Thanh Còi – ngụ ấp Ba Biển, xã Nam Yên có 21 ha mặt nước nuôi sò huyết. Theo thời giá hiện nay, ông Còi thu về khoảng 4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 50%. Còn ông Nguyễn Văn Lãnh – ngụ ấp Sáu Biển, xã Nam Thái cho biết, trước đây ông nuôi hến, 5 năm trở lại đây chuyển sang nuôi sò huyết. Vụ này sò huyết chỉ hao hụt khoảng 20%, giá bán cao nên ông còn lãi trên 500 triệu đồng/7ha.

Người dân Kiên Giang phấn khởi thu hoạch sò huyết.

Sò huyết được đánh giá là đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao, thân thiện môi trường. Năm 2016, sản lượng thu hoạch sò huyết thương phẩm hơn 13.000 tấn, mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho cư dân ven biển ở hai huyện An Biên và An Minh. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, sản xuất, nhiều hộ nuôi sò huyết thu về từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng từ nguồn lợi sò huyết.

Từ sự thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương trước biến đổi khí hậu, đặc biệt là xâm nhập mặn, ông Lương Văn Năm – Chủ tịch UBND xã Nam Thái cho biết, đó là kết quả từ việc hoạch định đẩy nhanh tốc độ phát triển của 5 mũi nhọn kinh tế khai thác và nuôi trồng thủy hải sản trên đất biển Nam Thái. Trong định hướng phát triển kinh tế vùng, địa phương sẽ lập kế hoạch đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm tham quan “làng sò”, được hưởng thức các loài hải sản tươi sống đánh bắt tại chỗ. Kinh tế biển sẽ song hành cùng du lịch sinh thái, tạo mọi điều kiện để người dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

MỸ HUYỀN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024