ISSN-2815-5823
Thứ hai, 04h12 17/12/2018

Kinh tế 2018: Xứng đáng là bước đệm căn cơ cho 2019

(KDPT) – Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã đi qua hơn nửa chặng đường của kế hoạch 5 năm. Xứng đáng với kì vọng là năm “bứt tốc thần kì” (Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)), 2018 đang khép lại với những thành tựu to lớn, là bước đệm vững chắc để Việt Nam tự tin tăng tốc trong năm 2019.

Sự bền vững được tiếp nối

Năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6%. Từ đó nổi lên là điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh kinh tế khu vực châu Á.

Trong 9 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 6,98% và đến lúc này có thể nói chắc chắn đã hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra từ 6,5-6,7%.

Phân tích đóng góp vào tăng trưởng GDP từ phía tổng cung cho thấy khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7%, riêng ngành công nghiệp chế biến – chế tạo tăng trưởng lên đến 12,65% – tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam; khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%.

Nhìn từ phía tổng cầu, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2017; tích lũy tài sản tăng 7,71%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,52%; nhập khẩu tăng 14,22%. Tổng đầu tư trong nền kinh tế chiếm 34% GDP, trong đó tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và FDI đều tăng, trong khi tỷ trọng đầu tư khu vực nhà nước lại giảm so với các năm trước. Sức cầu của khu vực hộ gia đình cũng tăng trưởng khá cao, đạt trên 11% cùng kỳ trong những tháng gần đây và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng cuối năm.

Riêng trong lĩnh vực thu hút đầu tư, Việt Nam đang được xướng danh như một địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh cuộc chiến mậu dịch Mỹ – Trung Quốc khiến nhiều công ty xem xét chuyển hướng kinh doanh sang Việt Nam. Đặc biệt, các chuyên gia và các tổ chức quốc tế đang nhấn mạnh đến những cơ hội mà Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn đem lại cho Việt Nam. Theo đó, là một trong sáu quốc gia đầu tiên ký kết tham gia hiệp định này, Việt Nam có thể nhận được tối đa những lợi ích mà CPTPP đem lại. Vào trung tuần tháng 11/2018, Tổ chức tư vấn kinh tế Conference Board cũng đưa ra dự đoán rằng Việt Nam sẽ là điểm sáng trên bức tranh kinh tế toàn cầu và có nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2019. Conference Board tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7% trong năm tới.

Còn sức ép cho 2019

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) cập nhật tháng 10/2018 của IMF khẳng định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chứng tỏ sự vững vàng cho dù có trở lực bên ngoài, chủ yếu nhờ vào sức cầu mạnh trong nước, kết hợp sự năng động của các ngành chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu.

Tuy vậy, tăng trưởng cao đặt ra nhiều sức ép lên lạm phát và thực tế áp lực đã hiện hữu trong 6 tháng đầu năm cho đến khi dịu trở lại trong quý 3 vừa rồi. Chỉ số CPI bình quân 10 tháng 2018 đã tăng 3,6% so với bình quân cùng kỳ 2017. Lạm phát cơ bản bình quân chỉ tăng 1,43% so với cùng kỳ cho thấy yếu tố gây sức ép lên lạm phát chủ yếu do giá hàng hóa cơ bản và năng lượng hơn là yếu tố tiền tệ.

Tại Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF cũng chỉ ra rằng, triển vọng phát triển vẫn tiềm ẩn những rủi ro đang tích tụ, theo hướng xấu đi. Trong bối cảnh thương mại Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn hạn chế, Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài. Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài. Trong nước, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh tăng trưởng và gia tăng các nghĩa vụ cho khu vực công.

Bối cảnh trên yêu cầu doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, để tiếp sức cho triển vọng tăng trưởng dài hạn, nâng cao khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô cũng như năng lực cạnh tranh, các nhà hoạch định chính sách cần tận dụng những diễn biến vẫn có lợi cho tăng trưởng để đẩy mạnh cải cách cơ cấu, bao gồm cả cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, song song với nâng cao hiệu suất đầu tư công, nâng cao năng suất, sản lượng tiềm năng và hỗ trợ tăng cường các dịch vụ sự nghiệp.

Theo các chuyên gia của IMF, là một nền kinh tế mở, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ có khả năng ứng phó, tỷ giá linh hoạt, củng cố tình hình tài khóa và hạn chế tăng trưởng tín dụng để củng cố khung chính sách kinh tế vĩ mô và nâng cao khả năng chống chịu những cú sốc có thể diễn ra.

Minh Sơn



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024