Kinh tế năm 2023: Chuyển vai linh hoạt, vượt khó thành công
Đây là nền tảng quan trọng để nền kinh tế tăng tốc trong năm 2024, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% như chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ |
Điểm nhấn trong công tác điều hành
Nhìn lại bối cảnh năm 2023, có thể nhận xét là “khó khăn nối dài khó khăn”. Trên thực tế, khó khăn đã xuất hiện và kéo dài xuyên suốt ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đến nay. Khó khăn thứ nhất đến từ bên ngoài, với địa chính trị quốc tế thay đổi khó lường. Khó khăn thứ hai là tác động hậu đại dịch COVID-19 làm thay đổi nhận thức. Khó khăn thứ ba là nền kinh tế trong nước chưa kịp chuyển đổi, trong khi lại xuất hiện những vấn đề điểm nóng. Ngay từ đầu năm, những yếu tố bất định và khó lường của kinh tế thế giới đã xuất hiện, góp phần làm cho bối cảnh thực hiện kế hoạch năm 2023 của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn.
Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 vẫn diễn biến rất sống động. Sự sống động thể hiện ở việc các khu vực của nền kinh tế đã chuyển vai linh hoạt, hiệu quả để gánh vác động lực tăng trưởng trong từng giai đoạn biến động. Nhìn lại cả giai đoạn 2012-2023, đây là lần đầu tiên tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sụt giảm, qua đó thể hiện rõ khó khăn chung của kinh tế thế giới do tổng cầu suy giảm. Con số xuất siêu hàng hoá 28 tỷ USD thực chất là do tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu. Qua đó cho thấy sản xuất công nghiệp nói chung và sản xuất phục vụ cho xuất khẩu nói riêng đã chịu tác động tiêu cực.
Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực của xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đã xuất hiện trong những tháng cuối năm. Đây là kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành với các biện pháp tích cực, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời tăng cường nỗ lực ngoại giao kinh tế với các đối tác lớn trên thế giới trong năm 2023.
Nhiều tín hiệu tích cực của xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đã xuất hiện trong những tháng cuối năm 2023. (Ảnh minh họa) |
Điểm nhấn khác trong hoạt động của Chính phủ trong năm 2023 là sự chuyển vai linh hoạt, trở thành nhà đầu tư lớn của nền kinh tế trong bối cảnh các động lực tăng trưởng khác yếu hơn. Nếu như trong 3 quý đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, xuất khẩu giảm tốc rõ rệt thì tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn giữ được mức tăng ổn định và bù đắp phần nào cho xuất khẩu. Tính chung cả năm 2023, tổng vốn đầu tư công đã tăng khoảng 30% so với năm 2022. Chính phủ đã kiên trì quan điểm đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân. Nhờ đó, trong năm 2023 chúng ta đã đưa vào hoạt động gần 700 km đường bộ cao tốc; nhiều dự án lớn được hoàn thiện và đưa vào vận hành trong năm 2023 và quý I/2024 như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy lọc dầu Long Sơn... Điều đó cho thấy Chính phủ đã có những kịch bản để dựa vào nguồn lực Nhà nước nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng GDP ở khả năng cao nhất có thể.
Điểm nhấn trong hoạt động của Chính phủ trong năm 2023 là sự chuyển vai linh hoạt, trở thành nhà đầu tư lớn của nền kinh tế trong bối cảnh các động lực tăng trưởng khác yếu hơn. Chính phủ đã có những kịch bản để dựa vào nguồn lực Nhà nước nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng GDP ở khả năng cao nhất có thể. |
Bên cạnh đó, năm 2023 cũng ghi nhận hoạt động cải cách thể chế được tiến hành mạnh mẽ nhằm tháo gỡ các vấn đề nội tại đã cản trở lâu nay, đồng thời khắc phục những vấn đề mới phát sinh. Điển hình là việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản quá lớn mà tài sản đảm bảo lại không đáp ứng được yêu cầu. Hay việc một số doanh nghiệp sân sau của một số ngân hàng thương mại cổ phần bất chấp quy định của pháp luật rút ruột hàng trăm ngàn tỷ đồng để mưu lợi cá nhân đã được tích tụ trong nhiều năm trước, thì trong dịp này mới bùng nổ. Những sự việc này đã trải qua thời gian tích tụ và khi vỡ ra, phải xử lý thì cần thêm hành lang pháp lý.
Trước các diễn biến này, Chính phủ đã tích cực soạn thảo và trình Quốc hội sửa nhiều luật và ban hành các nghị quyết mới để xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đó là Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở; và đang tiến hành tiếp thu, chỉnh sửa ý kiến của nhân dân và các đại biểu Quốc hội đối với Luật Đất đai. Đây là bước đột phá về thể chế để tiến tới một thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu của người dân đối với nhiều phân khúc bất động sản.
Đặc biệt, đối với vùng động lực phát triển kinh tế TP.HCM, Chính phủ đã quyết định kết thúc việc thực hiện thí điểm Nghị quyết 54 về cơ chế tài chính đặc thù cho thành phố, thay bằng Nghị quyết 92 có tính chất toàn diện và triệt để hơn để khôi phục lại sức mạnh kinh tế của thành phố, đảm bảo vị trí đầu tàu của nền kinh tế TP.HCM đối với kinh tế cả nước.
Kiên trì giải pháp cũ, nhận diện xu thế mới
Trong quý cuối năm 2023, các động lực tăng trưởng nằm ở cả thị trường quốc tế và nội địa đều đang chuyển biến tích cực. Mặc dù vậy, khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng, trong khi các động lực tăng trưởng truyền thống của kinh tế trong nước còn yếu, nên năm 2024 dự báo kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trên cơ sở phân tích các điều kiện đầu vào và nội tại nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với các chỉ tiêu khá cao nếu so với khu vực và thế giới. Đây là những mục tiêu định hướng lớn để các ngành và địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn về thể chế, triển khai và thực hiện tốt nguồn vốn đầu tư công trong năm 2024.
Đối với cải cách thể chế, cần hạn chế việc sửa các luật do tuổi đời các luật còn đang rất non trẻ. Thay vào đó, đặt trọng tâm là rà soát tính đồng bộ của các văn bản luật, tránh chồng chéo, trùng lặp. Vướng mắc chủ yếu của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay là các quy định tại nhiều văn bản dưới luật lại thiếu cởi mở, thậm chí chặt hơn so với định hướng khi xây dựng luật. Bên cạnh đó, việc nhận thức về cùng một điều luật ở các địa phương khác nhau lại có sự khác biệt nên gây khó khăn cục bộ cho các doanh nghiệp. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình vận dụng và vận động chính sách theo hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp mà không thực hiện quan điểm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Về đầu tư và đầu tư công, cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được của năm 2023, dồn nguồn lực của đầu tư công cho các công trình quan trọng, có tính lan tỏa cao để sớm đưa các công trình, dự án đi vào hoạt động. Sau đó, có thể thực hiện thoái vốn Nhà nước tại các công ty này để tạo nguồn lực tiếp tục triển khai các công trình, dự án khác. Đặc biệt, đối với các nguồn vốn của các doanh nghiệp Nhà nước hiện đang do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý, cần phải có các biện pháp kiên quyết để sử dụng hiệu quả nguồn lực hơn 3,5 triệu tỷ đồng thông qua việc áp dụng các quy luật của nền kinh tế thị trường mà không phân biệt nguồn gốc sở hữu để đảm bảo mọi doanh nghiệp không phân biệt sở hữu đều bình đẳng trước pháp luật.
Trong năm 2024, cần khẩn trương trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương xây dựng tuyến đường sắt khổ 1.435 mm tốc độ cao tuyến Bắc - Nam và tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đối với tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cần giao cho các doanh nghiệp nhà nước làm đối tác để mua giấy phép sản xuất của các công ty đang sở hữu công nghệ nguồn trong lĩnh vực vận tải đường sắt để kết hợp với tuyến đường sắt quốc tế đã được nước bạn hoàn thiện tới Châu Âu. Việc sớm đưa tuyến này vào thi công là một đóng góp quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam hình thành ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam trong việc sản xuất toa xe, ray, hệ thống tự động điều khiển chạy tàu cũng như các công nghệ thi công mới…
Cần khẩn trương xây dựng tuyến đường sắt khổ 1.435 mm tốc độ cao tuyến Bắc - Nam và tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải tận dụng lợi thế trong giai đoạn hiện nay đối với lĩnh vực dệt may, da giày. Đây là những ngành có kim ngạch xuất khẩu gần tương đương với sản phẩm điện tử trong 1 năm, nhưng số việc làm tạo ra lớn gấp nhiều lần và phần giá trị gia tăng có tỷ lệ cao hơn so với xuất khẩu các sản phẩm điện tử. Mặt khác, đây cũng là lĩnh vực hiện đang tiên phong trong áp dụng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo trong quá trình sản xuất ở khâu thiết kế, sợi, dệt và nhuộm. Cần có chiến lược ít nhất đến năm 2050 đối với những ngành này vì đây vẫn được coi là lĩnh vực quan trọng.
Việt Nam đang có cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng mới, như công nghiệp bán dẫn, vi mạch. Đó là những lĩnh vực mà trước đây chúng ta chưa từng nghĩ tới nhưng giờ đây lại có thể. |
Cần sớm nhận diện các xu thế phát triển mới trên thế giới để kịp thời nhập cuộc. Việc đón đầu và bắt kịp các xu hướng phát triển mới hứa hẹn trở thành động lực tăng trưởng cho năm 2024 và các năm tiếp theo. Cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas có thể tạo ra cho thế giới một cuộc cách mạng mới tương tự như cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973, trong đó chuyển mạnh từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch là dầu hỏa sang sử dụng khí. Cuộc khủng hoảng lần này cũng sẽ là áp lực rất lớn buộc kinh tế thế giới phải có đột phá về năng lượng mới, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hydrocarbon, hướng tới phát triển xanh, bền vững. Vì vậy, Chính phủ cần có những thông điệp mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp hiện đang sử dụng nhiều nhiên liệu hydrocarbon và các trung tâm đào tạo lớn của đất nước phải dành nguồn lực thích đáng cho việc đào tạo nhân lực phù hợp với yêu cầu về công nghệ và sản xuất trong thời kỳ mới.
Việt Nam đang có cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng mới, như công nghiệp bán dẫn, vi mạch. (Ảnh: Istock) |
Bên cạnh đó, Việt Nam đang có cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng mới, như công nghiệp bán dẫn, vi mạch. Đó là những lĩnh vực mà trước đây chúng ta chưa từng nghĩ tới nhưng giờ đây lại có thể. Đó cũng là đẩy nhanh tiến trình số hoá trong các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, điển hình là lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Việc tiến tới thành lập ngân hàng số sẽ giúp giải quyết phần nào bài toán thiếu vốn đang rất nóng bỏng hiện nay./.
TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội
Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ