Sửa đổi Luật Thi hành án dân sự để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008 được Quốc hội ban hành, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng, từng bước tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác THADS với kết quả năm sau cao hơn năm trước, ngày càng bền vững.
Luật THADS 2008 cũng đã được sửa đổi vào các năm 2014 và 2022, đem lại những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2023-2024, toàn hệ thống THADS đã thi hành xong trên 620.000 vụ việc và thu được số tiền trên 116.000 tỷ đồng.
Bên cạnh thuận lợi, kết quả tích cực đạt được, công tác THADS trước thời cơ, khó khăn, thách thức: Số lượng các vụ việc tranh chấp kinh tế, dân sự có xu hướng ngày càng tăng, tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp, nhất là những vụ việc phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, nhà đất có giá trị lớn; tình trạng pháp lý của tài sản để bảo đảm thi hành án thường phức tạp, nhiều trường hợp chưa được xác định rõ, đến giai đoạn thi hành án nhiều vấn đề pháp lý phát sinh phải xác minh, làm rõ, giải quyết trước khi xử lý; nhiều tài sản xử lý là dự án hiện chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý về đầu tư và đất đai theo quy định...
Về nội dung cơ bản của dự thảo Luật THADS (sửa đổi), ông Đặng Văn Huy - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp cho biết: Dự thảo Luật THADS đang lấy ý kiến có bố cục 09 chương, 231 điều, trong đó có 50 điều xây dựng mới, 93 điều được sửa đổi, bổ sung, chiếm 52% tổng số điều luật hiện hành.
Luật THADS (sửa đổi) sẽ tiếp tục điều chỉnh các nhóm nội dung như Luật THADS hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định để khắc phục những bất cập, thiếu đồng bộ hiện nay, bao gồm: Phạm vi bản án, quyết định do cơ quan THADS tổ chức thi hành và các nguyên tắc cơ bản trong THADS; Quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự; Tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan THADS; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan THADS, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong THADS; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong THADS; Trình tự, thủ tục, nâng cao hiệu quả THADS; Các điều kiện bảo đảm, đáp ứng yêu cầu quản lý, hoạt động THADS.
Các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính đồng bộ về thể chế, phù hợp với mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật THADS (sửa đổi). Các đại biểu tham dự hội thảo nhìn nhận, đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới; tốc độ, quy mô nền kinh tế tăng nhanh; sự ra đời, phát triển nhanh chóng của kinh tế số, kinh tế chia sẻ đã hình thành, đẩy mạnh nhiều phương thức giao dịch dân sự, kinh tế mới, làm phát sinh nhiều loại tranh chấp mới. Tình hình trên, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật THADS.
Việc ban hành Luật THADS (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đổi mới tổ chức và hoạt động THADS; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền được thực hiện hiệu quả; bảo vệ 5 quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước; góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong hoạt động kinh tế, luôn luôn nẩy sinh những tranh chấp cần được giải quyết công bằng và kịp thời, theo bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp, trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, các tranh chấp kinh tế phát sinh ngày càng nhiều. Một trong những đối tượng chịu tác động rất lớn của Luật THADS là các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng với vai trò là người được thi hành án và là người phải thi hành án.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng: “Nếu các cơ quan toà án và thi hành án giúp thực hiện hợp đồng bằng cách công bằng, nhanh chóng, hiệu quả thì sẽ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, bảo đảm quyền, lợi ích, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Ngược lại nếu cơ chế giải quyết tranh chấp không công bằng, nhanh chóng, hiệu quả sẽ khiến các chủ thể không tôn trọng đồng”./.
- Thương mại điện tử muốn phát triển bền vững cần có sự cạnh tranh bình đẳng
- Cạnh tranh thương mại điện tử giá rẻ