Kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng: Hiện trạng, định hướng chính sách và cơ hội cho ngành xây dựng
Kinh tế tuần hoàn (CE) được xem là giải pháp trọng tâm, giúp tối ưu hóa tài nguyên, giảm phát thải và bảo vệ môi trường thông qua nguyên tắc 3R (Giảm thiểu, Tái sử dụng, Tái chế). Việt Nam đã triển khai các chính sách xanh hóa ngành xây dựng, với mục tiêu giảm 15% cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP vào năm 2030. Tuy nhiên, để đạt được sự bền vững, cần đầu tư công nghệ, phát triển nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế.
Kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng
Ngành xây dựng (Construction Industry - CI) đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội toàn cầu, và là một trong những ngành tạo ra lượng chất thải rắn lớn nhất. Chất thải xây dựng và phá dỡ (Construction and Demolition Waste - CDW) chiếm khoảng 30% tổng lượng chất thải rắn toàn cầu, gây ra áp lực đáng kể lên tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Năm 2020, thế giới tạo ra 2,24 tỷ tấn chất thải rắn, trong đó phần lớn là chất thải xây dựng và phá dỡ CDW. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) là ba khu vực phát thải lớn nhất. Chỉ riêng Trung Quốc đã tạo ra 1.130 triệu tấn CDW vào năm 2014, Hoa Kỳ tạo ra 534 triệu tấn và ở EU là 333 triệu tấn. Tỷ lệ thu hồi CDW rất khác nhau giữa các khu vực, dao động từ 7% ở những nơi có hệ thống quản lý yếu kém đến 90% ở những quốc gia có chính sách quản lý tiên tiến, như EU. Dù vậy, trung bình khoảng 35% CDW toàn cầu được xử lý tại các bãi chôn lấp, mặc dù 75% lượng chất thải này có giá trị tái chế tiềm năng. Thực trạng này không chỉ gây ra sự lãng phí tài nguyên mà còn làm gia tăng ô nhiễm môi trường.
Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy - CE) là một giải pháp then chốt để giảm thiểu tác động tiêu cực của CDW. Kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng nhấn mạnh việc giảm phát sinh chất thải, tái sử dụng vật liệu, và tái chế CDW thành các nguồn nguyên liệu thô mới, góp phần bảo tồn tài nguyên và giảm thiểu phát thải khí nhà kính (GHG). Theo nguyên tắc 3R (Reduce, Reuse, Recycle), mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ chuyển đổi ngành xây dựng từ hệ thống kinh tế tuyến tính "khai thác, sản xuất, thải bỏ" sang một hệ thống bền vững hơn mà còn tạo ra các cơ hội kinh tế dài hạn thông qua việc tối ưu hóa tài nguyên (Ellen MacArthur Foundation, 2013). Áp dụng kinh tế tuần hoàn trong xây dựng mang lại lợi ích to lớn, bao gồm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giảm sử dụng bãi chôn lấp, tạo công ăn việc làm và giảm ô nhiễm môi trường, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Các chiến lược triển khai kinh tế tuần hoàn hiện nay vẫn gặp phải nhiều rào cản do chi phí cao, thiếu cơ sở hạ tầng và nhận thức thấp về giá trị của CDW.
Một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự gia tăng CDW trên toàn cầu là quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Tỷ lệ dân số đô thị tại Trung Quốc tăng từ 35,88% năm 2000 lên 61,43% năm 2020, kéo theo sự bùng nổ trong các hoạt động xây dựng và phá dỡ. Tại các quốc gia như Anh và Úc, khoảng 44% CDW được đưa vào các bãi chôn lấp, con số này ở Brazil là 40% và ở Hoa Kỳ là 29%. Việc chôn lấp không chỉ lãng phí tài nguyên mà còn gây ra nhiều vấn đề môi trường như ô nhiễm đất, nước, và phát thải khí độc hại. Trong khi đó, tỷ lệ thu hồi CDW có sự chênh lệch lớn: EU đạt mức cao nhất với 90%, nhờ các chính sách và công nghệ tiên tiến, trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc chưa tới 10%. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc cải thiện quản lý CDW để tăng cường hiệu quả kinh tế và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Áp dụng kinh tế tuần hoàn trong xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản như tiết giảm (Reduce), tái sử dụng (Reuse) và tái chế (Recycle). Thiết kế sinh thái đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu CDW ngay từ giai đoạn lập kế hoạch và xây dựng. Tái sử dụng các vật liệu xây dựng cũ như thép, bê tông, và gỗ không chỉ giảm thiểu chất thải mà còn tiết kiệm tài nguyên. Các vật liệu CDW tái chế có thể được sử dụng để sản xuất gạch không nung, bê tông tái chế, và các sản phẩm xây dựng mới, góp phần giảm áp lực khai thác tài nguyên thô. Các lợi ích của kinh tế tuần hoàn không chỉ giới hạn ở khía cạnh môi trường mà còn mở ra cơ hội kinh tế lớn. Việc tái chế và tái sử dụng giúp giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu, tăng giá trị từ phụ phẩm, và tạo việc làm trong lĩnh vực tái chế và quản lý chất thải. Về mặt xã hội, kinh tế tuần hoàn giảm tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng thông qua việc giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện các quy trình quản lý chất thải.
Một công cụ quan trọng hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong xây dựng là hệ thống phân cấp chất thải. Hệ thống này ưu tiên các phương án quản lý từ phòng ngừa (Prevention), tiết giảm (Reduction), tái sử dụng (Reuse), tái chế (Recycle) cho đến xử lý cuối cùng (Disposal). EU đã ban hành Chỉ thị Khung về Chất thải (2008/98/EC) để thúc đẩy các chiến lược quản lý CDW theo hướng tuần hoàn. Các chính sách bao gồm việc thiết lập mục tiêu tái chế ít nhất 70% CDW vào năm 2020, khuyến khích tài chính cho các doanh nghiệp tái chế, và áp dụng công nghệ tiên tiến như phân tích dòng vật liệu (Material Flow Analysis - MFA) để tối ưu hóa quy trình tái chế.
Hiện trạng, định hướng chính sách và cơ hội triển khai kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng ở Việt Nam
Kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng tại Việt Nam là giải pháp cần thiết để giải quyết các thách thức về môi trường và tài nguyên trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và nhu cầu xây dựng gia tăng. Chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều chính sách và chương trình nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng. Phát triển đô thị tăng trưởng xanh được thực hiện thông qua việc xây dựng các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật cho vật liệu xanh, công trình xanh, và công trình sử dụng năng lượng hiệu quả. Kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng tại Việt Nam đang từng bước được tích hợp với mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các chương trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai để phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, hệ thống quản lý chất thải số hóa, và xây dựng các cơ sở hạ tầng đô thị thông minh, bền vững. Chính phủ tập trung vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa ngành xây dựng, bằng cách khai thác và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững, và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng tăng trưởng và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018–2025, định hướng đến năm 2030 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các công nghệ hiện đại và giải pháp thông minh để nâng cao hiệu quả quản lý đô thị, giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời tối ưu hóa tài nguyên và chất thải xây dựng. Với nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm và dựa trên các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, Đề án hướng tới khai thác tối ưu hiệu quả đất đai, năng lượng, và nguồn lực, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững.
Các cơ chế chính sách khung đang được xây dựng và hoàn thiện để đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý chất thải xây dựng, cấp thoát nước, giao thông, và năng lượng tại các đô thị thông minh. Hạ tầng dữ liệu không gian đô thị và hệ thống tích hợp dữ liệu đã được triển khai tại một số đô thị thí điểm, tạo điều kiện hợp nhất thông tin về đất đai, xây dựng, và môi trường trên nền tảng GIS, hỗ trợ quản lý đô thị hiệu quả hơn, góp phần xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định trong quy hoạch đô thị, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm thiểu chất thải xây dựng. Các mục tiêu cụ thể như xử lý rác thải, chiếu sáng thông minh, và quản lý giao thông đã được triển khai tại ít nhất 6 đô thị thuộc 6 vùng kinh tế trọng điểm, bao gồm các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng vẫn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm hạn chế trong ứng dụng công nghệ tái chế, thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ, và nhận thức chưa đầy đủ của cộng đồng về lợi ích của mô hình kinh tế tuần hoàn. Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, đảm bảo rằng 100% các Sở Xây dựng, Sở Thông tin Truyền thông và UBND các đô thị thí điểm có đủ khả năng triển khai các giải pháp đô thị thông minh và bền vững. Đến năm 2030, mục tiêu là hoàn thiện thí điểm giai đoạn 1, hình thành mạng lưới đô thị thông minh liên kết trên toàn quốc, với các trung tâm hạt nhân như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ dẫn đầu. Sự tích hợp giữa phát triển đô thị thông minh và kinh tế tuần hoàn giảm áp lực lên môi trường, thúc đẩy ngành xây dựng hướng tới phát triển bền vững, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo Quyết định số 2149/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2025, đặt mục tiêu 100% chất thải rắn công nghiệp thông thường từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề đã được thu gom, tái chế, hoặc tái sử dụng để đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường. Đặc biệt, 80% lượng tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy điện, hóa chất, và phân bón đã được tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng. Trong lĩnh vực chất thải xây dựng và phá dỡ (C&DW), 90% chất thải phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, tuy nhiên, chỉ 60% trong số này được tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm và vật liệu tái chế, để lại dư địa lớn cho việc cải thiện hiệu quả tái chế.
Đây là một bước tiến đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa đạt tới mức tối ưu như ở các quốc gia phát triển như EU hay Nhật Bản, nơi tỷ lệ tái chế có thể đạt tới 85-90%. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm hạn chế trong công nghệ tái chế, thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ, và nhận thức chưa đầy đủ của các doanh nghiệp cũng như cộng đồng về lợi ích của tái sử dụng chất thải.
Việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên mà còn mở ra nhiều cơ hội kinh tế và xã hội. Tái chế và tái sử dụng chất thải xây dựng giúp giảm nhu cầu sử dụng nguyên liệu thô, tiết kiệm chi phí nhập khẩu, và giảm áp lực lên các bãi chôn lấp. Các sản phẩm tái chế như gạch không nung, bê tông tái chế, và vật liệu xây dựng từ tro xỉ không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường mà còn được kỳ vọng giảm chi phí sản xuất. Việc phát triển công nghiệp tái chế còn tạo ra hàng nghìn việc làm mới trong các lĩnh vực tái chế, quản lý chất thải, và nghiên cứu công nghệ. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, cần giải quyết các thách thức hiện tại như chi phí đầu tư ban đầu cao, hệ thống chính sách chưa đồng bộ, và năng lực công nghệ còn hạn chế. Một giải pháp quan trọng là xây dựng các nhà máy tái chế hiện đại với công nghệ tiên tiến, áp dụng các ưu đãi tài chính như giảm thuế và hỗ trợ tín dụng xanh để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào kinh tế tuần hoàn. Song song đó, cần nâng cao nhận thức cộng đồng và đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn trong lĩnh vực tái chế và quản lý chất thải.
Kinh tế tuần hoàn sẽ đóng vai trò trọng tâm trong việc thúc đẩy ngành xây dựng tại Việt Nam phát triển bền vững hơn. Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến như EU, Nhật Bản, và Hàn Quốc, đồng thời triển khai rộng rãi các mô hình quản lý chất thải hiệu quả. Việc tích hợp công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong quản lý chất thải xây dựng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, đồng thời đảm bảo rằng ngành xây dựng không chỉ đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần vào bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon, và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Với các chính sách đúng đắn và sự chung tay của doanh nghiệp cùng cộng đồng, ngành xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng tới một tương lai xanh và bền vững hơn.
Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng ở Việt Nam
Ngành xây dựng đối mặt với nhiều rào cản trong việc triển khai kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Chi phí tái chế thường cao hơn chi phí chôn lấp, khiến các doanh nghiệp ít có động lực đầu tư. Các giải pháp công nghệ tiên tiến như tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong phân loại và xử lý CDW vẫn chưa được triển khai rộng rãi. Nhận thức thấp về lợi ích dài hạn của kinh tế tuần hoàn là một thách thức lớn cần được giải quyết thông qua giáo dục và nâng cao ý thức cộng đồng. Để vượt qua những rào cản này, các quốc gia cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, phát triển các chính sách hỗ trợ và hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm.
Quy hoạch đô thị và thiết kế công trình xây dựng dựa trên phương pháp tiếp cận cảnh quan gắn với hệ sinh thái đang trở thành xu hướng tất yếu trong phát triển bền vững. Phương pháp này không chỉ tạo ra các không gian xanh đa chức năng mà còn tích hợp sâu rộng các yếu tố tự nhiên nhằm cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và hỗ trợ đa dạng sinh học. Điển hình là các công viên sinh thái như Cheonggyecheon ở Seoul, nơi tái tạo dòng suối đô thị để tạo hành lang xanh, hỗ trợ động thực vật và mang lại không gian sống trong lành cho cư dân. Ngoài ra, các hành lang xanh trong đô thị còn kết nối các khu vực tự nhiên, giảm hiệu ứng đảo nhiệt và duy trì dòng chảy sinh thái.
Quy hoạch đô thị và thiết kế công trình xây dựng dựa trên phương pháp tiếp cận cảnh quan gắn với hệ sinh thái đặc biệt hiệu quả trong quản lý nước và kiểm soát lũ lụt. Các khu vườn thấm nước tự nhiên (Rain Gardens) và đầm lầy nhân tạo được thiết kế để hấp thụ nước mưa, giảm nguy cơ ngập lụt và lọc nước thải một cách tự nhiên, như mô hình tại Công viên Bishan-Ang Mo Kio ở Singapore. Tại các khu vực đất bị ô nhiễm hoặc bỏ hoang, việc phục hồi và tái tạo đã biến những khu công nghiệp cũ thành không gian xanh đa chức năng, điển hình như Landschaftspark Duisburg-Nord ở Đức, tạo sự kết hợp giữa văn hóa và sinh thái. Các dự án tái tạo đầm lầy ven biển và rừng ngập mặn, như ở Bangladesh, cũng là giải pháp quan trọng để bảo vệ cộng đồng ven biển trước nguy cơ xói mòn và nước biển dâng WBCSD (2023).
Thiết kế cảnh quan dựa vào hệ sinh thái còn góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, thông qua các dự án rừng đô thị và không gian xanh đa tầng, giúp giảm phát thải khí nhà kính và nhiệt độ đô thị. Thúc đẩy nông nghiệp đô thị như vườn cộng đồng và nông nghiệp đứng cải thiện an ninh lương thực tích hợp không gian xanh vào các khu vực đô thị một cách hiệu quả. Những lợi ích này không chỉ giới hạn ở khía cạnh môi trường mà còn mở ra các cơ hội kinh tế và xã hội, bao gồm giảm chi phí xử lý nước thải, tăng giá trị bất động sản, và tạo môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng. Việc triển khai phương pháp tiếp cận này đối mặt với nhiều thách thức như chi phí đầu tư ban đầu lớn, thiếu thông tin và nghiên cứu để tối ưu hóa các giải pháp, cũng như khó khăn trong mở rộng quy mô tại các khu đô thị hóa cao. Để vượt qua các rào cản này, cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và công nghệ, xây dựng chính sách hỗ trợ ưu đãi, nâng cao nhận thức cộng đồng, và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm. Quy hoạch và thiết kế công trình theo phương pháp tiếp cận cảnh quan dựa vào hệ sinh thái không chỉ mang lại lợi ích bền vững mà còn định hình các thành phố tương lai thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và tạo dựng môi trường sống chất lượng cao cho con người.
Thiết kế công trình xây dựng theo nguyên tắc tuần hoàn dựa vào tự nhiên (Nature-Based Design) là một xu hướng tiên phong trong ngành xây dựng, mang lại những giải pháp bền vững, hài hòa với hệ sinh thái tự nhiên. Phương pháp này học hỏi và mô phỏng các quy trình sinh thái để tối ưu hóa hiệu quả của công trình, giảm phát sinh chất thải, bảo tồn tài nguyên, và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn, thiết kế dựa vào tự nhiên không chỉ giúp tái tạo tài nguyên mà còn mở ra cơ hội tạo dựng môi trường sống xanh và bền vững. Một ứng dụng điển hình là các công trình xanh tích hợp yếu tố tự nhiên như mái nhà xanh và tường cây. Mái nhà xanh tại Trung tâm Hội nghị Vancouver (Canada) không chỉ cách nhiệt tự nhiên, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị mà còn hỗ trợ hệ sinh thái địa phương, trong khi tường cây tại CaixaForum (Madrid, Tây Ban Nha) cải thiện chất lượng không khí và làm mát công trình. Các hệ thống thu gom nước mưa và cơ sở hạ tầng xanh, như tại Marina Barrage (Singapore), được thiết kế để giảm nguy cơ ngập lụt, quản lý tài nguyên nước hiệu quả, và giảm áp lực lên hệ thống thoát nước WorldGBC (2023).
Vật liệu xây dựng từ tự nhiên và tái chế cũng là một yếu tố cốt lõi của thiết kế này, chẳng hạn như cầu tre tại Bali (Indonesia), được xây dựng hoàn toàn từ tre tái tạo, thể hiện sự sáng tạo trong việc tận dụng nguồn lực tự nhiên. Ngoài ra, các hệ thống làm mát tự nhiên như thông gió và hồ nước cũng được áp dụng để giảm tiêu thụ năng lượng, tiêu biểu là Tòa nhà Eastgate Centre (Zimbabwe), nơi mô phỏng hệ thống tổ mối để duy trì nhiệt độ ổn định mà không cần điều hòa. Những thiết kế này không chỉ giảm chi phí năng lượng mà còn tạo môi trường sống lành mạnh, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho con người. Bên cạnh đó, việc tích hợp các khu vực sinh thái và thiết kế công trình hỗ trợ đa dạng sinh học, như Công viên High Line ở New York, cho thấy khả năng biến các không gian đô thị cũ thành môi trường sống cho động thực vật.
Thiết kế công trình xây dựng theo tiêu chuẩn LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) là một trong những xu hướng quan trọng trong ngành xây dựng hiện đại, thúc đẩy sự phát triển bền vững và góp phần tích cực vào kinh tế tuần hoàn (USGBC, 2021). Được phát triển bởi Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) vào năm 1998, LEED không chỉ là một hệ thống đánh giá công trình xanh quốc tế mà còn đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe về hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phát thải carbon, và bảo vệ môi trường sống. Với các nguyên tắc dựa trên tối ưu hóa năng lượng, tiết kiệm nước, quản lý chất thải, sử dụng vật liệu bền vững và cải thiện chất lượng không khí, LEED giúp các công trình xây dựng giảm thiểu tác động đến môi trường trong suốt vòng đời của chúng, từ giai đoạn thiết kế, thi công đến vận hành và bảo trì.
Nguyên tắc cốt lõi của tiêu chuẩn LEED là tối ưu hóa hiệu quả năng lượng, được thực hiện thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và địa nhiệt. Các công trình đạt chứng nhận LEED thường áp dụng hệ thống cách nhiệt tiên tiến, tận dụng ánh sáng tự nhiên và sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí vận hành. Điển hình như tòa nhà One Bryant Park tại New York, một trong những công trình đạt chứng nhận LEED Platinum đầu tiên trên thế giới, sử dụng 100% năng lượng tái tạo và tích hợp các giải pháp tiết kiệm năng lượng đột phá. Bên cạnh đó, hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa là một tiêu chí quan trọng khác của LEED, giúp giảm tiêu thụ nước và tận dụng hiệu quả nguồn nước tự nhiên. Ví dụ, Marina Barrage ở Singapore là một công trình LEED mẫu mực với hệ thống thu gom nước mưa không chỉ giúp quản lý lũ mà còn cung cấp nước cho các hoạt động sinh hoạt và tưới tiêu.
Tiêu chuẩn LEED cũng đặt trọng tâm vào quản lý chất thải xây dựng và sử dụng vật liệu tái chế. Các công trình đạt chuẩn LEED phải tăng cường tái chế và tái sử dụng các vật liệu xây dựng, đồng thời giảm thiểu chất thải gửi đến bãi chôn lấp. Ngoài ra, vật liệu sử dụng trong các công trình này cần có nguồn gốc bền vững, hàm lượng tái chế cao và không độc hại. Việc ưu tiên sử dụng vật liệu địa phương cũng giúp giảm chi phí vận chuyển và phát thải liên quan, qua đó tối ưu hóa vòng đời công trình. Ví dụ, Pixel Building tại Melbourne, Úc, được coi là một trong những tòa nhà có điểm LEED cao nhất nhờ sử dụng các vật liệu tái chế từ địa phương và hệ thống năng lượng mặt trời tiên tiến.
Chất lượng môi trường trong nhà (Indoor Environmental Quality - IEQ) là một tiêu chí quan trọng khác trong LEED, tập trung vào việc cải thiện không khí, ánh sáng và thông gió tự nhiên trong công trình. Các tòa nhà được chứng nhận LEED thường sử dụng vật liệu không phát thải hoặc phát thải thấp VOC (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi), góp phần bảo vệ sức khỏe cư dân và giảm nguy cơ các bệnh liên quan đến môi trường sống. Một ví dụ tiêu biểu là The Crystal ở London, một trung tâm bền vững toàn cầu của Siemens, được thiết kế với hệ thống ánh sáng tự nhiên tối đa và các giải pháp thông minh nhằm đảm bảo chất lượng không khí và giảm tiêu thụ năng lượng.
USGBC (2024)Tiêu chuẩn LEED đánh giá các công trình dựa trên một hệ thống điểm với các hạng mục chính như vị trí và kết nối giao thông, hiệu quả sử dụng nước, năng lượng và khí quyển, vật liệu và tài nguyên, và chất lượng môi trường trong nhà. Dựa trên số điểm đạt được, các công trình sẽ được cấp các mức chứng nhận khác nhau: Certified (40-49 điểm), Silver (50-59 điểm), Gold (60-79 điểm) và Platinum (từ 80 điểm trở lên). Ngoài ra, LEED cũng khuyến khích sự đổi mới trong thiết kế thông qua các hạng mục như Innovation (IN) và ưu tiên khu vực (Regional Priority - RP), giúp các công trình linh hoạt áp dụng các giải pháp sáng tạo phù hợp với đặc thù địa phương.
Ứng dụng tiêu chuẩn LEED trong ngành xây dựng mang lại nhiều lợi ích to lớn, từ môi trường, kinh tế đến xã hội. Về mặt môi trường, LEED giúp giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và cải thiện chất lượng không khí. Về kinh tế, các công trình LEED có chi phí vận hành và bảo trì thấp hơn, nhờ sử dụng năng lượng và nước hiệu quả, đồng thời tăng giá trị bất động sản nhờ sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Về xã hội, các công trình đạt chuẩn LEED tạo ra môi trường sống lành mạnh hơn, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho cư dân.
Việc triển khai LEED cũng gặp một số thách thức, bao gồm chi phí đầu tư ban đầu cao, quy trình đánh giá phức tạp và thiếu nhận thức ở nhiều khu vực. Dù vậy, xu hướng toàn cầu đang ủng hộ mạnh mẽ các giải pháp bền vững trong xây dựng, cùng với sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức quốc tế, tạo ra cơ hội lớn để LEED ngày càng phổ biến. Việc nhân rộng các công trình đạt chuẩn LEED không chỉ giúp ngành xây dựng chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn mà còn đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai.
Giáo dục và nâng cao nhận thức về lợi ích của kinh tế tuần hoàn đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi sang một ngành xây dựng bền vững hơn. Đầu tư vào các phương pháp xử lý CDW hiệu quả như tái chế bê tông, thép, và các vật liệu không tái tạo khác giúp giảm chi phí dài hạn và tạo ra giá trị kinh tế mới. Các quốc gia có thể học hỏi các mô hình quản lý CDW thành công từ EU và Hoa Kỳ để áp dụng vào bối cảnh địa phương. Kinh tế tuần hoàn là một giải pháp môi trường và là cơ hội để ngành xây dựng chuyển đổi, tạo ra một tương lai bền vững và phát triển kinh tế lâu dài./.
- Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phát triển trong điều kiện mới
- Hỗ trợ sinh kế bền vững cho nông hộ theo định hướng kinh tế tuần hoàn
- Doanh nghiệp trong xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay