ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 04h48 05/06/2021

Kỷ niệm 110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021): Hành trình vĩ đại của một con người vĩ đại

(KDPT) – Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021), PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có bài viết dành riêng cho Kinh doanh và Phát triển về ý nghĩa của sự kiện mang tầm vóc lịch sử này.

Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (L’Admiral Latouche Trévill), nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước (6/1911).

Về hướng đi

Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước. Điều khác biệt và cũng đặc biệt là Người không làm theo cách thức cũ, hướng cũ mà các bậc cha anh thường làm. Lần xuất dương đầu tiên của người thanh niên xứ Nghệ này lại nhằm phương Tây, khác với con đường truyền thống đi sang phương Đông của các bậc tiền bối. Người từng viết: Hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”.

Sau này, trong dịp trò chuyện với những người đồng chí của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng, Người tôn trọng và đánh giá cao tinh thần ái quốc của các thế hệ đi trước, nhưng Người không đồng tình sự lựa chọn đó bởi không mang lại hiệu quả. Trả lời nhà văn Mỹ Anna Luy Xtơ-rông về sự lựa chọn của mình, Người nói: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có cả ông cụ thân sinh ra tôi, lúc đó thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp được Việt Nam thoát khỏi sự thống trị của thực dân Pháp? Có người cho rằng nhờ người Anh, có người nói nhờ người Mỹ. Tôi (Hồ Chí Minh – TG) thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. [1] Chuyến đi của Người sang phương Tây là một sự kiện mới rất đặc biệt chưa từng xảy ra.

Mục đích của chuyến đi

Khác với các thế hệ cha anh trước đây thường xuất dương sang phương Đông, lên phương Bắc để cầu viện, để học hỏi, để tập hợp lực lượng, để đào tạo cán bộ, nhân lực đưa về nước tổ chức hoạt động; chuyến đi của Nguyễn Tất Thành lại nhằm tìm ra con đường cứu nước ở chính đất nước đang áp đặt ách thống trị lên Việt Nam. Người muốn đến tận nơi để hiểu rõ hơn câu khẩu hiệu – tiêu chí của cuộc cách mạng tư sản “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” được chính phủ Pháp thực hiện như thế nào ở chính quốc và lý giải tình cảnh người dân Việt Nam đang phải chịu đựng dưới sự đàn áp, bóc lột của thực dân, tư bản Pháp.

Với trí tuệ mẫn tiệp, Người quan sát, suy nghĩ về các trào lưu yêu nước, dân tộc, các cuộc khởi nghĩa nổ ra liên tục trong nước nhưng đều không thành công, đặt ra câu hỏi cần phải có lời giải đáp đó là vì sao các phong trào, cuộc vận động, các cuộc khởi nghĩa đó thất bại? Nếu vẫn theo suy nghĩ cũ, phương cách cũ, chắc chắn kết cục cũng không thay đổi. Vì thế, vấn đề đặt ra là phải tìm hướng đi mới, đối tượng mới, cách thức mới và cả lực lượng mới; phải có sự kết hợp giữa lực lượng ở trong nước với lực lượng ở bên ngoài, với sự giúp đỡ của các nước thì sự nghiệp cứu nước mới có kết quả. Với suy nghĩ như vậy, Người đã lên đường.

Đơn độc một mình

Đây là điều đặc biệt với một người thanh niên chưa từng ra nước ngoài, hành trang chỉ có đôi bàn tay với ý chí quyết tâm mãnh liệt. Chúng tôi cũng chưa có được tư liệu chứng minh trước khi lên tàu xuất dương, Người có trò chuyện, xin phép người cha thân yêu – cụ phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (còn gọi là Nguyễn Sinh Huy (1862- 1929)) – về mục đích chuyến đi, hay không hay đây chính là ý định đã được nung nấu từ lâu và Người tìm mọi cách thực hiện cho được, kể cả sự không đồng ý của gia đình?.

Người xuất dương là nhằm tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc. Điều này xuất phát từ lòng yêu nước trao truyền, hun đúc trong dòng máu của gia đình, quê hương của Người, xuất phát từ ý thức dân tộc, từ hoài bão “phải có danh gì với núi sông” của tuổi trẻ.

Tuy nhiên, cuộc ra đi của Người lại chỉ có một mình. “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi. Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết như vậy để nói lên cảm xúc của mình trước sự quyết tâm “dấn thân” của Người đến một phương trời xa xôi, chưa được định hình một cách chi tiết, cụ thể về cuộc sống sinh hoạt cũng như cách làm như thế nào để tìm ra con đường cứu nước. Mục đích sự ra đi của Người là rõ ràng nhưng mục tiêu hướng tới, tìm đến quả là chưa cụ thể, nhưng không thể nói là mơ hồ, gặp chăng hay chớ. Chỉ có lòng yêu nước mãnh liệt, ý chí kiên định về giải phóng dân tộc, nhân dân khỏi cảnh áp bức, lầm than và lòng quả cảm mới đưa Người tới quyết định có tính lịch sử như vậy. Phong trào Đông Du, vận động đưa được khoảng 200 người Việt Nam sang Nhật học tập, do Phan Bội Châu khởi xướng và tổ chức trong những năm đầu thế kỷ XX, là phong trào khá quy mô, có tính tổ chức cao, mục đích rõ rang, mục tiêu cụ thể, là ví dụ về sự khác biệt so với chuyến ra đi của Nguyễn Tất Thành.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Hành trình kéo dài ba thập kỷ

Với công việc làm phụ bếp, trên chiếc tàu vận tải mang tên Đô đốc Latútsơ Trêvin, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Văn Ba) rời Sài Gòn bắt đầu cuộc hành trình đặc biệt trong cuộc đời của mình và có tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến vận mệnh của cả nước Việt Nam và thế giới sau này. Tìm hiểu về chuyến đi ra nước ngoài có thể nói là dài nhất về mặt thời gian đối với cuộc đời một con người, không phải để định cư, không phải để kiếm sống, mà chủ yếu là để tìm hiểu, quan sát, học hỏi, vận động sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, tập hợp tổ chức lực lượng… nhằm mục tiêu cứu nước, giải phóng dân tộc, có thể chia ra ba thời đoạn, tương ứng với khoảng thời gian một thập kỷ là một thời đoạn, để thấy được hành trình hoạt động sôi nổi, phong phú của Người, thể hiện qua các sự kiện chủ yếu dưới đây:
Thời gian từ tháng 6/1911 đến 12/1920

Đây là 10 năm đầu Người vừa lao động kiếm sống vất vả bằng nhiều công việc khác nhau cả ở trên tàu biển và khi ở trên bộ, ở nhiều đất nước, châu lục khác nhau, thời gian dài ngắn khác nhau. Đây cũng là thời gian Người quan sát, tìm hiểu, tự học tập, viết báo, tham gia các tổ chức, đảng phái, đến với chủ nghĩa Mác – Lênin và tìm thấy con đường cứu nước chân chính cho dân tộc Việt Nam.

Trong tổng số 28 nước Người đã tới trong 30 năm ở nước ngoài (1911- 1941), thì 10 năm đầu, Người đã có mặt đi qua 21 nước. Nhiều nước trong số các quốc gia này, Người chỉ ghé qua trên hải trình của con tàu Người làm việc trên đó. Trong quãng thời gian này, có ba nước Người lưu lại lâu nhất là Mỹ (1912-1913), Anh (1913-1917), và Pháp (1917-1923). Đi qua bất cứ nơi đâu, dù thời gian dài hay ngắn, Người cũng tranh thủ quan sát, tìm hiểu đời sống của người dân nơi đó, đặc biệt là người dân ở cá nước đang là thuocj địa của chủ nghĩa tư bản, thực dân. Người xúc động trước cảnh sống khổ cực, bị áp bức, bóc lột của người dân các nước, không khác gì cảnh ngộ của đồng bào ở quê hương. Người nhận thấy ở đâu người dân cũng mong muốn được sống tự do, thoát khỏi ách thống trị, bóc lột của thực dân. Vì thế, điều cần thiết là phải tìm cách đoàn kết, tập hợp những người bị áp bức, các dân tộc bị nô dịch lại để đấu tranh giải phóng con người, giải phóng dân tộc.

Đây cũng là khoảng thời gian Người làm nhiều nghề, nhiều loại công việc khác nhau để kiếm sống. Từ công việc của bản thân, Người cũng thấu hiểu và đồng cảm với những người lao động ở cá nước và càng nhận thấy phải có sự liên kết chặt chẽ giữa cuộc đấu tranh của người dân các nước thuộc địa với giai cấp công nhân ở chính quốc.

Những năm cuối của giai đoạn này Người sống ở nước Pháp. Đây là những năm đánh dấu sự chuyển biến mang tính bước ngoặt trong hành trình tìm đường cứu nước của Người. Có 3 sự kiện nổi bật minh chứng cho điều đó.

Thứ nhất, tháng 6/1919, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, gửi tới Đoàn đại biểu Pháp dự Hội nghị Hòa bình ở Véc xây bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Người ký tên bên dưới bản Yêu sách là Nguyễn Ái Quốc (Người Việt Nam yêu nước họ Nguyễn). TIếp đó, Người viết thư gửi Tổng thống Mỹ dự Hội nghị Hòa bình Véc-xây đề nghị lưu ý và ủng hộ bản Yêu sách gồm tám điểm này. Tuy các nước tham dự Hội nghị Véc-xây không xem xét nhưng sự kiện này đánh dấu hoạt động chính trị công khai gây tiếng vang đầu tiên của Người với tên gọi Nguyễn Ái Quốc.

Thứ hai, tháng 7/1920, Người đọc được trên báo Nhân Đạo (L’ Humanité) bài viết của Lênin có tiêu đề: Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Đây là bản Sơ thảo mà Lênin, lãnh tụ và là người thầy của phong trào cách mạng vô sản thế giới, người đứng đầu Quốc tế Cộng sản thứ ba (thành lập năm 1919) chủ động cho đăng tải để tham khảo ý kiến của những người cộng sản, những người yêu nước trên toàn thế giới, trước khi trình bày tại Đại hội lần thứ hai của Quốc tế Cộng sản. Trong văn kiện này, Lênin đã mạnh mẽ phê phán các quan điểm sai lầm của những người đứng đầu Quốc tế Cộng sản thứ hai về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, lên án tư tưởng sô vanh, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ích kỷ đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của các Đảng Cộng sản là phải tìm cách giúp đỡ một cách thực sự, hiệu quả phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân cá nước thuộc địa; khẳng định sự cần thiết phải đoàn kết giữa giai cấp vô sản các nước tư bản với quần chúng lao động của tất cả các dân tộc để chống lại kể thù chung là tư bản, thực dân, phong kiến.

Văn kiện này đã thực sự giải đáp cho Người về con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân mà Người đi tìm bấy lâu nay. Sau này, Người nhớ lại cảm giác xúc động sau khi đọc Luận cương của Lênin: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ và tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lê nin, tin theo Quốc tế thứ ba”[2]

Một điều khá đặc biệt là những nội dung trong bản Yêu sách tám điểm mà Người gửi đến Hội nghị Véc-xây, tuy có nội dung rất cụ thể nhưng lại giống với tinh thần bản Luận cương của Lênin, trong khi bản Yêu sách lại viết trước tới 1 năm so với Luận cương của Lênin. Đây là điểm trùng hợp thú vị và độc đáo vì suy nghĩ và ý tưởng của hai nhà cách mạng lại “gặp nhau” ở vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Sau này, Người nói: “Lúc bấy giờ tôi ủng hộ cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình, trước đó tôi chưa hề đọc một cuốn sách nào của Lênin”[3]

Việc đọc được Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa là trở thành dấu mốc vô cùng quan trọng trong quá trình tìm đường cứu nước của Người, đưa Người từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Lênin, giúp Người giải đáp được những vấn đề về mặt lý luận của cách mạng giải phóng dân tộc.

Thứ ba, đó là sự kiện Người tham dự Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tổ chức tại thành phố Tua (Tours) tháng 12/1920 với tư cách là đại biểu Đông Dương. Trước đó, Người tham gia các hoạt động của Ủy ban Quốc tế III của Đảng Xã hội, một trong những tổ chức đảng phái lớn nhất ở Pháp lúc đó, nhằm vận động Đảng Xã hội gia nhập Quốc tế Cộng sản III. Ngay tại Đại hội Tua, Người đã cùng một số thành viên Đảng Xã hội Pháp tách ra thành lập Đảng Cộng sản Pháp để tổ chức này gia nhập Quốc tế III với tư cách là phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản.
Giải thích về quyết định của mình, Người viết: “…Tôi hiểu rõ một điều Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Quốc tế III nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ. Còn Quốc tế II không hề nhắc tới vận mệnh các thuộc địa, vì vậy tôi bỏ phiếu tán thành Quốc tế III. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[4].

Với việc gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, người thanh niên yêu nước họ Nguyễn đã đến với chủ nghĩa cộng sản, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, chiến sĩ cách mạng quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Một bước ngoặt quan trọng đã mở ra trong cuộc đời hoạt động của Người.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tours, năm 1920. (Ảnh tư liệu).

Thời gian từ 1921 đến 1929

Đây là quãng thời gian hoạt động thực tiễn rất phong phú và sôi nổi của Người, sau khi đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc. Trong 10 năm này, tuy Người chỉ có mặt ở 11 nước thời gian dài, ngắn khác nhau (Xrilanca (1928); Pháp (1921-1923; 1927); Đức (1923; 1927-1928); Ý(1928); Thụy Sĩ (1928); Liên Xô (1923-1924; 1927); Trung Quốc (1924-1927; 1929); Nhật (1924); Bỉ (1927); Thái Lan (1928-1929); Lào (1928-1929)[5], nhưng ba nước Pháp, Liên Xô, Trung Quốc là những quốc gia Người có những hoạt động nổi bật.

Tại Pháp, vẫn vừa phải lao động kiếm sống nhưng Người đã tham gia các hoạt động liên tục đóng góp cho phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc nói chung và phong trào cách mạng ở Việt Nam. Dưới đây là những hoạt động chủ yếu:

Người tham gia với tư cách là Ủy viên Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp (6/1921).

Người tham gia dự phiên họp đầu tiên của Hội Liên hiệp thuộc địa (4/10/1921) và trở thành thành viên tích cực của tổ chức này.

Người tham gia sang lập báo Người cùng khổ (Le Paria), số 1 ra ngày 1/4/1922. Các bài viết của Người tố cáo tội ác của chủ nghĩa đế quốc Pháp đối với nhân dân các nước thuộc địa đăng trên báo Người cùng khổ sau đó được tập hợp lại thành cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp (1925).

Tại Liên Xô, Người từ Pháp đi qua Đức và đến Lêningrát (Xanh Pêtécbua) ngày 30/6/1923. Trong khoảng thời gian từ 7/1923 đến 10/1924, Người đã tham gia hội nghị lần thứ nhất của Hội Quốc tế Nông dân (10/1923) với tư cách là đại biểu chính thức của nông dân Đông Dương, được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân.

Từ 17/6 đến 8/7/1924, Người tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, phát biểu nhấn mạnh vấn đề dân tộc và thuộc địa, khẳng định tầm quan trọng, vị trí của cách mạng thuộc địa và nêu sự cần thiết phải có sự liên hệ chặt chẽ giữa cách mạng ở chính quốc và phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và cá nước bị nô dịch. Người yêu cầu Quốc tế Cộng sản phải giúp đỡ cách mạng thuộc địa về tổ chức, về cán bộ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng.

Trong thời gian ở Liên Xô, Người làm việc trong cơ quan của Quốc tế Cộng sản, tham dự các hoạt động quan trọng của Quốc tế Cộng sản. Người theo học một khóa ngắn hạn tại trường Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông (còn gọi là trường Đại học Phương Đông). Người tham dự Đại hội Quốc tế Công đoàn; Đại hội Quốc tế Thanh niên; Tổ chức Quốc tế cứu trợ các chiến sĩ cách mạng (còn gọi là Quốc tế cứu tế đỏ); Quốc tế phụ nữ,…

Tháng 10/1924, Quốc tế Cộng sản đồng ý với đề nghị của Nguyễn Ái Quốc được về nước với tư cách là ủy viên Ban Phương Đông, phụ trách văn phòng Phương Nam của Quốc tế Cộng sản, theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trên cơ sở được giao trách nhiệm như vậy, Người đã đề nghị Quốc tế Cộng sản cho Người đóng vai phiên dịch cho cố vấn Bôrôđôn, bên cạnh Chính phủ Trung Hoa Dân quốc do Tôn Trung Sơn làm Tổng thống.

Tại Trung Quốc, địa điểm đầu tiên Người đặt chân đến là thành phó Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, nơi lúc đó được mệnh danh là Mátxcơva của phương Đông, vào đầu tháng 11/1924. Đây cũng là nơi trú chân của nhiều nhà hoạt động yêu nước và cách mạng Việt Nam thời đó. Mục đích đến Quảng Châu của Người nhằm từng bước thực hiện tâm nguyện: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập[6].

Khoảng thời gian tờ 1924 đến 1927 ở Quảng Châu là khoảng thời gian Người chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Người cải tổ Tâm tâm xã, thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925); vận động đưa người từ trong nước sang; liên hệ gửi vào trường Quân chính Hoàng Phố; ra báo Thanh Niên;tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cho phong trào cách mạng trong nước, đã trực tiếp biên soạn, giảng bài cho học viên các lớp này, sau đó tập hợp lại thành cuốn sách Đường Kách mệnh. Đây là tác phẩm mang tính lý luận đầu tiên của cách mạng Việt Nam, là cơ sở cho việc hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam sau này.

Sau sự kiện Tưởng Giới Thạch làm chính biến, đóng cửa trường Quân chính Hoàng Phố (cuối 1927). Người chỉ đạo một số cán bộ Việt Nam tham gia Công xã Quảng Châu, ủng hộ Cách mạng Trung Quốc. Người rời Trung Quốc trở lại Mátxcơva và sang năm 1928, Người trở lại khu vực Đông Nam Á, Nam Á, đến Xirilanca, Thái Lan, Lào, Malaixia… để gây dựng cơ sở cách mạng tại ccác nước này đồng thời tiếp tục theo dõi, chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Thời kỳ 1930 – 1/1941

Cuối năm 1929, được biết ở Việt Nam đã thành lập các tổ chức cộng sản ở cả ba miền nhưng các tổ chức này không thống nhất, đoàn kết, còn công kích, tranh giành ảnh hưởng của nhau. Trước tình hình đó, Người đã từ Thái Lan sang Hương Cảng (Hồng Công), lấy danh nghĩa là phái viên của Quốc tế Cộng sản, triệu tập đại diện của các tổ chức cộng sản từ trong nước sang, tổ chức Hội nghị hợp nhất thành lập một chính đảng cộng sản duy nhất ở Việt Nam. Hội nghị có sự tham dự của đại diện Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, họp từ 6/1 đến đầu tháng 2/1930, đã thảo luận và thông qua các văn kiện do Người soạn thảo: Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Hội nghị đã nhất trí đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc tổ chức thành lập Đảng là công lao to lớn của Người đối với cách mạng Việt Nam. Từ đây, phong trào cách mạng Việt Nam đã có một chính đảng, có đường lối đúng đắn, phù hợp lãnh đạo, là điều kiện quyết định đảm bảo thắng lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta.

Sau sự kiện lịch sử thành lập Đảng, Người đi Malaixia tham gia thành lập Đảng Cộng sản Mã Lai (4/1930); theo dõi, chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, báo cáo Quốc tế Cộng sản về cao trào cách mạng 1930 – 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ – Tĩnh. Tháng 6/1931, Người bị thực dân Anh bắt và giam ở Hồng Công đến cuối năm 1932 mới được trả tự do. Người trở lại Liên Xô, được phân công phụ trách nhóm sinh viên Việt Nam tại viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Sau đó, tháng 10/1934, Người được nhận vào học tại trường quốc tế Lênin. Từ đó cho đến năm 1938, Người vừa làm nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, tham dự Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản (1935), đề nghị Quốc tế Cộng sản tạo điều kiện trở về nước hoạt động.
Từ tháng 10/1938, Người rời Mátxcơva đi về Trung Quốc, tham gia vào các hoạt động của phong trào cách mạng Trung Quốc và bắt liên lạc, chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị điều kiện để trở về nước lãnh đạo cách mạng; mở lớp huấn luyện cán bộ Việt Nam; viết báo gửi về nước đăng trên các tờ báo của Đảng…

Ngày 28/1/1941, Người cùng một số cán bộ vượt qua cột mốc số 108 trên biên giới Trung Quốc – Việt Nam, đặt chân lên quê hương sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Đây thực sự là cuộc hành trình vĩ đại của một con người vĩ đại.

PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÀ
nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng –
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[1] Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị quốc gia, H, 1993, tập I, tr.46

[2], 2 Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1996, tr.126

[4] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động cảu Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, H, 2001, tr.52

[5] Bảo tàng Hồ Chí Minh – Hồ Chí Minh – Vị Đại sứ Việt Nam trên khắp toàn cầu , Nxb Thanh niên, H, 2012, tr 11-26

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập I, Nxb CHính trị quốc gia, H, 2000, tr.192



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 01/01/2025