ISSN-2815-5823

“Lâu đài” văn hóa tự nhiên

Bỗng một ngày, lính lê dương Jean Boubet xin giải ngũ, bỏ súng tại chỗ để sống và nghiên cứu về Tây Nguyên. Hay Dam Bo bỏ cả đạo và vị trí thừa sai của mình để đi bênh vực và tôn vinh những giá trị văn hóa thiện lành của các sắc dân J’rai, Banah. Hay linh mục Jacques Dournes từng bị “trục xuất” về Pháp vì tội sa đà nghiên cứu văn hóa tộc người mà quên mục đích truyền giáo… Có lẽ, đất rừng Tây Nguyên có sức cuốn hút đặc biệt khiến những ai đến với nó sẽ mê hoặc, không chỉ quan tâm, yêu mến, mà còn bước vào hành trình khám phá. Và như vậy, trong gần 100 năm, người Pháp đã trở thành những người khảo sát và nghiên cứu Tây Nguyên một cách khoa học, liên tục, kỹ càng và đầy đủ nhất.

(KDPT) – Đó là các công trình khoa học nhưng đượm trữ tình, thấm đẫm chất văn chương như nhuộm xanh núi rừng, làm bừng sáng nét đẹp của những con người sống tối giản ở bon làng sơn nguyên… Mỗi tác phẩm của học giả Pháp về Tây Nguyên, bởi vậy, là kho tài sản vô giá để hiểu và cư xử đúng với mảnh đất này.

Dưới tán cây rừng

“Ở Tây Nguyên, cái gì mình làm thành công là do mình hiểu, cái gì làm hỏng là do mình không hiểu về lịch sử, phong tục tập quán của con người nơi đó… Tất cả các công trình của người Pháp nghiên cứu trong 100 năm đã cho ta tri thức mênh mông để hiểu về Tây Nguyên”.

Nhà văn Nguyên Ngọc

Tây Nguyên dưới con mắt học giả Pháp như “lâu đài” văn hóa tự nhiên

Có những người Pháp thậm chí còn tường tận Tây Nguyên như Henri Maitre, vào những năm 1909 – 1911, đi khắp Tây Nguyên và ghi nhật ký hành trình không thiếu vùng nào. Ông viết “sơn văn” mô tả các ngọn núi lịm xanh huyền hoặc, “thủy văn” mô tả các con nước trong phụ lưu, con suối, rồi hệ thống động thực vật, căn cứ phương ngữ để phân loại các tộc người, tổ chức xã hội ở đây… Hay nhà dân tộc học Geoges Condominas “quên mình là người Pháp” để sống giữa ngôi làng của người M’nông, tự học ngôn ngữ bản địa, hòa nhập và nghiên cứu về họ. Tác phẩm Chúng tôi ăn rừng (Nous avons mangé la forêt de Génie Gô, dịch đúng là Chúng tôi ăn rừng đá Thần Gô) là khảo sát về chu kỳ một năm nông nghiệp của người M’nông ở phía Nam Đắk Lắk (hiện thuộc tỉnh Đắk Nông). Đây là một phát hiện thú vị về cách tộc người lấy không gian để đo thời gian bấy giờ.

Cũng có những công trình không thuần nghiên cứu mà hòa nhập ngay đời sống cộng đồng. Như vị công sứ của tỉnh Đắk Lắk thời đó là Léopold Sabatier, ông là người tìm và dịch Trường ca Đam San nổi tiếng sang tiếng Pháp, giới thiệu đặc sắc Tây Nguyên với thế giới, cũng là người đầu tiên sưu tập được bộ luật tục của người Êđê và nhạy bén ứng dụng nó. Ông lập một tòa án luật tục, mời chánh án chính là ông Vua voi (người được tôn xưng do bắt được nhiều voi nhất) của dân tộc Êđê. Ông tập hợp các tù trưởng Êđê và tổ chức hội ăn thề, dựa theo cách nhớ của người Êđê, sáng tác một bản văn vần để các tù trưởng đọc trong hội ăn thề đó. Kho “tiếp biến” văn hóa này được thể hiện trong cuốn Palabre du serment (Lời ăn thề).

“Biến thành gia tài của mình”

Phải đi đường dài và mất nhiều năm để các học giả Pháp tìm hiểu Tây Nguyên, nhưng sự công phu, kỹ lưỡng ấy được bù đắp bằng những tác phẩm giá trị về lịch sử, dân tộc học. Như Jacques Dournes trong suốt 15 năm sinh sống ở Tây Nguyên để khám phá thiết chế xã hội của dân tộc này. Cuốn Potao, một lý thuyết về quyền lực ở người J’rai Đông Dươngđến giờ là tài liệu quý cho những ai muốn hiểu về cách tổ chức xã hội của người J’rai, hay Coordonées, structures jrai familiales et sociale (Tọa độ) cung cấp cách định vị bản sắc con người J’rai trong cộng đồng. Dournes chỉ ra yếu tố cơ bản nhất của các tộc người ở Tây Nguyên là rừng và làng, riêng với người J’rai thì quan trọng không phải làng mà là họ thuộc thị tộc nào trong số thị tộc quy ước. Đặc sắc riêng, chung đó có hiểu mới biết ứng xử, hòa đồng với người bản địa được.

Có thể thấy, dưới con mắt của học giả Pháp, Tây Nguyên hiện lên sinh động. Họ chạm đến cái gốc của văn hóa nơi đây, gọi Tây Nguyên là “lâu đài” văn hóa tự nhiên, là quỹ giá trị văn hóa trù phú và nền văn minh rừng… Mỗi tác phẩm nghiên cứu thấm đầy tính văn chương, thể hiện hình ảnh những con người sống ở bon làng sơn nguyên… mà đến nay, vẫn là tư liệu để hiểu mảnh đất này. Có điều, phần lớn khối “tài sản” ấy đang nằm trong các thư viện ở Pháp, Đức, Mỹ, hay EFEC (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp) hoặc thuộc về một vài người chuyên giảng dạy, nghiên cứu về dân tộc học và văn hóa…

Trong những năm qua, nhà văn Nguyên Ngọc cùng một số dịch giả tâm huyết đã dịch các công trình nghiên cứu của học giả Pháp về Tây Nguyên. Tuy nhiên, tới giờ số sách dịch chỉ là một phần rất nhỏ (chưa đầy 20 cuốn) trong hàng trăm tác phẩm đáng đọc. Kho tri thức mênh mông cần một kế hoạch dịch thuật bài bản, với sự huy động dịch giả không chỉ thạo ngoại ngữ mà còn am hiểu văn hóa Tây Nguyên. Công việc ấy, theo nhà văn Nguyên Ngọc, không dễ dàng nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng. “So với thời điểm người Pháp nghiên cứu thì Tây Nguyên hiện nay thay đổi rất nhiều. Muốn làm điều gì trên một thực tế đang thay đổi đều phải hiểu cái gốc của nó. Cách hiểu ấy chính người Pháp đã làm thay mình, hãy biến nó thành gia tài của mình, ta sẽ thấy được mình có những gì…”.

theo Thái Minh

daibieunhandan.vn

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024