Đầu năm 2023, sau khi nghe có thông tin tuyển dụng lao động với lời hứa “việc nhẹ lương cao” được truyền miệng từ nhiều người trong xã Lìa, huyện Hướng Hóa, anh Hồ Văn Xơi quyết định cùng với anh trai Hồ Văn Son đăng ký vào làm việc cho một trang trại chăn nuôi ở tại xã N’ Thôi Hạ, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 17/2/2023, Hồ Với Xơi, Hồ Văn Son và 16 người cùng sinh sống ở xã Lìa, được một ô tô đón ra ngã ba Tân Long (xã Tân Long, huyện Hướng Hóa), rồi lên xe giường nằm để đi vào tỉnh Lâm Đồng. Khi đến địa phận thành phố Đông Hà thì mọi người được yêu cầu ký cam kết vào hồ sơ việc làm là chăn nuôi lợn.

Vào đến tỉnh Lâm Đồng, 18 người được chia thành các nhóm nhỏ để làm việc ở nhiều nơi khác nhau, nhưng phần lớn công việc lại không đúng như thỏa thuận ban đầu. Riêng nhóm của Hồ Văn Xơi, Hồ Văn Son, Hồ Văn Thao, Hồ Văn Với được bố trí chỗ ở cùng nhau, tự lo ăn uống, mỗi ngày làm việc 8 tiếng và mức lương là 7 triệu đồng mỗi tháng.

Vì công việc không như thỏa thuận ban đầu nên mọi người có nguyện vọng trở về nhà, thế nhưng chủ sử dụng lao động yêu cầu phải tiếp tục làm việc, nếu không hợp tác thì sẽ bị bán lại cho trang trại khác ở xa hơn, còn muốn được về nhà thì phải nộp tiền chuộc.

Lời cảnh tỉnh cho những ai muốn tìm “việc nhẹ lương cao” qua mạng xã hội
Người dân ở vùng núi huyện Hướng Hóa truyền tai nhau về "công việc nhẹ nhàng, lương cao". Ảnh: Khương Hoàng

Anh Hồ Văn Xơi - nạn nhân vừa trở về từ Lâm Đồng, vẫn chưa hết bàng hoàng, kể lại: "Khi thấy chúng tôi muốn về thì họ bắt đầu đòi tiền, đầu tiên là họ muốn giữ để làm việc. Khi chúng tôi nói là công việc không phù hợp nên không thể làm được và mọi người chỉ muốn về nhà. Lúc ấy họ tìm cách liên lạc với gia đình chúng tôi và yêu cầu gửi tiền chuộc mới được về”.

Liên tục trong những năm gần đây, với chiêu bài tìm "việc nhẹ, lương cao" ở trong nước và nước ngoài, hàng chục người dân tộc thiểu số tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông đã bị các đối tượng lừa tiền rồi bỏ mặc. Tuy nhiên, tất cả các gia đình bị hại đều không thông báo cho chính quyền địa phương biết, điều này khiến cho việc xác minh, quản lý công dân của cấp xã gặp rất nhiều khó khăn.

"Chính quyền địa phương đã khuyến cáo, đối với các công ty, đơn vị sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng thì địa phương sẽ cho biết cụ thể, còn trường hợp con em mình tự tìm việc thì cần xác định công việc có nguồn gốc rõ ràng, có tính ổn định lâu dài, công việc trực tiếp là gì, ở đâu, mức lương như thế nào, công ty, đơn vị đó có hợp pháp hay không", ông Hồ Văn Tà Ngà - Phó Chủ tịch UBND xã Lìa, cho biết.

Lời cảnh tỉnh cho những ai muốn tìm “việc nhẹ lương cao” qua mạng xã hội
Ông Hồ Văn Tà Ngà, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa. Ảnh: Khương Hoàng

Còn đối với trường hợp anh Lê Minh Đức, sinh năm 1999, ở khóm 4, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, được mẹ đưa vào làm việc tại Công ty Giày Việt Vinh ở Đồng Nai. Thế rồi trong những lần đi chơi game ở quán Internet, Đức được một người lạ kết bạn rồi rủ đi Tây Ninh tìm “việc nhẹ, lương cao”. Ngày 23/2/2022, Đức được dẫn lên khu vực biên giới ở Tây Ninh và bị hai đối tượng dùng dao khống chế dẫn sang đất Campuchia, sau đó tiếp tục đưa lên khu biệt lập tại tỉnh Sihanoukville. Tại đây, Đức được giao nhiệm vụ làm việc trên mạng xã hội để lừa đảo người Việt Nam. Sau khi bỏ trốn với sự can thiệp của lực lượng chức năng Campuchia, Đức được cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Campuchia giúp đỡ để về nước. "Tại đó, mình chỉ dùng máy điện thoại vào Messenger, Zalo hoặc Facebook thông tin về Việt Nam bằng mọi cách để thu hút nhiều người theo làm việc là được, với câu khẩu hiệu luôn luôn phải có là “việc nhẹ lương cao” - anh Lê Minh Đức nói.

Theo các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân, nhất là nhu cầu đi lao động trong nước và nước ngoài, với mong muốn có mức lương cao, cho nên nhiều đối tượng đã đưa ra những lời mời chào đầy hấp dẫn, ngon ngọt để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người lao động. Trong khi đó, người lao động tại khu vực miền núi thiếu kiến thức, thiếu thông tin liên quan đến các quy định về xuất khẩu lao động, nhưng lại muốn đi nhanh với chi phí thấp cho nên đã trở thành nạn nhân.

Thiết nghĩ, để tạo sinh kế bền vững cho bà con huyện miền núi, chính quyền các cấp và UBND tỉnh Quảng Trị cần tìm ra giải pháp giảm nghèo hữu hiệu cho bộ phận dân cư vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, xuất khẩu lao động là một trong những kênh đem lại hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời phải bảo đảm tính an toàn, khả thi, tránh người dân sập bẫy các đối tượng lừa đảo, thì các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền sở tại phải cùng vào cuộc, thực hiện đồng bộ các khâu: Hướng nghiệp, đào tạo nghề, tăng cường thông tin, liên kết xuất khẩu lao động chính thống, và tăng vốn vay cho người lao động dân tộc thiểu số.