ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 08h23 06/11/2020

Lương thực và nông nghiệp có thể gây cản trở những giải pháp chống biến đổi khí hậu

(KDPT) – Theo Tạp chí Science, năng lượng gió và năng lượng địa nhiệt (một loại năng lượng phát ra từ lõi trái đất, có thể ứng dụng tạo ra điện) không đủ để giúp thế giới trở nên mát mẻ hơn. Ngay cả khi có năng lượng xanh, giao thông vận tải và sản xuất cũng hoàn toàn “xanh”, thì khí thải nhà kính từ hệ thống sản xuất và chế biến thực phẩm sẽ khiến thế giới ấm lên hơn 1,5°C, phá vỡ mục tiêu đặt ra trong thỏa thuận Paris 2015.

Trong một nghiên cứu gần đây, các tác giả cho biết, để thế giới có cơ hội ngăn chặn tác hại đáng kể từ biến đổi khí hậu thì cần cải cách nhanh chóng và đáng kể tất cả các khâu của quá trình sản xuất lương thực trên quy mô toàn cầu. Bắt đầu từ giảm nạn phá rừng đến việc giảm tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Peter Smith – một nhà khoa học về đất tại Đại học Aberdeen, người không tham gia vào nghiên cứu cũng đồng ý với quan điểm này: “Ngoài việc chuyển đổi hoàn toàn khỏi nhiên liệu hóa thạch trong những thập kỷ tới, chúng ta cũng sẽ cần một sự chuyển đổi mạnh mẽ về hệ thống lương thực”.

Máy kéo, phân bón và thuốc trừ sâu đều góp phần làm trái đất nóng lên. (Ảnh: Sciencemag).

Michael Clark – một nhà lập mô hình hệ thống thực phẩm tại Đại học Oxford và các đồng nghiệp của ông đã thống kê ra tên các loại khí thải tạo ra từ hoạt động nông nghiệp có khả năng gây hại cho môi trường từ năm 2020 đến năm 2100 nếu nó tiếp tục hoạt động như bình thường.

Carbon dioxide đến từ nhiều nguồn, chẳng hạn như chặt phá rừng nhiệt đới để nhường chỗ cho các cánh đồng và đồng cỏ, hay vận hành máy móc nông trại và sản xuất hóa chất nông nghiệp. Phân bón cũng thải ra oxit nitơ – một loại khí nhà kính khác. Hệ thống tiêu hóa và phân của bò thải ra khí mê-tan, một loại khí làm ấm cực mạnh.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, hiện tại chưa có thay đổi căn bản nào về cách thức sản xuất thực phẩm, nhưng những ảnh hưởng từ nó đối với khí hậu vẫn tiếp tục tăng lên. Họ cũng lấy dự báo dân số từ Liên hợp quốc và áp dụng các giả định tiêu chuẩn về chế độ ăn thay đổi như thế nào khi các quốc gia trở nên giàu có hơn. Theo đó, khi thu nhập tăng lên, mọi người có xu hướng ăn nhiều hơn, tiêu thụ nhiều thịt, sữa và trứng hơn. Đặc biệt các sản phẩm từ động vật có ảnh hưởng đến khí hậu lớn hơn so với thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Song song, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm trong suy nghĩ rằng tất cả các nguồn khí nhà kính khác ngay lập tức bị dừng lại. Hãy thử tưởng tượng: sự chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện, hay các tòa nhà được làm nóng bằng địa nhiệt, năng lượng tái tạo… Với điều kiện khí hậu không tưởng, nhưng không có sự thay đổi trong cách sản xuất thực phẩm, tình hình vẫn “rất đáng sợ”, Clark nói. Mô phỏng cho thấy chỉ riêng hệ thống lương thực sẽ đóng góp đủ lượng khí gây hại cho khí hậu (giả thuyết không có khí thải nào khác), và hành tinh có thể sẽ ấm lên hơn 1,5°C vào khoảng giữa năm 2051 và 2063, nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science.

Các chuyên gia và nhà nghiên cứu về chính sách lương thực đã biết rằng sản lượng lương thực cũng bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên của Trái đất.

Tim Benton – chuyên gia về hệ thống thực phẩm tại Chatham House, một tổ chức tư vấn, người không tham gia nghiên cứu, cho biết mô hình mới có cách tiếp cận nghiêm ngặt và phức tạp hơn so với các phân tích trước đây. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã xem xét chi tiết hơn tác động của khí mê-tan, chất không tồn tại lâu trong khí quyển như carbon dioxide.

Clark nói: “Tin tốt là chúng ta có thể làm được rất nhiều điều. Nhưng chúng ta phải làm mỗi thứ từng chút một”.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét tác động của 5 chiến lược liên quan đến nông nghiệp. Chúng bao gồm thúc đẩy năng suất cây trồng nhanh hơn, có thể làm giảm nạn phá rừng; chuyển sang chế độ ăn với ít sản phẩm động vật hơn; và giảm một nửa lãng phí thực phẩm.

Họ phát hiện ra rằng, không có chiến lược nào trong số này đạt tới 67% cơ hội giữ cho sự nóng lên toàn cầu dưới mức 1,5°C, ngay cả khi tất cả khí thải phi thực phẩm đã được loại bỏ.

Nhưng vẫn chưa quá muộn, nếu giờ chúng ta cùng bắt đầu hành động để thực hiện 5 chiến lược trên thì mục tiêu trong thoả thuận Paris 2015 sẽ nằm trong tầm tay. Điều đó rõ ràng có ý nghĩa với Benton. Ông nói: “Sẽ không có “viên đạn bạc” nào hết. Giải pháp lúc này không chỉ là xe điện và quang điện. Điều cần thiết nhất lúc này vẫn là mỗi người cần phải thay đổi chế độ ăn uống”.

MINH HẠ

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024