Người dân ở các nước nghèo và đang phát triển chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ hệ quả ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa.

Theo Hướng dẫn Chất lượng Môi trường Không khí của WHO, giới hạn trung bình quan trắc định kỳ cho các hạt vật chất có đường kính dưới 2.5 micromet (PM2.5) là 10 μg/m3,ở dạng này hoặc nhỏ hơn thì các hạt vật chất đó có khả năng thâm nhập sâu vào phổi và hệ tim mạch, gây ra những rủi ro lớn đối với sức khỏe con người.

Loại hạt li ti tồn tại trong không khí gồm có những chất như sulfat, nitrat và cacbon đen, được tạo ra chủ yếu bởi xe hơi và xe tải lưu thông trên đường, các nhà máy công nghiệp, nhà máy điện và nông nghiệp. Năm 2016, ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến 4,2 triệu người tử vong.

“Nhiều siêu đô thị trên thế giới có nồng độ PM2.5 vượt quá tiêu chuẩn của WHO tới 5 lần, đồng nghĩa với việc người dân ở đây chịu rủi ro sức khỏe rất lớn”, bà Neira, giám đốc Ủy ban Y tế Công cộng, Môi trường và Ảnh hưởng của Yếu tố Xã hội tới Sức khỏe nói. “Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng mà chúng ta đang đối mặt”.

Người dân châu Á và châu Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Hơn 90% số ca tử vong ở khu vực này có liên quan tới không khí ô nhiễm. Peshawar và Rawalpindi ở Pakistan, Varanasi và Kanpur ở Ấn Độ, Cairo ở Ai Cập là những đô thị có nồng độ ô nhiễm cao nhất. Một số thành phố ở Mỹ, châu Âu và phía đông Địa Trung Hải cũng có nồng độ ô nhiễm không khí vượt quá tiêu chuẩn của WHO.

An An