ISSN-2815-5823

Một cuốn sách giữ vóc dáng hồn quê Việt Nam

(KDPT) - Ra mắt cuốn sách Tây Mỗ Quê hương tôi, cuốn sách tập hợp 77 bài viết được tuyển chọn trong vòng 3 năm, là tác phẩm của những người dành tâm huyết theo đuổi những giá trị xưa cũ.
Tưng bừng hội sách “Xứ Đoài đón Xuân”
Một cuốn sách giữ vóc dáng hồn quê Việt Nam

Mới đây, một số nhà trí thức, các bạn trẻ ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội đã dồn tâm sức, tâm huyết của một người con ở mảnh đất Thăng Long Hà Nội - Tây Mỗ để gom nhặt những ký ức lịch sử, về những con người, những dấu tích truyền thống cốt cách văn hóa làng thuần hậu và lan tỏa. Đây là cuốn sách đã khơi gợi ra một phương thức để chúng ta không chỉ ở Tây Mỗ mà ở nhiều địa phương khác có một cách làm để tự hào về quá khứ, tự hào về con người, cốt cách văn hóa của mảnh đất mà thế hệ hôm nay đang được trao truyền để sống và tiếp tục làm đẹp quê hương đất nước Việt Nam chúng ta.

Trước hết hãy định danh cho nó. Đương nhiên cuốn sách có tên như đã viết trên bìa bản thảo là “Tây Mỗ Quê hương tôi”, nhưng khó xác định sách thuộc thể loại nào: khảo cứu ư, hồi ức ư, sáng tác văn chương ư…? Chẳng phải các thể loại ấy mà cái gì thuộc các thể loại ấy… cũng có trong sách này. Nói cách khác là một cách làm mới. Và điều đáng nói là nó lại mang hơi thở của thời đại mà ta đang sống. Tôn trọng cảm xúc cá nhân, khai thác công nghệ và chia sẻ cộng đồng. Không phải công nghệ cao siêu gì mà dường như nó đang trở thành kĩ năng sống ngày càng phổ cập… Đó là viết facebook mà cách nói dân gian pha chút vui hài là cái thói quen, cái thú “cúng phây”.

Một cuốn sách giữ vóc dáng hồn quê Việt Nam
Sách Tây Mỗ Quê hương tôi

Đúng như những gì trong “Lời giới thiệu” của vị Phó Giáo sư - Tiến sĩ, là một trong các thành viên tổ chức thực hiện cuốn sách này cho biết, đây chỉ là 77 bài được tuyển chọn sau 3 năm hoạt động của một trang facebook mang cái tên nay đã thành tên sách “Tây Mỗ Quê hương tôi”. Đương nhiên và trước hết, đây là những bài viết của những người có thể tự hào nhận rằng “Quê hương tôi là Tây Mỗ” hoặc “Tây Mỗ là quê hương tôi”. Nhưng chúng ta đều biết rằng trong cái thời đại cả toàn cầu “hội nhập” mãnh liệt như ngày nay, việc xác định thế nào là quê hương ngày càng không đơn giản. Là “quê cha đất tổ”, là nơi bản thân mình hay bố mẹ sinh ra, hay chỉ cần là nơi ta có thời gian sống và tạo dựng sự nghiệp... Có biết bao nhiêu người từ muôn phương hội tụ về sinh sống ở Thủ đô không ngừng mở rộng, vậy thì qua mấy đời sẽ là người “Hà Nội gốc” và với “Tây Mỗ”cũng vậy?

Tôi lan man khiến “lời tựa” xa dần cái điểm tựa căn bản nhất là hai chữ “Tây Mỗ”… để thầm tra xem các tác giả viết sách này có phải dân quê, gốc gác của làng Tây Mỗ hay không? Thật khó làm công việc ấy ngay cả trong thời đại “số hóa” đầy tiện dụng này. Bởi lẽ càng ngày người ta càng xa với cái nguyên lí cổ điển về nơi “chôn nhau cắt rốn”, tuy có gần hơn cái nguyên lí mà Chế Lan Viên đã viết thành thơ “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở” nhưng không phải chờ đến lúc “khi ta đi” đất mới “hóa tâm hồn”. Dường như, ngày nay người ta ngày càng thấm hơn cái cách diễn đạt dân giã “đất lành chim đậu”. “Tây Mỗ” chính là “đất lành” vậy.

Lẽ thường, từ xa xưa cho tới ngày nay, các làng xã, dấu tích cổ nhất mà cũng là bền vững hơn cả vẫn được coi như “tế bào” sống của xã hội Việt Nam truyền thống và được ca ngợi như một trong những giá trị cốt lõi tạo nên nền tảng văn hóa Việt Nam. Từ xưa cho đến nay cũng vậy, các làng ưa viết lịch sử, soạn sách địa chí để làm cơ sở xây dựng nếp sống, tạo lập tập quán, xây dựng mĩ tục, kể cả soạn thảo hương ước cho dân làng tuân thủ để bảo lưu cái hay, cái đẹp từ đời này truyền qua đời khác. Cho dù xã hội luôn biến đổi thì cái tâm lí giữ lấy “đất lề quê thói” vẫn coi là điều thiêng liêng.

Xưa kia việc làm ấy thường được giao cho các chức sắc trong làng, đội ngũ nho sĩ, có thể là hưu quan hay có thể là giáo làng, là những người có danh vọng trong dân, soạn rồi còn được triều đình cấp sắc phong, xác nhận các thần phả, ngọc phả cho đến hương ước. Đến thời Tây qua, còn huy động cả Trường Viễn Đông Bác Cổ hỗ trợ… Dưới chế độ của chúng ta thì cơ cấu làng xã đã không những không còn nguyên vẹn mà cái hồn cốt không chỉ bị phôi pha vì những thay đổi rất lớn lao về cơ cấu dân cư, xã hội và kinh tế cũng như thiết chế về chính trị. Công cuộc đô thị hóa, sự xáo trộn về thành phần cư dân càng làm diện mạo và cơ cấu của các làng quê xưa thay đổi. Chỉ còn lại cái tên là bền vững hơn cả. Cái địa danh “Tây Mỗ” có thời chỉ là tên thôn, có lúc lại thành tên làng, tên xã… còn bây giờ thì lại là tên phường của Quận Nam Từ Liêm, một cửa ngõ trọng yếu của Thủ đô Hà Nội.

Trong bối cảnh ấy, một cuốn sách như các bạn đang cầm trên tay chỉ là sản phẩm của rất nhiều cái tên mà yếu tố kèm theo được định vị một cách rất đơn giản, số đông là người của “tổ dân phố”, những cư dân đang sống tại phường Tây Mỗ hiện tại, và những người ấy có thể chọn bất cứ đề tài nào về nội dung, thể tài nào về hình thức, miễn sao viết về “Tây Mỗ Quê hương tôi”.

Một cuốn sách giữ vóc dáng hồn quê Việt Nam
Cuốn sách Tây Mỗ Quê hương tôi gồm 77 bài đọc được lựa chọn sau 3 năm tiếp nhận.

Tôi đã đọc tất cả 77 bài được lựa chọn sau 3 năm tiếp nhận, chia sẻ trên trang facebook và nhận ra không chỉ có những tri thức, những hồi ức, cảm xúc hướng về quá khứ như cầy xới để truyền trao những giá trị xa xưa về vùng đất và những con người đã từng sống tại đây, mà cái gây men cảm xúc cho người đọc dù là người ở phương xa như tôi, lại là thấy được cái thay đổi hàng ngày, cái tương lai rất gần chứa đựng cả những nhân tố tích cực lẫn những nguy cơ có thể làm tổn thương, gây nỗi lo cho những người đang gắn bó thể xác (sống) hay tâm hồn (yêu) mảnh đất đó.

Cứ mở trang mạng ra, tìm đến từ khóa “Tây Mỗ” là đầy rẫy những thông tin về các dự án xây dựng đô thị với những “lời có cánh” về các “Vinhomes”, “Imperia”, “Smart City”… những quảng cáo về đất đai, dự án… và nhiều công trình có thể mang lại những thay đổi tích cực khác như một bảo tàng Lịch sử Quân sự quốc gia, các công trình hạ tầng của một cửa ngõ quan trọng của thành phố cũng đang hình thành… Và cả những băn khoăn quanh ngôi đình đã tồn tại từ thế kỷ XVII cùng những cảnh quan đắt giá về một nông thôn cổ điển tựa bảo tàng sống từng được mệnh danh là “Làng Holywood Tây Mỗ” sẽ ra sao khi kiến trúc và giá đất đô thị đang tràn đến?...

Tôi tin rằng cuốn sách này, nói đúng hơn là với cách làm sách này trong những năm tới sẽ lại có những cuốn “Tây Mỗ Quê hương tôi” tiếp theo được ra mắt. Nó làm cho dòng chảy nhận thức về quê hương Tây Mỗ không chỉ ngược về quá khứ mà thuận theo hiện tại và xuôi tới tương lai… Tôi cũng nhận ra trong cuốn sách này một số không nhiều những cái tên mà biết chắc không có liên hệ quê quán gì với Tây Mỗ, có cả những bạn đồng nghiệp quen biết của tôi làm việc tại các Trung tâm nghiên cứu cũng góp mặt.

Tất cả những điều đó chỉ càng nói lên sức thu hút của Tây Mỗ trong quá khứ và cả tương lai mà cách làm sách này sẽ còn mở ra nhiều chân trời mới rộng lớn và sáng sủa hơn nữa để tôn vinh cái ý niệm “Tây Mỗ Quê hương tôi” của cuốn sách này.

NHÀ SỬ HỌC DƯƠNG TRUNG QUỐC



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024