ISSN-2815-5823

Nam Định: Phát triển kinh tế nông thôn từ sản phẩm OCOP

Cover image
(KDPT) - Nam Định phát triển sản phẩm OCOP trên nền tảng thế mạnh từ nhiều đời nay. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP thuộc ngành du lịch nông thôn.
Quảng Nam: Thị xã Điện Bàn xây dựng nông thôn mới với nhiều kết quả tích cực Xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội: Biến bất lợi thành cơ hội

Phát huy lợi thế là địa phương có sản phẩm nông nghiệp, nông thôn phong phú, đa dạng; có cả trăm làng nghề truyền thống, tỉnh Nam Định đã và đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), coi đây là giải pháp đột phá, yêu cầu bắt buộc nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới…

Nam Định phát triển sản phẩm OCOP trên nền tảng thế mạnh từ nhiều đời nay, nông thôn, nông dân, ngư dân, diêm dân Nam Định đã và đang cung cấp cho xã hội nhiều sản phẩm thiết thực, từ các loại lương thực, thực phẩm (gạo, muối, nước mắm, thủy hải sản của Nam Định nổi tiếng thơm ngon), đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ đến sản phẩm du lịch nông thôn.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, sau gần 5 năm thực hiện, đến hết năm 2023, tỉnh Nam Định đã có 431 sản phẩm OCOP, trong đó có 376 sản phẩm OCOP 3 sao, 55 sản phẩm OCOP 4 sao. Trong số 431 sản phẩm, có 396 sản phẩm OCOP thuộc ngành thực phẩm (93,18%); 15 sản phẩm thuộc ngành đồ uống (3,53%); 4 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ (0,94%); 3 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn (0,71%); 7 sản phẩm sinh vật cảnh (1,65%).

Trong năm 2023, tỉnh Nam Định đã trình Bộ NN&PTNT đánh giá, phân hạng 2 sản phẩm OCOP 5 sao (sản phẩm Gạo Toản Xuân, Nghêu thịt hộp Lenger); dự kiến năm 2024 trình Trung ương đánh giá phân hạng sản phẩm 5 sao cho 1 sản phẩm - Du lịch nông thôn (Ecohost Hải Hậu).

Sản phẩm OCOP trà củ sen và tinh bột củ sen do cơ sở sản xuất của ông Vũ Ngọc Duy (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh) sản xuất.

Theo ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, để gắn kết sản phẩm OCOP của tỉnh với thị trường, những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia hàng chục hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả Trung ương và địa phương; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn đào tạo kỹ năng tham gia hội chợ, triển lãm, kỹ năng thiết kế bao bì, nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm cho các chủ đại diện sản phẩm; tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm.

Tỉnh cũng ban hành cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Như năm 2022, tỉnh thực hiện hỗ trợ 65 tập thể, hộ cá nhân có 91 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, tổng số tiền hỗ trợ 2,5 tỷ đồng, vừa động viên, khuyến khích vừa hỗ trợ các chủ thể sản xuất hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngoài thế mạnh có nhiều sản phẩm OCOP thuộc ngành thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh, những năm qua tỉnh Nam Định tập trung phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP thuộc ngành du lịch nông thôn (du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch), hiện tỉnh có 3 sản phẩm thuộc ngành này tham gia chương trình OCOP.

Hướng đi này xuất phát từ đặc điểm Nam Định là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, thuộc miền duyên hải phía Bắc, giao thông thuận tiện, nông thôn trù phú, nhiều sản vật, đậm đặc các di tích, di sản, công trình tôn giáo, tín ngưỡng (có hơn 800 ngôi chùa; hơn 660 nhà thờ Công giáo), có Vườn quốc gia Xuân Thủy, có các bãi tắm. Phát triển các sản phẩm OCOP về du lịch ngoài nâng cao thu nhập cho người dân sở tại còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

Trong số các sản phẩm OCOP thuộc nhóm trên, sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng của Hợp tác xã Du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân (xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy) nổi tiếng ở Nam Định trong nhiều năm qua. Sản phẩm ra đời xuất phát từ việc xã Giao Xuân nằm ở vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy - một hệ sinh thái đất ngập nước vùng cửa sông. Đặc trưng của Vườn là bạt ngàn cây sú vẹt, mênh mông đầm bãi, có rất nhiều loài thủy sản. Vườn cũng được biết đến như một “ga chim” khi hàng năm các loài chim di trú trên hành trình tránh rét thường về đây “dưỡng sức”, chuẩn bị cho hành trình tiếp theo.

Khách nước ngoài tham quan cầu Ngói cổ ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu.

Sử dụng dịch vụ, du khách được được ăn, nghỉ trong nhà dân ở địa phương; được trải nghiệm thiên nhiên ở Vườn quốc gia, được thưởng thức hải sản, được du khảo đồng quê bằng xe đạp; được giao lưu với người địa phương trong các sinh hoạt văn hóa đậm tính cộng đồng, dân dã.

Ra đời muộn hơn, đi vào hoạt động từ năm 2018 nhưng những năm gần đây sản phẩm du lịch nông thôn “Ecohost Hải Hậu” (của Công ty CP Tư vấn và Đầu tư ECOHOST, chi nhánh huyện Hải Hậu) được nhiều người trong và ngoài Nam Định biết đến, được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Sản phẩm ra đời ở địa bàn một huyện ven biển trù phú, đang hướng đến đích đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, với các dịch vụ lưu trú ở homestay sinh thái, thưởng thức ẩm thực miền biển, xem nghệ thuật hát văn, múa rối nước, tham quan các công trình nhà thờ tôn giáo, cầu Ngói cổ ở xã Hải Anh; tham quan các làng nghề đan lưới (xã Hải Triều), làng nghề kèn đồng (xã Hải Minh); trải nghiệm đời sống nông nghiệp, nông thôn…

Cùng là sản phẩm du lịch sinh thái, sản phẩm du lịch sinh thái Núi Ngăm (một trong số ít ngọn núi ở tỉnh Nam Định, thuộc địa bàn xã Minh Tân, huyện Vụ Bản; cách TP. Nam Định khoảng 10km) cũng thiên về hoạt động trải nghiệm, rất hấp dẫn giới học sinh, sinh viên khi đến đây “vừa được chơi vừa được học”; được khám phá thiên nhiên trong xanh, mát lành quanh núi, chụp ảnh, được bơi thuyền trên sông Ngăm, được đạp xe, được thưởng thức đặc sản bản địa…

Trước đó, Nam Định đã rất nổi tiếng với các sản phẩm du lịch gắn với lễ hội như hội chợ Viềng xuân, Lễ hội Khai Ấn đền Trần (dịp đầu xuân), Lễ hội đền Trần (mùa thu); Lễ hội Phủ Dầy cùng nhiều lễ hội gắn với các di tích nổi tiếng khác ở tỉnh./.

HƯƠNG LAN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/05/2024