ISSN-2815-5823

Ngân hàng sắp giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống mức 30%

(KDPT) - Kể từ ngày 1/10 tới đây, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của ngân hàng sẽ giảm còn 30% từ mức 34% như hiện nay.

Theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 14/8/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thì các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình:

Từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021: 40%. (Thông tư 22 quy định: Từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2020 là 40%; từ ngày 01/10/2020 đến hết ngày 30/9/2021 là 37%).

Từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022: 37%. (Thông tư 22 quy định: Từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 là 34%).

Từ ngày 01/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023: 34%. (Theo Thông tư 22/2019 quy định: Từ ngày 01/10/2022 là 30%).

Và cuối cùng từ ngày 01/10/2023: 30%.

Ngân hàng sắp giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống mức 30%. (Ảnh: SBV)

Như vậy sẽ chỉ còn một tuần nữa, các ngân hàng sẽ phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 30% thay vì 34% như hiện tại.

Tính đến 31/8, huy động vốn của ngành ngân hàng tăng 5,36% so với cuối năm 2022 (tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022).

Theo Ngân hàng Nhà nước, có tới 88% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là tiền gửi dưới 12 tháng, song 52% dư nợ tín dụng của hệ thống lại là trung và dài hạn. Vì thế, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn được giới chuyên gia cho rằng là cần thiết.

Nhằm lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, việc áp dụng Thông tư 08/2020/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng tại Việt Nam kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản, ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.

Tính đến tháng 7/2023, hầu hết các ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn là 34% (áp dụng từ 01/10/2022 đến ngày 30/09/2023).

Theo đó, tỷ lệ này duy trì ở mức 32,66% với nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, cao hơn so với nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (24,97%). Xét chung toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 26,14%.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng cho hay, dư nợ 8 tháng 2023 tăng 3,26% so cuối năm và tăng 5,62% so cùng kỳ. Riêng tháng 8/2023 tăng gần 1% (0,92%) so với tháng 7/2023.

Trong đó, tín dụng ngắn hạn tăng 4,92% so với cuối năm 2022, còn tín dụng trung, dài hạn tăng 1,88%; tín dụng tiếp tục tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ và du lịch với tỷ lệ chiếm khoảng 67% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

KB Securities Việt Nam (KBSV) đánh giá, hầu hết các ngân hàng hiện đều đáp ứng quy định mới của Thông tư 08/2020/TT-NHNN. Cụ thể, thống kê năm 2022 cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới mức 30%, ngoại trừ Ngân hàng Oceanbank với 32%. Kế đó ở một vài ngân hàng lớn, tỷ lệ này lần lượt là: Ngân hàng Techcombank (29%), Ngân hàng Agribank (25%), Ngân hàng Vietinbank (26%) và Ngân hàng BIDV (22%).

Cũng theo KBSV, việc thi hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN là một phần động lực cho các ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn và tập trung phát hành kiỳ hạn dài trong thời gian tới, bên cạnh động lực đến từ mặt bằng lãi suất đã giảm tương đối so với thời điểm trước./.

MỘC TRÀ

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine