ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ sáu, 07h15 11/10/2024

Ngành rượu bia chật vật tìm cánh cửa thoát hiểm

(KDPT) - Doanh số bán hàng xuống mức thấp nhất nhiều năm, hàng loạt thương hiệu bia rượu phải chuyển hướng kinh doanh đồ uống không cồn...

Ngành rượu bia: Doanh thu giảm sút, lợi nhuận lao dốc

Tại Việt Nam, năm 2024 ghi nhận sự “tụt dốc” doanh số của các công ty sản xuất, phân phối mặt hàng đồ uống có cồn. Điều này khiến cho nhiều đơn vị kinh doanh rượu, bia rơi vào cảnh lao đao, phải chật vật tìm cách tồn tại.

Theo Báo cáo tài chính bán niên 2024 hợp nhất của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) - đơn vị sở hữu 40% phần vốn tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam và Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading). Hai doanh nghiệp này nắm vai trò sản xuất và phân phối các sản phẩm bia cho Tập đoàn Heineken (Hà Lan) tại Việt Nam, ghi nhận doanh thu nửa đầu năm nay đạt 4.651 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành rượu bia đang trên đà tụt dốc. (Ảnh minh họa)
Ngành rượu bia đang trên đà tụt dốc. (Ảnh minh họa)

Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà (Công ty Việt Hà) là một doanh nghiệp đầu tư đa ngành với nhiều thương hiệu, trong đó nổi trội nhất là bia Việt Hà. Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty, kinh doanh mấy năm gần đây của doanh nghiệp không mấy suôn sẻ, trong bối cảnh ngành đồ uống có cồn đối mặt loạt thách thức.

Trước đó, tính đến năm 2022, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á về tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người mỗi năm là 8,3 lít, tương đương một người uống khoảng 170 lít bia mỗi năm.

Theo đó, số liệu ảm đạm của ngành bia rượu tại thị trường Việt Nam là một minh chứng rõ ràng cho xu thế giảm tiêu thụ đồ uống có cồn trên toàn cầu.

Thống kê chỉ ra 6 tháng đầu năm nay vẫn khó khăn với nhiều công ty bia trong nước khi lợi nhuận sụt giảm. Như Habeco - chủ hãng bia Hà Nội, lợi nhuận ròng nửa đầu năm đạt 151 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Hay CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB), lợi nhuận sau thuế đạt 42 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm 18% cùng kỳ. Tương tự, Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Phú Thọ (BSP) lỗ hơn 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 lãi 260 triệu đồng.

Ngành rượu bia vấp phải sự cạnh tranh từ các hãng nước giải khát

Theo NBC News, ngành bia rượu hiện nay không chỉ phải đối mặt với sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng mà còn từ các đối thủ mới như những hãng nước giải khát.

Nhìn ra thế giới, tờ Slate cho hay thị phần ngành bia trong khoảng 2011-2021 trên toàn cầu đã liên tục suy giảm. Ví dụ thị phần của hãng Anheuser đã giảm từ 46,9% xuống chỉ còn 38,6%, qua đó cho thấy nhu cầu tiêu thụ rượu bia tại Mỹ đang chuyển mình đến một bước ngoặt sống còn với các hãng bán đồ uống có cồn.

Ngay cả những thương hiệu lâu đời như Heineken cũng giảm thị phần ở Mỹ từ 4% năm 2011 xuống chỉ còn 3,2% năm 2021. Số liệu của NBWA cho thấy trong năm 2022, doanh số bán bia tại Mỹ đã giảm 2%.

Khách hàng hiện nay có xu hướng chuyển sang đồ uống không cồn hoặc những sản phẩm giá rẻ hơn. Thêm vào đó, việc giữ gìn sức khỏe cũng khiến mọi người tiết kiệm được chi phí y tế, khiến nhu cầu tiêu thụ bia rượu giảm mạnh. Chuyên gia kinh tế Bart Watson của NBWA cho hay.

Cuối cùng, việc nhiều chính phủ siết chặt quản lý rượu bia nhằm đảm bảo sức khỏe người dân cũng như cộng đồng thay vì hưởng lợi từ thuế của ngành này cũng khiến thị trường chịu ảnh hưởng.

Tăng thuế cao sẽ đánh gục lĩnh vực này?

Theo thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm, khoảng 6-12% một năm trong giai đoạn 2021-2022, riêng năm ngoái là 10-12% so với trước. Còn 8 tháng đầu năm 2024, sản lượng ngành giảm gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc này ảnh hưởng tới thu ngân sách, tác động đến lực lượng lao động và các ngành phụ trợ như cung cấp nguyên vật liệu và logistics.

Chính vì thế, các nhà sản xuất bia rượu lo ngại, sức tiêu thụ bia rượu vốn đã sụt giảm bởi Covid-19 và Nghị định 100, sẽ tiếp tục chịu thêm "cú sốc" khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng nhanh và mạnh, đẩy họ vào tình thế khó khăn.

Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, thuế suất với rượu, bia sẽ tăng theo lộ trình đến năm 2030. Trong đó, thuế với bia dự kiến tăng từ 65% hiện nay lên 90% hoặc 100% vào 2030.

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, cho rằng Heineken và các hiệp hội luôn ủng hộ mục tiêu tăng thuế để bảo vệ người dân và môi trường, tuy nhiên việc tăng thuế này cần đảm bảo hài hòa lợi ích".

Để tạo điều kiện cho các ngành phục hồi, đại diện Heineken kiến nghị nên giữ thuế nguyên trong 2026, tăng thuế từ 2027, nên tăng không quá 2 năm/lần, mỗi lần 5%, hướng tới tối đa 80%. Ông Phúc nhìn nhận.

Trước thực trạng khó khăn trên, các doanh nghiệp ngành đồ uống có cồn (rượu, bia) đã có những bước chuyển dịch trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, thay vì bán hàng qua kênh truyền thống, các doanh nghiệp này bắt đầu đổ bộ lên sàn thương mại điện tử.

Thậm chí, một số hãng đã bắt đầu chuyển đổi sang mô hình đồ uống có nồng độ cồn thấp, không cồn hoặc các loại cocktail, bia ít cồn hương vị trái cây. Ví dụ như Heineken với sản phẩm bia 0,0% độ cồn hay thương hiệu Chill (Công ty Cổ phần Goody Group) với đa dạng các dòng cocktail hoa quả đóng chai với độ cồn trong khoảng 4,5%…

Theo các chuyên gia, việc trở lại thời hoàng kim của các ông lớn ngành bia rượu là rất khó khăn khi người dân Châu Á lẫn toàn cầu ngày càng ý thức được về sức khỏe, bên cạnh lý do tiết kiệm chi tiêu thời lạm phát./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/10/2024