ISSN-2815-5823
Thứ ba, 09h42 01/06/2021

Nghị định 38 gây khó cho doanh nghiệp và báo chí

(KDPT) – Nghị định 38/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo sắp có hiệu lực từ 1/6. Sau 10 năm có Luật Quảng cáo, nghị định này mới được ban hành nhưng nhiều nội dung đang bị giới phân tích phản ứng vì sự bất hợp lý.

Có thể khẳng định, quảng cáo là nguồn thu quan trọng nhất của các cơ quan báo chí nhưng con số này ngày càng bị thu hẹp lại.

Trên thực tế, trong 2 năm trở lại đây, các cơ quan báo chí trong nước đã cố gắng hết sức để tồn tại trong bối cảnh đại dịch và sự cạnh tranh khốc liệt từ DN xuyên biên giới nhưng tình hình đang diễn biến theo chiều hướng không mấy khả quan. Theo thông tin tại Hội nghị báo chí toàn quốc diễn ra vào cuối năm 2020, bên cạnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự cạnh tranh của các phương tiện truyền thông khác như mạng xã hội khiến doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí giảm mạnh, có trường hợp mất tới 70%. Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều khả năng năm 2021 tình hình cũng không cải thiện nếu không muốn nói là sụt giảm thêm về doanh thu quảng cáo đối với ngành báo chí. Tuy nhiên, với việc Nghị định 38 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo chính thức có hiệu lực từ 1/6 tới, dự báo tình hình sẽ còn trở nên khó khăn hơn nhiều khi lại có thêm những rào cản lớn với các cơ quan báo chí trong lĩnh vực quảng cáo.

Từ ngày 1/6, Nghị định 38 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo sẽ chính thức có hiệu lực. (Ảnh: VTV).

Nghị định 38 yêu cầu việc quảng cáo trên báo điện tử phải thông qua tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Với quy định này, phần lớn các cơ quan báo chí trong nước sẽ bị xử phạt, bởi việc sử dụng những dịch vụ quảng cáo quốc tế như Google Adword đang là lựa chọn hàng đầu cũng như nguồn thu quan trọng của đa số báo điện tử. Hơn thế nữa, các cơ quan báo chí cũng gần như không có khả năng kiểm soát được việc nội dung quảng báo trên báo mình có được thực hiện thông qua một công ty quảng cáo nội địa hay không.

Bên cạnh đó, quy định trên còn xuất hiện nhiều bất cập. Bản thân các cơ quan báo chí có thể được coi là đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo khi nhận đăng những thông tin này trên nền tảng của mình, ở đây là báo điện tử. Do đó, nếu bắt buộc phải thông qua một DN trung gian khác thì rõ ràng sẽ mất thêm một khoản chiết khấu nhất định. Điều này sẽ khiến cho doanh thu quảng cáo dạng trên của tờ báo bị giảm đi đáng kể, ước tính vào khoảng từ 20 – 40%.

Bên cạnh đó, tại điểm b, khoản 2, điều 38 của nghị định 38, quy định phạt tiền từ 10-15 triệu đồng, nếu thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử “không ở vùng cố định quá 1,5 giây”. Có nghĩa thời lượng quảng cáo tối đa 1,5 giây, sau đó người dùng có thể bấm nút bỏ qua.

Quy định này hiện chưa phù hợp với thực tế và quá ngắn để có thể truyền tải nội dung đến người xem trong giai đoạn quảng cáo trực tuyến ngày càng phổ biến.

Hiện Facebook và Google (nền tảng xuyên biên giới) dẫn đầu thị phần doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, chiếm hơn 80% tổng doanh thu. Giao diện của các nền tảng này hiện bắt buộc phải xem nội dung quảng cáo từ 5-15 giây.

Do đó, nếu quảng cáo trên báo chí của các doanh nghiệp trong nước đang bị siết chặt bởi quy định nghiêm ngặt của nghị định 38, thì các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới lại có lợi thế vì không chịu ràng buộc này. Cơ quan quản lý nhà nước khó xử lý sai phạm của các nền tảng này khi họ không có trụ sở tại Việt Nam.

Tổng doanh thu của báo chí điện tử mỗi năm chỉ vào khoảng trên 4.000 tỷ đồng, trong khi tổng chi phí quảng cáo trực tuyến vào khoảng 630 triệu đô la (14.500 tỷ đồng). Thu nhập từ quảng cáo của báo chí hiện đã rất khó khăn, Nghị định này càng khiến doanh nghiệp bỏ rơi báo chí, tìm đến các giải pháp khác, như Google search, Facebook advertising, hoặc các giải pháp OTT đang bùng nổ. Khoảng chênh lệch rơi vào túi Google và Facebook. Các quy định pháp lý càng khó khăn cho báo chí thì miếng bánh đã bé càng dễ rơi vào tay các Big Tech.

Thực tế cho thấy thị trường quảng cáo trực tuyến thời gian qua khá bát nháo vì các mẩu quảng cáo như thuốc “nhà tôi 3 đời” hay nghệ sĩ quảng cáo thuốc chữa bệnh nan y… nhưng cũng không thể bỏ qua các “ông lớn” công nghệ nước ngoài đang có rất nhiều sai phạm về nội dung và chất lượng quảng cáo. (Ảnh: Internet).

Theo ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam: “Điều này đã tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp quảng cáo trong nước/các cơ quan báo chí với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới, bảo hộ cho hoạt động quảng cáo của các nền tảng này trong khi hiện họ có rất nhiều vấn đề sai phạm về nội dung và chất lượng quảng cáo chưa được khắc phục triệt để”. Ông cũng cho biết: “Theo thông lệ quốc tế, với báo chí miễn phí tương tự như ở Việt Nam, quảng cáo được phép xen kẽ với nội dung tin/bài và tùy biến dựa trên đối tượng đọc báo. Người đọc có quyền nhấp chuột xem hay bỏ qua nội dung quảng cáo.”

Thứ hai, về hành vi “thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin bài” tại điểm c, khoản 2, điều 38 sẽ bị xử phạt khá nặng (10-15 triệu đồng) là không hợp lý, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các DN quảng cáo trong nước và các cơ quan báo chí với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.

Mặc dù quy định mới của Nghị định 38 hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi của độc giả, song lại thiếu công bằng trong việc đảm bảo quyền của cá nhân/tổ chức mua dịch vụ quảng cáo, cũng như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo. Các công cụ tiếp cận khách hàng thông qua sản phẩm truyền thông chính thống bị thu hẹp, gây nhiều trở ngại, khó khăn cho ngành quảng cáo, nhất là trong hoàn cảnh tự chủ tài chính. Nếu không cho quảng cáo xen lẫn vào nội dung, báo chí chính thống chắc chắn sẽ gặp thêm khó khăn, không đủ kinh phí để vận hành cũng như để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Đáng lo ngại nhất là khi các công ty quảng cáo, doanh nghiệp không được quảng cáo trên báo chí chính thống, họ sẽ chuyển sang nền tảng nước ngoài với quy định thông thoáng hơn.

Như vậy, quy định trong Nghị định 38/NĐ-CP dường như đang đi ngược sự phát triển công nghệ cũng như xu hướng phát triển của báo chí, trong khi báo chí vốn là kênh uy tín để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng kênh báo chí nhiều hơn để tiếp cận khách hàng, thì Nghị định 38 nếu đi vào thực tế, sẽ khiến các cơ quan truyền thông trong nước gặp khó một cách bất đắc dĩ.

MINH HẠ



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024