ISSN-2815-5823
Thứ tư, 04h30 20/06/2018

“Người bạn trung thành” của nền kinh tế

(KDPT) – Báo chí không những có vai trò quan trọng trong lĩnh vực chính trị – văn hoá – xã hội của đất nước mà nó còn có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế. Đó là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp với Đảng – Nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng. Tầm quan trọng đó đặt ra những yêu cầu lớn đối với đạo đức, bản lĩnh của người làm báo.

(Ảnh minh họa)

Vai trò quan trọng bậc nhất

Một nền kinh tế chỉ có thể phát triển mạnh và bền vững khi có chiến lược đúng đắn và những giải pháp hữu hiệu, trong đó, hàng đầu là giải pháp về thể chế kinh tế, cơ chế quản lý và nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Để có thể lựa chọn và xác định đúng các chiến lược, giải pháp, thì nhất thiết phải hiểu đúng thực trạng của nền kinh tế, những lợi thế so sánh và lợi thế đặc thù, nhận định đúng xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu, nhất là thời kỳ hội nhập – mỗi quốc gia là bộ phận không thể tách rời của thế giới văn minh. Đồng thời phải thường xuyên cập nhật thông tin về những tiến bộ mới của khoa học công nghệ và khoa học quản lý. Để có được những hiểu biết như vậy, vai trò của truyền thông, báo chí quan trọng vào bậc nhất.

Tuy vậy, muốn thực hiện chức năng quan trọng ấy, truyền thông phải cung cấp thông tin một cách trung thực nhất để giúp cộng đồng xã hội hiểu đúng thực trạng. Báo chí mà né tránh sự thật, né tránh phản biện thì tự làm giảm lòng tin của công chúng và mất bạn đọc. Trung thực là nhân cách đáng quý, một trong những đặc trưng rất cơ bản của đạo đức xã hội. Một xã hội thiếu trung thực, phổ biến sự giả dối, là một xã hội suy đồi về văn hóa. Mà văn hóa lâm nguy thì còn đáng sợ hơn Tổ quốc lâm nguy. Nói thẳng, nói thật, bao giờ cũng là cần thiết, tốt cho sự phát triển bền vững.

Để nói thẳng nói thật cần phải có bản lĩnh. Chúng ta thường nói rằng “Báo chí là quyền lực thứ thư”. Những người có quyền lực mà không muốn nghe và nói sự thật thì chính họ cũng là tác nhân cho sự suy đồi văn hóa. Bệnh thành tích, tâm lý thích khen, không ai muốn bị chê trách, không ai muốn phủ định mình cũng là lý do không thích nói thẳng, nói thật, nếu tình hình xấu mà lại liên quan đến trách nhiệm của mình.

Không có tư duy độc lập và không dám nói thật, luôn thụ động và nói theo, đồng nghĩa với tự đánh mất chính mình. Để nói đúng, đòi hỏi phải có thái độ và phương pháp khoa học, biết tiếp cận và biết xử lý thông tin, không chủ quan, tự phụ, luôn tự phản biện và sẵn sàng lắng nghe ý kiến khác mình, kịp thời điều chỉnh khi thấy ý kiến khác ấy có cơ sở khoa học. Tự tin, không đa nghi, nhưng biết lắng nghe. Trong lễ “Thổi lỗ tai” của đồng bào Tây nguyên có một thông điệp thật lý thú: Không phải bằng cái gì khác, không phải bằng miệng lưỡi tay chân mắt mũi, mà phải là lỗ tai, chỉ thông qua lỗ tai mà đứa trẻ mới thành người, mới có linh hồn.

Để tiếp cận được chân lý, tờ báo cần có nhiều cộng tác viên là các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và trên mặt báo luôn phản ánh tiếng nói của nhân dân với tư cách là những người tham gia làm chủ đất nước, tiếng nói nhiều chiều, có thể rất khác nhau, có khi tranh luận thẳng thắn, không một chiều, nhất là đối với những dự án lớn, công trình lớn.

Người làm báo không ngại khó, ngại khổ để phản ánh sự thật. (Ảnh minh họa)

Tiến bộ xã hội rất cần báo chí

Xã hội rất cần báo chí nói riêng và truyền thông nói chung, tham gia tích cực việc chỉ rõ những yếu kém, lối ra và giải pháp khắc phục; đấu tranh chống “lợi ích nhóm”, tiêu cực và tham nhũng, lãng phí; thực hiện minh bạch hóa thông tin, đưa ra ánh sáng mọi việc để cho tiêu cực không còn nơi ẩn nấp và hệ thống chính trị sẽ trong sạch, vững mạnh hơn; xây dựng tinh thần dân tộc, tự hào với truyền thống lịch sử vẻ vang, và biết hổ thẹn với những thói hư tật xấu đã và đang làm hạn chế sự phát triển của dân tộc Việt Nam; và thiết tha tâm huyết đối với sự phát triển của đất nước, cải thiện cuộc sống của nhân dân, giảm nghèo nhanh hơn và bền vững. Báo chí nên trực tiếp thúc đẩy đổi mới căn bản nền giáo dục nước nhà, một sự đổi mới cho đúng hướng có cơ sở khoa học, để sau vài ba chục năm nữa ta sẽ có một dân tộc với trình độ khác, ở tầm cao mới; thúc đẩy tích cực việc đổi mới tư duy, chuyển đổi căn bản cơ cấu nền kinh tế đất nước thành một quốc gia công nghiệp hóa hiện đại và kinh tế tri thức, có nền nông nghiệp sinh thái công nghệ cao, thành một trung tâm du lịch lớn của thế giới, có những ngành công nghiệp phụ trợ ít ô nhiễm môi trường và giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp phần mềm công nghệ thông tin…; Đẩy mạnh việc phổ biến các thông tin khoa học và công nghệ mới để nâng cao hiểu biết giúp sức cho sự khởi nghiệp kinh doanh của thế hệ trẻ Việt Nam.

    • Một nền kinh tế chỉ có thể phát triển mạnh và bền vững khi có chiến lược đúng đắn và những giải pháp hữu hiệu, trong đó, hàng đầu là giải pháp về thể chế kinh tế, cơ chế quản lý và nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Để có thể lựa chọn và xác định đúng các chiến lược, giải pháp, nhất thiết phải hiểu đúng thực trạng của nền kinh tế, những lợi thế so sánh và lợi thế đặc thù, nhận định đúng xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu, nhất là thời kỳ hội nhập – mỗi quốc gia là bộ phận không thể tách rời của thế giới văn minh. Đồng thời phải thường xuyên cập nhật thông tin về những tiến bộ mới của khoa học công nghệ và khoa học quản lý. Để có được những hiểu biết như vậy, vai trò của truyền thông, báo chí quan trọng vào bậc nhất.

Ngọc Hoàng



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024