Người dân dựng lều (bên trái) để ngăn xe chở rác vào bãi Xuân Sơn từ nhiều ngày nay.

Nhiều ngày nay, phía bên cạnh cổng vào bãi rác Xuân Sơn (thuộc địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội), hàng chục hộ dân của xã Tản Lĩnh đã dựng lán, thay phiên nhau túc trực chặn không cho xe chở rác vào khu xử lý. Người dân cho biết, khoảng 40 hộ thay phiên nhau ngồi canh trước cổng bãi rác cả ngày lẫn đêm ngăn không cho bất kỳ xe rác nào vào đổ trong bãi.

Việc người dân dựng lều, ngăn xe chở rác vào Khu xử lý rác thải Xuân Sơn (là một trong hai bãi rác thải lớn nhất ở thành phố, bên cạnh bãi Nam Sơn), khiến rác thải ùn ứ tại 13 huyện, thị xã ngoại thành không phải mới diễn ra chỉ một lần. Đằng sau đó là cả một loạt vấn đề còn tồn tại, vướng mắc về giá đền bù nhưng đến nay vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng.

Cách đây hơn 20 năm, UBND tỉnh Hà Tây đã phê duyệt dự án Khu Xử lý chất thải Xuân Sơn nằm trên địa phận xã Xuân Sơn - Thị xã Sơn Tây và xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, với tổng diện tích là 150,78 ha. Bãi rác Xuân Sơn đang là nơi tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 12 huyện và 01 thị xã với khối lượng bình quân hiện nay khoảng 1.500 tấn/ngày, trong đó, xử lý chôn lấp 1.400 tấn/ngày (tăng 230 tấn/ngày, khoảng 20% so với kế hoạch).

Theo đà phát triển kinh tế - xã hội, bãi rác Xuân Sơn đã từng là "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho các hộ dân của xã Xuân Sơn sinh sống gần bãi rác. Khoảng trên dưới 10 năm trước, người dân ở xã Xuân Sơn (Thị xã Sơn Tây) cũng đã dựng lán, ngăn xe chở rác vào khu xử lý do không chịu nổi mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường. Biện pháp được áp dụng sau đó là: dùng bạt che phủ toàn bộ bãi rác để hạn chế nước mưa làm đầy hồ chứa; phối hợp cơ quan chức năng chỉnh sửa lại quy hoạch bãi rác, quy trình vận hành các hồ chứa thải; cử lực lượng chuyên gia thường xuyên kiểm tra, phân tích mẫu nước. Các hộ dân chịu ảnh hưởng cũng được bố trí khu tái định cư cho các hộ dân này, giúp họ có cuộc sống thuận lợi, khang trang, sạch sẽ hơn. Các hộ dân đều đã được di chuyển đến khu vực tái định cư sinh sống, được tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt và sản xuất.

Trở lại câu chuyện mới mà cũ của người dân xã Tản Lĩnh, từ trước Tết Nguyên đán đã có sự ngăn xe chở rác, tuy nhiên khi được thuyết phục, người dân đã về nhà ăn Tết. Sau đó, sự việc tiếp tục diễn ra đến thời điểm hiện tại.

Trao đổi với phóng viên, bà Q.T.C (Tản Lĩnh - Ba Vì) cho biết: "Bãi rác này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cháu bé thường bị viêm phổi, ốm đau. Người dân không thể chịu được mùi hôi thối từ bãi rác này".

Người dân dựng lều ngăn xe chở rác vào bãi Xuân Sơn
Người dân làm lều để ngăn chặn xe vào bãi rác. Trong ảnh, hai người phụ nữ phải ngồi trong màn chụp để tránh ruồi muỗi từ bãi rác.

Không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt bình thường, người dân còn cho biết các ruộng lúa, ao cá quanh khu vực bãi rác đều bị bỏ hoang do không thể canh tác vì ô nhiễm môi trường. "Thậm chí đến bèo tây còn không sống được. Trước đây chúng tôi vẫn cấy lúa, trồng ngô, trồng khoai bình thường. Nhưng bây giờ không khí ô nhiễm, ngột ngạt không thở nổi, cây lúa không sống được. Nước giếng đào cũng không ăn được" - một người dân chia sẻ.

Người dân dựng lều ngăn xe chở rác vào bãi Xuân Sơn
Rác thải chất cao trong khu xử lý rác Xuân Sơn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Khu xử lý rác thải Xuân Sơn tạm dừng tiếp nhận, xử lý rác từ ngày 7/2/2023, do một số hộ dân tập trung dựng lán ngay trước cổng vào bãi rác, để kiến nghị một số chính sách liên quan đền bù giải phóng mặt bằng, di dời vùng ảnh hưởng bán kính 500m.

Tuy nhiên, sau 10 ngày xảy ra vụ việc cùng các cuộc gặp gỡ đối thoại giữa người dân và đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Tản Lĩnh và các bên liên quan, đến nay tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đến sáng 19/2, người dân vẫn "cắm chốt" để ngăn xe rác.

Do xe xử lý rác thải không được vào khu xử lý nên đã xuất hiện tình trạng rác thải đổ tràn lan ra đường giao thông gây mất vệ sinh, mỹ quan, tiềm ẩn những nguy cơ về ô nhiễm môi trường sống.

Người dân dựng lều ngăn xe chở rác vào bãi Xuân Sơn
Nước mưa và rác thải gây ra mùi xú uế tại các bãi rác tự phát ngay bên hông nhà máy xử lý rác Xuân Sơn.
Người dân dựng lều ngăn xe chở rác vào bãi Xuân Sơn
Một bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường nằm ngay cạnh khu xử lý rác Xuân Sơn.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc người dân lập lều ngăn xe chở rác vào bãi Xuân Sơn là do chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chưa hợp lý. Theo người dân xã Tản Lĩnh, số tiền đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân nằm trong bán kính 500m dự án mở rộng của bãi rác lần thứ ba này chưa tương xứng so với 2 dự án trước.

Theo đó, trước đây khi bãi rác Xuân Sơn triển khai dự án mở rộng lần thứ nhất và lần thứ hai, những hộ dân ở ổn định trước năm 1993 mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được công nhận 300m đất ở và tài sản hợp pháp như các hộ dân có sổ đỏ, nhưng dự án lần này lại không công nhận.

"Nếu áp dụng phương án trên, người dân chúng tôi sẽ bị thiệt rất lớn. Bởi theo giá hiện nay, đất ở đối với các hộ có sổ đỏ là 1.971.000 đồng/m2. Còn phần đất ở mà các hộ chưa/không có sổ đỏ thì chỉ có giá 528.000 đồng/m2, tính theo giá đất trồng cây lâu năm. Như vậy là rất thiệt thòi cho chúng tôi" - một người dân cho biết.

Về phía chính quyền, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Tản Lĩnh cho biết, dự án mở rộng bãi rác Xuân Sơn lần này có 41 hộ nằm trong vùng ảnh hưởng bán kính 500m cần phải di dời, nhưng chỉ 14 hộ dân có đất ở đã được cấp sổ đỏ. Các trường hợp còn lại có nhà trên đất chưa có sổ đỏ, một số hộ có đất nông nghiệp nằm trong vùng ảnh hưởng.

Xét theo quy định pháp luật thì đất chưa có sổ đỏ được xác định là đất nông nghiệp, đất đồi, đất trồng cây lâu năm và các công trình nhà ở của người dân trên phần đất này là công trình trái phép, sẽ không được đền bù khi có dự án.

Tuy nhiên, trên cơ sở kiến nghị của người dân và đề xuất của Ủy ban Nhân dân xã Tản Lĩnh, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, ngày 17/1/2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đồng ý phương án hỗ trợ 30% đơn giá đất ở đối với những hộ dân đã ở trước năm 1993; hỗ trợ 20% giá đất ở với các hộ dân đã ở sau năm 1993.

Dù vậy, các hộ dân vãn chưa đồng ý với phương án này. Do đó, tình trạng chặn xe rác vẫn đang diễn ra ảnh hưởng lớn tới công tác vệ sinh môi trường của thành phố.

Người dân dựng lều ngăn xe chở rác vào bãi Xuân Sơn
Toàn cảnh bãi rác Xuân Sơn nhìn từ trên cao.

Ngay đối diện khu xử lý rác thải Xuân Sơn hiện đang có dự án Nhà máy điện rác Seraphin. Đây là một trong những dự án quan trọng của thành phố Hà Nội, có công suất xử lý 1.500 tấn rác khô/ngày, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng. Với công suất đó, Nhà máy sẽ giúp giảm tỷ lệ chôn lấp rác của thành phố từ 100% xuống 3%. Khi đi vào hoạt động, nhà máy được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải cho các bãi rác chôn lấp như Xuân Sơn, Nam Sơn hiện nay và có thể giải quyết những bức xúc của người dân về ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, để không ảnh hưởng đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của các huyện được phân luồng vận chuyển rác lên khu xử lý rác thải Xuân Sơn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có thông báo phân luồng tạm thời rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện vận chuyển về khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).

Đối với 2 huyện Hoài Đức, Đan Phượng thực hiện vận chuyển 1 phần rác thải (khoảng 100 tấn/ngày) về xử lý tại nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn của Hợp tác xã Thành Công. Còn các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây và khối lượng rác còn lại của huyện Hoài Đức, Đan Phượng (khoảng 693 tấn) vận chuyển lên Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu các đơn vị vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện lập, đăng ký danh sách xe vận chuyển và bảo đảm vệ sinh phương tiện, không để phát tán mùi, nước rác ra môi trường trong quá trình vận chuyển.