ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 03h57 21/05/2021

Nguy cơ sa mạc hóa tại các tỉnh Tây Nguyên

(KDPT) – Theo ước tính, Việt Nam có gần 8 triệu ha đất hoang mạc hóa, trong đó, vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ đang là những khu vực báo động chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đến Tây Nguyên vào thời điểm này, dễ bắt gặp cảnh những cánh đồng khô khốc, đất đai nứt nẻ, phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới, cây công nghiệp chết úa, mất trắng.

Tây Nguyên là khu vực chịu ảnh hưởng nặng của hoang mạc hóa.

Nguồn nước suy kiệt, đất hóa đồng hoang

Giữa cái nắng chói chang gần 40°C, đứng trên đường Hồ Chí Minh nhìn xuống, cánh đồng thôn Sơn Trung, xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) chỉ thấy một màu vàng úa vì hàng chục ha đất trống bỏ hoang. Hồ thủy lợi Lâm trường Đắk Gằn, nơi cung cấp nước cho hàng trăm ha cây trồng ở thôn Sơn Trung đã trơ đáy. Lòng hồ bị người dân đào, khoét nham nhở để vét chút nước sốt lại cứu cây trồng.

Tại Đắk Lắk, biến đổi khí hậu đã khiến lượng nước ở các ao hồ, sông suối trên địa bàn tụt giảm mạnh. Tình trạng khoan giếng, khai thác mạch nước ngầm tràn lan để phục vụ cây nông nghiệp khiến nguồn nước ngầm bị suy kiệt trầm trọng. Giếng khoan phải khoan sâu đến gần 100m mới có nước. Thậm chí, nhiều hộ dân phải mua nước giá cao để sử dụng.

Tây Nguyên với hàng loạt cánh đồng chết, nguồn nước suy kiệt.

Còn ở tỉnh Gia Lai, các cây trồng chính như hồ tiêu, cà phê sụt giảm về sản lượng và năng suất nghiêm trọng. Báo cáo của ngành chức năng cho thấy, 8 tháng đầu năm 2020, địa bàn huyện Chư Sê đã xảy ra hạn hán, làm thiệt hại 556 ha lúa nước vụ đông xuân thuộc 12 xã, thị trấn; huyện Buôn Đôn có đến 11.000 ha cây trồng nhưng chỉ canh tác được 1 vụ hè thu vì không có nguồn nước ổn định.

Liên Hợp Quốc cảnh báo, quá trình sa mạc hóa là điển hình cho một trong số những “thách thức môi trường lớn nhất trong thời đại của chúng ta”. Theo Công bố mới nhất của tổ chức này, tài nguyên hữu hạn đất đai đang bị đe dọa sụt giảm nghiêm trọng. Mỗi năm, hơn 12 triệu ha đất bị mất do suy thoái, sa mạc hóa và hạn hán tái diễn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất đai ngày càng sa mạc hóa chủ yếu là mất rừng tự nhiên, rừng liên tục bị thu hẹp do khai thác, phá rừng, lấn chiếm làm nương rẫy. Đặc biệt, dân số nước ta tăng nhanh tạo sức ép thiếu đất sản xuất, dẫn đến chất lượng cuộc sống, môi trường sống ngày càng xấu đi.

Các chuyên gia cũng khẳng định, nếu không có cách ứng xử kịp thời, sa mạc hóa sẽ còn diễn biến phức tạp, gây mối đe dọa lớn cho đất đai nông nghiệp, phát triển kinh tế. Đồng thời, tác động đến vấn đề tranh chấp, khiếu kiện về đất đai sẽ là một trong những vấn đề “nóng”, khó giải quyết thỏa đáng cho người dân.

Ứng phó nguy cơ sa mạc hóa tại Tây Nguyên

Việt Nam đã tham gia Công ước Quốc tế về phòng – chống sa mạc hóa nhằm nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư. Chương trình Mục tiêu quốc gia hành động chống sa mạc hóa được chính thức ban hành từ năm 2006 nhằm giải quyết tình trạng sa mạc hóa diễn tiến nhanh tại Tây Nguyên.

Chính quyền các tỉnh Tây Nguyên tập trung đầu tư vào thủy lợi, giải quyết tình trạng khan hiếm nước của vùng.

Chính quyền và người dân các tỉnh Tây Nguyên đang thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, thích nghi như: đầu tư hạ tầng thủy lợi, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất, nghiên cứu phổ biến những cây trồng mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng đến bà con nông dân.

Điển hình, nông dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đang chuyển sang sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt thay vì sử dụng tưới béc hay tưới ống như truyền thống. Do đó, dù đang cao điểm hạn hán, nhưng vườn hoa màu, cây ăn quả, công nghiệp của người dân vẫn luôn xanh tốt, sum suê.

Hay ở huyện Buôn Đôn, địa phương ứng dụng, triển khai mô hình trồng điều ghép cao sản trên diện tích gần 100 ha và bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Giống điều ghép cao sản có sức chống chịu hạn tốt, chi phí đầu tư ít, hiệu quả kinh tế lại cao hơn cây trồng cũ.

Cũng phải nhìn nhận, việc ngăn chặn và sống chung với sa mạc hóa mất khá nhiều thời gian và gặp không ít khó khăn bởi nhận thức của người dân chưa cao, chính sách ưu đãi của nhà nước chưa đủ hấp dẫn để kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế…

Về lâu dài, giải pháp căn cơ nhất để tránh tình trạng sa mạc hóa ở Tây Nguyên là phải khôi phục lại tài nguyên rừng. Ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý bảo vệ, tăng cường công tác trồng rừng để nâng cao độ che phủ, nguồn tài nguyên nước dần được phục hồi.

HỮU LONG



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024