ISSN-2815-5823
Duy Khánh, Minh Thành, Phương Thúy, Sơn Hà
Thứ năm, 16h24 28/12/2023

Nhà báo Trương Anh Ngọc: Cơ duyên của tôi đến từ đam mê

(KDPT) - Nhà báo Trương Anh Ngọc được biết đến là một trong những cây viết thể thao hàng đầu Việt Nam, đặc biệt về bóng đá và nhất là bóng đá Ý. Ngoài ra, anh còn là một phóng viên thời sự quốc tế. Tạp chí Kinh doanh và Phát triển đã có cuộc trò chuyện xung quanh câu chuyện tác nghiệp của anh trong quãng thời gian công tác tại Ý.

PV: Mọi người thường biết đến anh nhiều hơn với vai trò là một nhà báo chuyên về thể thao và bình luận viên bóng đá thay vì vai trò của một nhà báo thường trú quốc tế. Anh có suy nghĩ thế nào về điều này?

Nhà báo Trương Anh Ngọc với niềm đam mê bóng đá và khát khao xê dịch
Nhà báo Trương Anh Ngọc với niềm đam mê bóng đá và khát khao xê dịch.

Nhà báo Trương Anh Ngọc: Nó hoàn toàn đúng, vì khi ở Việt Nam thì tôi công tác tại Báo Thể thao & Văn hóa mà tôi phụ trách chủ yếu là về thể thao. Mọi người biết đến tôi nhiều hơn với tư cách của một bình luận viên thể thao cũng không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ở các giải đấu lớn như là Euro hay World Cup, tôi lại đi với tư cách là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam.

Khi tôi rời Việt Nam để nhận công tác nhiệm kỳ ở cơ quan thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Ý thì câu chuyện liên quan thể thao lại rất nhỏ. Khi một phóng viên đi công tác thường trú, phải phản ánh tất cả những gì xảy ra ở đất nước đó. Ví dụ, là những câu chuyện liên quan đến tình hình thế giới, những câu chuyện về mối quan hệ của đất nước đó với nước Việt Nam chẳng hạn. Khi đó, sẽ phải đảm đương tất cả những công việc của một người làm báo.

PV: Cơ duyên nào đã đưa anh trở thành một phóng viên quốc tế?

Tôi nghĩ rằng, thực ra cơ duyên của tôi có lẽ bắt đầu từ đam mê tìm hiểu vì tôi đọc rất nhiều. Từ khi còn bé, tôi đã đọc rất nhiều, tôi đã nạp nó trong cả một thời gian rất dài. Khi được cử sang một đất nước khác để làm việc thì trước hết bản thân chúng ta phải có cái khao khát đi đã.

Nhà báo Anh Ngọc hòa nhập cùng những người bạn địa phương ở Ý
Nhà báo Anh Ngọc cùng những người bạn ở Ý.

PV: Vậy trong thời gian công tác tại Ý, mọi việc có "như ý"?

Thời gian đầu khi tôi sang thì tiếng Ý mà họ nói không giống những gì mà tôi đã được học. Ở đấy họ có ngôn ngữ địa phương giống như Việt Nam mình. Tôi rất ngại nghe điện thoại của văn phòng. Người ta gọi điện thoại là nói một tràng, một thôi một hồi. Tôi không hiểu cái gì hết. Tôi rất sợ thế, nhưng tôi nghĩ nếu mà mình sợ thì mình không bao giờ có thể làm việc được. Tôi nói lại người ta là: “Ngài làm ơn nói chậm lại tôi không hiểu, tôi là người nước ngoài, tôi vừa mới đến đây”. Mình làm thế nào để có thể hòa nhập một cách nhanh nhất và thay vì suốt ngày ngồi đọc các thứ nghiền ngẫm thì xung quanh có cả môi trường rộng như thế, ngay cả hàng xóm cũng có thể nói chuyện được và đừng bao giờ giấu dốt.

Nó không chỉ đơn thuần chỉ là ngôn ngữ, nó còn là việc bạn đến một nơi bạn còn phải lái xe, còn phải biết thuộc đường, phải đi lại bằng các phương tiện công cộng trong một thời gian rất ngắn.

Còn trong công tác hàng ngày, có lúc tôi phải tự lên hình quay bằng điện thoại, quen rồi. Mà nhiều khi chỉ có không đầy một tiếng là phải hoàn thiện tất cả để gửi về nhà, phải ngồi ở ngoài hiện trường, phải gửi bài luôn, phải làm tất cả mọi thứ thậm chí phải đọc và thu luôn cả tiếng của mình. Một cái máy tính một cái điện thoại làm tất cả mọi thứ. Mọi người sẽ thấy đây là một công việc tuyệt vời nhưng thực tế lại rất nhiều áp lực. Mình không được phép nhầm không được phép lẫn, không được phép ngắc ngứ, và áp lực lớn nhất chính là câu chuyện deadline. Người ta không cần biết bạn đi như thế nào, bạn làm gì, bạn có đói không, bạn có thiếu tiền không, nhưng đến giờ đấy bạn phải gửi tất cả mọi thứ.

hà báo Anh Ngọc và những hôm liên tục di chuyển, phải viết bài và biên tập ảnh cho kịp deadline
Và những lần "chạy deadline".

PV: Theo anh, ngoài kiến thức chuyên môn, một phóng viên thường trú ở nước ngoài cần thêm những kỹ năng gì?

Ngoài việc mình là phóng viên được đào tạo về nghiệp vụ thì mình còn phải có thêm sự nhạy cảm nữa, bởi vì mình sống trong lòng người dân người ta mà. Trên đầu phải luôn luôn có cái "radar" nghe ngóng suốt ngày, thậm chí đưa con đi học thôi cũng có thể ngồi quan sát. Để trở thành một phóng viên quốc tế thì sẽ cần yêu cầu cao đến độ nhạy bén.

Ngoài ra, trước khi làm bất cứ công việc gì tôi cũng phải lên kế hoạch từ trước, tự nghĩ ra trước các khả năng sẽ xảy ra để không mắc sai lầm. Khả năng lên kế hoạch, khả năng dự trù các phương án và mình phải rất nhanh trí, mình phải rất thông minh để xử lý.

Đồng thời, phải có rất nhiều "vũ khí", rất là khéo léo chứ không đơn thuần là câu chuyện về mặt chuyên môn. Mình phải biết cách làm nào đấy để để hòa nhập với môi trường và người dân bản địa một cách nhanh nhất có thể.

PV: Lần phỏng vấn nào khiến anh nhớ nhất?

Nhiều lắm, bây giờ tôi đã phỏng vấn từ cầu thủ, chính trị gia, diễn viên, nghệ sĩ, nói chung rất nhiều. Nhưng người mà tôi thích nhất là cầu thủ Del Piero. Del Piero lúc đó đang đá cho Câu lạc bộ Juventus và bây giờ vẫn được coi là một huyền thoại của đội bóng. Đó là phỏng vấn độc quyền của tôi mà chưa một nhà báo Việt Nam nào tiếp cận được Del Piero theo cách đấy. Tôi đã phải chờ câu trả lời trong vòng gần một tháng để được phỏng vấn độc quyền và truyền thông của đội Juventus chỉ cho tôi có đúng 15 phút để phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn kéo dài 45 phút, nếu như Del Piero không bận lúc đấy thì anh ấy sẽ tiếp tục còn nói chuyện nữa. Các câu hỏi đã được tôi chuẩn bị sẵn trong một cuốn sổ, rồi gửi cho thư ký báo chí của Juventus để họ xem và họ rất thích. Phỏng vấn xong, tôi có hỏi mọi thứ liên quan về Việt Nam, hỏi là có thích đến Việt Nam các thứ này kia không thì Del Piero bảo rất là thích. Và cuối cùng 5 năm sau ông ấy đến Việt Nam thật.

PV: Nhà báo Việt Nam công tác ở nước ngoài cũng cần có bản lĩnh riêng?

Mình phải trở thành "tai mắt" của Đảng và Nhà nước ở những đất nước được cử đến công tác. Vì mình là người trực tiếp có mặt ở đấy nên là mình phải biết, phải nắm được và phải đưa các thông tin. Phóng viên của Việt Nam ở hiện trường bản thân họ đã phải có bản lĩnh chính trị. Họ phải có sự hiểu biết và bản thân họ đã là một cái bộ lọc để đưa các thông tin đó để chuyển về Việt Nam của chúng ta.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Thực hiện:
BẢO NGỌC - YẾN CHI



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024